RSS Feed for Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 10:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 3]

 - Đánh giá địa điểm là nhằm xác định phẩm chất của địa điểm trên mọi khía cạnh, đặc biệt là trên quan điểm an toàn. Đánh giá địa điểm còn nhằm xác định ra các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo có thể xảy ra làm ảnh hưởng tới an toàn nhà máy. Bộ các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo này được sử dụng như các giá trị ban đầu để thiết kế nhà máy, do đó, chúng còn được gọi là "Các cơ sở thiết kế - Design Basics". Ví dụ, cấp động đất cao nhất có thể xảy ra tại khu vực địa xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vòng 10.000 năm là 7 độ Richter thì thiết kế nhà máy phải có đủ khả năng chống lại động đất cấp 7 trở lên tại địa điểm đó.



Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 1]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 2]

KỲ 3: ĐÁNH GIÁ 2 ĐỊA ĐIỂM ĐÃ LỰA CHỌN


Trong giai đoạn 2011-2015, công việc liên quan đến địa điểm bắt đầu bước sang công đoạn 2 - công đoạn "Đánh giá địa điểm". Công việc đánh giá địa điểm đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng với các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để triển khai thực hiện Lập hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Dự án đầu tư (FS) cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Theo đó Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại để thực hiện hợp đồng.

Để thực hiện công tác đánh giá địa điểm tại Phước Dinh và Vĩnh Hải, cả 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT tư vấn JAPC đã triển khai các hoạt động sau:

1. Khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người liên quan tới địa điểm:

1.1. Khảo sát, đánh giá động đất, đứt gãy bề mặt, núi lửa:

Thứ nhất: Đã khảo sát, đánh giá mức độ nguy hại của rung động nền đất do động đất gây ra đối với địa điểm, có tính tới đặc điểm địa chấn kiến tạo và các điều kiện đặc biệt của nền đất. Thực hiện phân tích độ tin cậy của các kết quả đánh giá.

Thứ hai: Nghiên cứu, đánh giá các bằng chứng về đứt gãy hoạt động, khả năng hoạt động của núi lửa và mức độ nguy hại của chúng đối với an toàn của nhà máy.

1.2. Khảo sát, đánh giá khí tượng:

Thứ nhất: Khảo sát, nghiên cứu các thông số khí tượng và các hiện tượng khí tượng cực đoan có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), bao gồm: sét, lốc, bão và các hiện tượng khí tượng khác tại địa phương.

Thứ hai: Các kết quả khảo sát, nghiên cứu đầy đủ và phù hợp cho mục đích thiết kế nhà máy ĐHN, bao gồm cả việc đánh giá xác suất xảy ra các hiện tượng khí tượng cực đoan có thông số vượt quá thông số thiết kế.

1.3. Khảo sát, đánh giá khả năng ngập lụt:

Thứ nhất: Đã khảo sát các hiện tượng tự nhiên, bao gồm: mưa lớn, triều dâng, triều giả, sóng biển, lũ và các hiện tượng khác.

Thứ hai: Thu thập, quan trắc, phân tích các dữ liệu khí tượng và thủy văn cần thiết, bao gồm cả thu thập, phân tích dữ liệu lịch sử.

Thứ ba: Phân tích dữ liệu liên quan đến cấu trúc của hệ thống điều tiết nguồn nước ở phía thượng lưu có đóng góp vào khả năng gây ngập lụt.

1.4. Khảo sát, đánh giá khả năng sóng thần:

Thứ nhất: Đã đánh giá tổng hợp các khu vực có liên quan để xác định khả năng xảy ra sóng thần ảnh hưởng đến an toàn đối với nhà máy ĐHN. Thu thập, ghi đo, phân tích số liệu tiền sử, lịch sử.

Thứ hai: Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, đã nghiên cứu đầy đủ về hiện tượng sóng thần, đánh giá tần suất xảy ra, sức phá hủy và chiều cao của sóng thần để xác định mức độ nguy hại, có tính tới đặc điểm bờ biển làm gia tăng mức độ nguy hại đó.

Thứ ba: Xây dựng mô hình ảnh hưởng của sóng thần phù hợp có tính tới sự hạn chế về độ chính xác và số lượng dữ liệu, sự hạn chế về thời gian thu thập dữ liệu, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn của nhà máy theo các kịch bản khác nhau.

1.5. Khảo sát, đánh giá địa kỹ thuật:

Thứ nhất: Đã đánh giá khả năng mất ổn định sườn dốc, trượt lở đất đá ảnh hưởng tới an toàn của nhà máy.

