RSS Feed for Cân đối năng lượng quốc gia và phát triển bền vững là nhiệm vụ cấp bách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 20:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cân đối năng lượng quốc gia và phát triển bền vững là nhiệm vụ cấp bách

 - Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm nhu cầu về năng lượng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, ngành năng lượng Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Trong hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, an ninh năng lượng ở Việt Nam đã được củng cố đáng kể trên cơ sở nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã chuyển từ một nước nhập khẩu hoàn toàn nguồn xăng dầu sang xuất khẩu dầu mỏ từ năm 1990.

Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng kinh tế hiện nay, đất nước đang đứng trước nguy cơ thiếu các nguồn năng lượng trong tương lai không xa. Bởi vậy, nhiều vấn đề đang đặt ra cần sớm có lời giải mới bảo đảm phát triển bền vững.

Đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay đang đặt lên yêu cầu hơn bao giờ hết là phải phát triển nguồn năng lượng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.

Cân đối các nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội

Đối với than: Theo Quy hoạch điện VII, tổng lượng than cần cho ngành điện vào năm 2020 là 67,3 triệu tấn để sản xuất khoảng 156 tỷ kWh (chiếm 46,8% sản lượng điện sản xuất); đến năm 2030 sẽ tiêu thụ 171 triệu tấn than để sản xuất khoảng 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất). Với yêu cầu này, từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn than/năm.

Về điện: Cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về điện năng. Tuy nhiên, việc cung cấp điện vẫn chưa ổn định với điện áp thấp ở một số khu vực nông thôn, miền núi. Vào mùa hè, vẫn thường xuyên xảy ra thiếu điện do nhu cầu tăng (tăng trung bình khoảng 14% mỗi năm), đặc biệt là trong những năm hạn hán, vì các nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng gần 40% tổng công suất lắp đặt.

Dầu lửa và nhiên liệu dầu: Chương trình dự trữ dầu hiện tại của Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu ki-lô lít, tương ứng với việc tiêu thụ dầu lửa và nhiên liệu trong vòng 30 ngày. Khả năng dự trữ theo kế hoạch hiện tại sẽ không đủ để ổn định nền kinh tế trong nước, nếu thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu về dầu mỏ.

Nhìn chung, về cơ bản, Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu về dầu lửa cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Doanh thu của điện, than, và dầu lửa, khí gas tự nhiên tăng ổn định, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, mức độ phát triển vẫn thấp do các vấn đề như: Hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp; Sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả; hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường chưa cao; Chi phí khai thác, biến đổi, truyền tải và phân phối năng lượng cao do công nghệ lạc hậu, quản lý còn nhiều bất cập; Giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng; Đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng mong đợi; Tiến độ của nhiều dự án bị chậm so với kế hoạch…

Gắn kết hữu cơ giữa kinh tế năng lượng với phát triển bền vững

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, cân đối năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược này là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực...

Nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã và đang chỉ đạo nhằm huy động tốt mọi nguồn lực cho phát triển ngành năng lượng.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần sự chung sức của các tổ chức, cá nhân trong quá trình phát triển ngành năng lượng, nhất là trong vấn đề phát huy sáng kiến để tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng bảo đảm sự phát triển bền vững; huy động các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành năng lượng quốc gia.

Hiện nay, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với các nguồn năng lượng khác. Khung pháp lý quy định cho lĩnh vực này cũng còn rất hạn chế, nhưng trong tương lai, đây là lĩnh vực rất có tiềm năng phát triển.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Các giải pháp công nghệ chiếu sáng tiết kiệm
(Ảnh chụp từ màn hình bài trình bày của GS.TS Phạm Hồng Khôi)

 

Bên cạnh các biện pháp chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và huy động các nguồn năng lượng mới (năng lượng hạt nhân) và năng lượng tái sinh (năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương...), thì một trong số các biện pháp để giảm căng thẳng trong khoảng cách giữa cung và cầu là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam, trong khâu sản xuất ra năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28% đến 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).

Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả càng trầm trọng.

Trong sản xuất công nghiệp (hộ tiêu thụ lớn nhất, chiếm hơn 50% số năng lượng phát ra), tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến, mà so cả với những nước trong khu vực.

Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như: Công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải và một điều rất quan trọng là chưa có ý thức tiết kiệm năng lượng ở từng cá nhân trong xã hội.

Phân tích về thực trạng sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng hiện nay, trong đó có công tác chiếu sáng, GS.TS Phạm Hồng Khôi, Giám đốc Dự án chiếu sáng hiệu suất cao (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng đã trở thành quốc sách của tất cả các nước ở trên thế giới.

Theo GS.TS Phạm Hồng Khôi, ở nước ta, phần điện năng sử dụng cho chiếu sáng cao hơn (25,3%) so với thế giới (19%). Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng đã đang và sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng vào chương trình bảo tồn và tiết kiệm năng lượng của Nhà nước.

Bởi thế, để bảo đảm bảo cho thị trường chiếu sáng hiệu suất cao ở nước ta phát huy được hiệu quả ngày càng cao và phát triển bền vững, việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp chiếu sáng nước ta tiếp thu và làm chủ công nghệ chiếu sáng hiện đại, đặc biệt là công nghệ chiếu sáng LED - nguồn sáng siêu tiết kiệm điện năng, thân thiện với môi trường của thế kỷ 21 là hết sức cấp thiết.

Trong quá trình triển khai sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, đã xuất hiện một số địa phương tiêu biểu, điển hình là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Hà Nội - thủ đô của cả nước đang tích cực triển khai việc tiết kiệm năng lượng, xem đó là nội dung cần thiết trong yêu cầu phát triển năng lượng bền vững hiện nay.

Theo ông Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội, trên địa bàn thủ đô, năm 2011, có khoảng 40% doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện trên 1% theo Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm.

Kết quả, năm 2011, phong trào tiết kiệm được trên 25 triệu kWh.

Toàn Thành phố đã quyết tâm triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tiết kiệm năng lượng. Theo đó, tiến hành cam kết tiết kiệm 10% điện năng sử dụng.

Trong khi đó, phân tích về thực trạng tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm tiết kiệm Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tiết kiệm năng lượng chính là nhằm tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, hình ảnh; tạo dựng thị trường, cung ứng dịch vụ và công nghệ cho Việt Nam, đồng thời đảm bảo bình ổn, an ninh năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, cần huy động tối đa các nguồn lực vào quá trình tiết kiệm năng lượng trên tinh thần, phát triển nguồn nhân lực với các kĩ năng truyền thông, đào tạo, tư vấn tài chính và kĩ thuật liên quan đến tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn lực kĩ thuật và công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn lực tài chính đầu tư cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Ông Huỳnh Kim Tước cũng đặc biệt nhấn mạnh: Năng lượng liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, tác động trực tiếp đến các đối tượng sử dụng. Do đó, để tiết kiệm năng lượng có kết quả, cần xây dựng các thể chế, quy trình phối hợp hiệu quả giữa nhiều đầu mối cơ quan quản lý nhà nước để triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh và an ninh năng lượng ngày càng trở nên cấp bách hơn. Nước ta không thể chỉ dừng lại ở đầu tư nhằm tăng cường năng lực sản xuất năng lượng nữa mà còn cần nỗ lực để cải thiện hiệu quả năng lượng của mình, nhất là khi quản lý cầu năng lượng tốt thường có hiệu suất cao hơn nhiều so với việc xây dựng các đơn vị sản xuất mới.

Hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật để tăng cường hiệu quả năng lượng. Tuy nhiên, nếu chỉ có giải pháp kỹ thuật không thì sẽ không đủ. Khả năng tiết kiệm năng lượng tồn tại trong tất cả các khu vực của nền kinh tế: Thiết kế nhà, quản lý và quy hoạch thành phố, tổ chức giao thông, hiện đại hóa các công cụ công nghiệp, hệ thống biểu giá cho năng lượng tái tạo...

Chỉ trên cơ sở huy động toàn bộ các tác nhân trong mọi lĩnh vực cùng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, mới có thể hướng được sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng.

Chính vì vậy, các chính sách hiệu quả năng lượng thành công nhất chính là các chính sách kết hợp phát minh đổi mới kỹ thuật, cơ cấu lại tổ chức và thay đổi hành vi.

Việt Hà (nguồn: ĐCSVN)


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động