Thứ hai: Đã đánh giá khả năng nâng hạ, sụt lún bề mặt địa điểm do các yếu tố tự nhiên và nhân tạo như: hang động, thành tạo karst, hầm mỏ, giếng nước, giếng dầu trên cơ sở sử dụng bản đồ địa chất và dữ liệu thích hợp.

Thứ ba: Đã khảo sát, đánh giá khả năng xảy ra hóa lỏng nền đất tại địa điểm trên cơ sở sử dụng các thông số và giá trị rung động nền đất. Sử dụng các phương pháp khảo sát đất đá và phương pháp phân tích phù hợp để xác định mức độ nguy hại của hóa lỏng nền đất đối với nhà máy ĐHN.

Thứ tư: Đã khảo sát, đánh giá các đặc điểm địa kỹ thuật của nền đất, chế độ và tính chất hóa học của nước ngầm.

1.6. Khảo sát, đánh giá các yếu tố do hoạt động của con người gây ra:

Thứ nhất: Đã khảo sát, đánh giá khả năng máy bay rơi tại địa điểm nhà máy ĐHN và mức độ nguy hại, có tính đến tần suất bay và đặc điểm của máy bay hiện tại và tương lai.

Thứ hai: Đã khảo sát, đánh giá các hoạt động trong khu vực có liên quan đến việc xử lý, lưu giữ, vận chuyển hóa chất có khả năng gây nổ, hoặc tạo ra các khí dễ cháy nổ. Xác định mức độ nguy hại do nổ hóa chất, bao gồm cả tác động do áp lực và gây độc, có tính đến khoảng cách tới địa điểm.

1.7. Khảo sát, đánh giá nguồn nước làm mát và nguồn điện cấp cho nhà máy điện hạt nhân:

Thứ nhất: Đã khảo sát, đánh giá các thông số địa điểm liên quan đến cấp nước làm mát cho nhà máy ĐHN, bao gồm: nhiệt độ và độ ẩm không khí; nhiệt độ nước; nguồn nước với các dữ liệu về dòng chảy, trữ lượng nước ít nhất, khoảng thời gian mà nguồn nước ở trữ lượng ít nhất, có tính tới khả năng hư hỏng của cấu trúc điều tiết nước. 

Thứ hai: Xác định nguyên nhân làm suy giảm, hoặc thay đổi tính chất nguồn nước làm mát cấp cho nhà máy ĐHN do tự nhiên, hoặc hoạt động của con người gây ra như thay đổi phát sinh một lượng quá lớn tạp chất, hoặc sinh vật biển, tràn dầu, hỏa hoạn. 

Thứ ba: Xác định nguồn điện cấp cho các cấu trúc, hệ thống và các thành phần quan trọng đối với an toàn của nhà máy ĐHN.

2. Khảo sát, đánh giá khả năng phát tán phóng xạ từ nhà máy ĐHN ảnh hưởng đến công chúng

2.1. Khảo sát phát tán phóng xạ qua không khí:

Thứ nhất: Đã khảo sát, nghiên cứu khí tượng và các yếu tố liên quan, bao gồm: địa hình, các hiện tượng và thông số khí tượng cơ bản như mưa lớn, độ ẩm, tốc độ và hướng gió, nhiệt độ không khí, sự ổn định và nhiễu loạn của không khí.

Thứ hai: Đã thực hiện chương trình quan trắc khí tượng tại địa điểm và khu vực liên quan phục vụ cho việc đánh giá phát tán phóng xạ qua không khí. Sử dụng thiết bị quan trắc có khả năng ghi đo các thông số khí tượng tại các độ cao và vị trí thích hợp. Ngoài dữ liệu quan trắc, đã thu thập dữ liệu khí tượng hiện có ở các nguồn khác.

Thứ ba: Đã thực hiện đánh giá sự phát tán phóng xạ qua không khí trên cơ sở sử dụng dữ liệu thu thập bằng chương trình mô phỏng hiện đại.

2.2. Khảo sát phát tán phóng xạ qua nước bề mặt:

Thứ nhất: Đã khảo sát, nghiên cứu đặc điểm nước bề mặt trong khu vực liên quan tới khả năng phát tán phóng xạ qua nước bề mặt, bao gồm các nguồn nước tự nhiên và nhân tạo, những cấu trúc chính sử dụng cho việc kiểm soát nguồn nước, vị trí lắp đặt cấu trúc lấy nước và việc sử dụng nguồn nước bề mặt trong khu vực.

Thứ hai: Đã thực hiện chương trình khảo sát, nghiên cứu nước bề mặt để xác định khả năng pha lỏng và khuếch tán của các nguồn nước, khả năng tập trung trầm tích và sinh vật, cơ chế vận chuyển nhân phóng xạ trong thủy quyển và con đường gây phơi nhiễm bức xạ.

Thứ ba: Đã đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước bề mặt bị nhiễm xạ đối với dân cư trên cơ sở sử dụng dữ liệu thu thập được bằng mô hình phát tán thích hợp.

2.3. Khảo sát phát tán phóng xạ qua nước ngầm:

Thứ nhất: Đã khảo sát, nghiên cứu đặc điểm nước ngầm trong khu vực liên quan tới khả năng phát tán phóng xạ qua nước ngầm, bao gồm đặc điểm của nguồn nước, tương tác của chúng với nước bề mặt và việc sử dụng nguồn nước ngầm trong khu vực.

Thứ hai: Đã thực hiện chương trình khảo sát, nghiên cứu phân tích các đặc tính của nước ngầm để đánh giá cơ chế vận chuyển nhân phóng xạ. Chương trình này bao gồm việc khảo sát, nghiên cứu đặc điểm của đất, nước, đặc tính vật lý và hóa học của vật liệu trong đất liên quan đến cơ chế tích tụ, vận chuyển nhân phóng xạ trong nước ngầm và con đường gây phơi nhiễm bức xạ.

Thứ ba: Đã đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước ngầm bị nhiễm xạ đối với dân cư trên cơ sở sử dụng dữ liệu thu thập được bằng mô hình phát tán thích hợp.

2.4. Khảo sát phân bố dân cư và phông bức xạ:

Thứ nhất: Đã khảo sát, nghiên cứu và xác định dữ liệu về phân bố dân cư trên cơ sở điều tra dân số mới nhất và ngoại suy để có dữ liệu hiện tại, tương lai đối với khu vực nơi dân cư có khả năng chịu ảnh hưởng bởi phát tán phóng xạ.

Thứ hai: Đã đánh giá khả năng ảnh hưởng của phóng xạ đối với dân cư trong điều kiện phát thải phóng xạ bình thường và trong trường hợp có sự cố, bao gồm cả sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có tính tới các thông số đặc trưng của địa điểm.

Thứ ba: Đã đánh giá phông bức xạ trong khí quyển, thủy quyển, thạch quyển và hệ sinh vật trong khu vực làm cơ sở cho việc xác định ảnh hưởng bức xạ của nhà máy ĐHN trong tương lai.

2.5. Xác định giới hạn liều chiếu xạ đối với công chúng:

Thứ nhất: Đã tính toán và xác định được: trong trường hợp vận hành bình thường của nhà máy ĐHN, liều chiếu xạ gây ra bởi nhà máy đối với công chúng không vượt quá giới hạn theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Trong trường hợp sự cố, kế hoạch ứng phó sự cố có thể thực hiện được để liều chiếu xạ gây ra bởi nhà máy đối với công chúng không vượt quá giới hạn theo quy định của pháp luật.

3. Kết luận

Một là: Hoạt động khảo sát, nghiên cứu đánh giá 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải của 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT tư vấn JAPC đều áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Đối với những nội dung mà tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam chưa có, chưa đầy đủ hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ thì đã áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Liên bang Nga và của Nhật Bản, được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng.

Hai là: Cả 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải đều thoả mãn những điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ba là: Kết quả khảo sát, nghiên cứu đã được lập thành hồ sơ để lưu giữ và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân; EVN đã trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.

Như vậy, nhiệm vụ đánh giá hai địa điểm đồng thời được thực hiện trong giai đoạn Nghiên cứu khả thi (FS) của hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được triển khai bởi hai đối tác chính của Việt Nam là Liên bang Nga và Nhật Bản từ 2010 đến cuối 2014. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ FS và đánh giá địa điểm cho mỗi dự án đều hơn 30 triệu USD, được Chính phủ Nga và Nhật Bản cấp cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại, trong đó kinh phí để nghiên cứu, khảo sát và đánh giá mỗi địa điểm đều hàng chục triệu USD.

Việc xác định được hai địa điểm này đã mất nhiều công sức và thời gian (xem Kỳ 1 và Kỳ 2 của chuyên đề này), việc đánh giá được địa điểm có phù hợp cho nhà máy điện hạt nhân hay không, và để có được các kết luận nêu trên cũng mất nhiều năm, với kinh phí lớn. Các nghiên cứu, đánh giá và kết luận của quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận) là những sản phẩm có giá trị cần được giữ lại cho tương lai.

Kỳ tới: Kết luận và kiến nghị

TS. LÊ VĂN HỒNG, TS. TRẦN CHÍ THÀNH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động