RSS Feed for Từ đèo Cả đến đèo Ngang: Khẳng định vững chắc giá trị văn hóa CPC | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 17:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ đèo Cả đến đèo Ngang: Khẳng định vững chắc giá trị văn hóa CPC

 - "Khi nghe tin bão số 10 sẽ đi vào miền trung, anh em chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng chi viện khi Tổng công ty yêu cầu", đó là tâm sự của anh Trương Nguyễn Đình Hảo - Đội trưởng đội xung kích Công ty Điện lực Phú Yên tham gia hỗ trợ Quảng Bình khôi phục cấp điện sau bão chia sẻ.

"B32": Những "chiến binh" thầm lặng sau bão số 10

TRƯỜNG THẮNG - TRẦN THIÊM

Quá trình tham gia hỗ trợ của Đội xung kích của Công ty Điện lực Phú Yên có nhiều điều đặc biệt: là đơn vị "xa nhất" tham gia hỗ trợ cho địa bàn bị thiệt hại "nặng nhất"; công tác tại xuất tuyến có địa hình "phức tạp nhất"; Đội xung kích Công ty Điện lực Phú Yên cũng là đơn vị sau cùng rút quân khỏi Quảng Bình sau khi hoàn thành nhiệm vụ khôi phục cấp điện cho xuất tuyến cuối cùng.  

Cơn bão số 10 đi qua để lại những hậu quả nặng nề cho lưới điện Quảng Bình, việc khắc phục thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đó mới thấy hết được những nét văn hóa đẹp của người thợ điện miền Trung. Đó là sự "tận tâm": cố gắng hết sức, làm việc không kể ngày đêm để nhanh chóng khôi phục cấp điện cho nhân dân. Đó là "chia sẻ": đồng cam cộng khổ giữa các đơn vị trong "ngôi nhà chung" Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Cũng từng gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn lũ lịch sử năm 2009 (tại Phú Yên), nên chúng tôi hiểu rất rõ khó khăn, thiếu thốn của bà con Quảng Bình sau khi cơn bão đi qua: thiếu nước sạch, nhu yếu phẩm… Đặc biệt việc thiếu điện khiến cuộc sống khó khăn gấp bội phần. Có lẽ mong mỏi lớn nhất lúc này đối với bà con là sớm cấp điện trở lại.

Do đó mặc dù phải chạy đua với cả núi công việc những tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Phú Yên, nhưng khi nhận được lệnh "tổng động viên" từ Tổng công ty Điện lực miền Trung, chúng tôi sẵn sàng gác lại mọi việc để tham gia "chi viện" cho Quảng Bình.

Phương tiện hỗ trợ của Công ty Điện lực Phú Yên.

Không kịp đợi trời sáng, lúc 3h30 ngày 19/9, chúng tôi vội vã xuất phát tại Tuy Hòa, vượt qua quãng đường hơn 700km đoàn đặt chân đến Thị xã Ba Đồn (lúc này đã là 21h15). Chỉ một vài ánh đèn le lói, còn lại xung quanh bóng đêm bao trùm. Chứng kiến cảnh tượng đó, cả đoàn chúng tôi không khỏi xúc động và tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để sớm mang nguồn sáng trở lại cho bà con.

4h00 sáng ngày 20/9, giấc ngủ chưa tròn, các anh lại tiếp tục di chuyển gần 40km từ Thị xã Ba Đồn lên xã Quảng Hợp - là một xã vùng núi của huyện Quảng Trạch, giáp huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp cận hiện trường là lúc trời vừa sáng, 5h30 họ bắt đầu triển khai lực lượng khảo sát hiện trường và lên phương án thi công. Mặc dù vẫn còn khá mệt sau một chuyến đi dài, nhưng hình ảnh bà con sống trong đêm tối luôn ám ảnh các anh - là động lực thôi thúc các anh cố gắng vượt lên chính mình.

Nhiệm vụ của các anh là thay mới 11 cột bị gãy, 7 bộ xà bị cong vênh, 15 quả sứ đứng, kéo lại gần 3km đường dây thuộc xuất tuyến 478 trạm biến áp 110kV Hòn La. Đây là xuất tuyến bị thiệt hại khá nặng, trên xuất tuyến này còn có hai đội của Công ty Điện lực Quảng Nam và Công ty Điện lực Gia Lai đang tham gia hỗ trợ.

Với khối lượng như vậy, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng với địa hình phức tạp, tuyến đường dây chủ yếu men theo triền núi thì việc thi công là rất khó khăn. Một số vị trí buộc phải thi công bằng phương pháp thủ công vì phương tiện cơ giới không thể tiếp cận hiện trường.

Một vị trí được xe hỗ trợ thi công.

Đa số anh em trong đoàn lần đầu tiên xa nhà, chưa kịp làm quen với sự thay đổi hơi bất thường của thời tiết: nắng mưa bất chợt, rồi những bữa ăn "chớp nhoáng" tại hiện trường, không có điện, nguồn nước sạch thiếu thốn, đó là những khó khăn mà các anh gặp phải. Tuy nhiên, khó khăn trong công việc cũng như sinh hoạt không làm các anh nản lòng, ngược lại càng khó các anh càng quyết tâm để nhanh chóng đưa dòng điện trở về để phần nào giúp bà con bớt khổ.

Ba ngày sau, các anh đã khôi phục hoàn toàn việc cấp điện cho trạm biến áp phụ tải cuối. Anh em chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến niềm vui, nụ cười của bà con khi đón nhận dòng điện trở lại.

Hoàn thành nhiệm vụ, hôm sau, đoàn tranh thủ ghé thăm và báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Đảo Yến - nơi Bác đang yên nghỉ, trước khi lên đường trở về Phú Yên.  

Thăm và báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trên đường về, xác định đây là cơ hội hiếm hoi nên anh em có nguyện vọng đến thăm trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Trung. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Lãnh đạo Ban An toàn, đoàn đã được tham quan phòng truyền thống Tổng công ty vào 05h30 sáng 24/9. "Tại đây, sau khi được tận mắt chứng kiến những tư liệu, hiện vật chúng tôi càng thấu hiểu hơn những truyền thống, nét đẹp văn hóa của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Trong chúng tôi dâng lên niềm tự hào được khoác trên mình chiếc áo cam - màu áo truyền thống của Điện lực miền Trung", anh Hảo chia sẻ thêm trước giờ chia tay.

Thăm trụ sở và phòng truyền thống Tổng công ty.

Chia tay anh Hảo cùng anh em Đội xung kích Công ty Điện lực Phú Yên nhưng những hình ảnh đẹp, thân thương của các anh sẽ còn lưu luyến mãi.

Bão số 10 được đánh giá là cơn bão mạnh với sức tàn phá khủng khiếp, nó có thể quét sạch mọi thứ trên đường nó đi qua. Nhưng có một thứ nó không thể lay chuyển đó là cái "TÌNH": tình đồng bào, tình đồng đội...

Xin mượn mấy câu thơ của chị Quyên Hà để kết thúc bài viết: Hình ảnh đẹp sẽ còn in đậm mãi:

"Màu áo da cam

Đầm mình trong nước

Kéo dây dựng cột

Mồ hôi nhỏ giọt

Hòa vào nước mưa.

Ai đang treo mình

Trên cột đung đưa

Trời không mưa

Sao áo anh ướt đẫm

Dưới bầu trời xanh thẳm

Sắc áo sáng bừng lên

Như gửi trọn niềm tin

Ngày mai

Trên quê hương mình

Cuộc sống sẽ bình yên trở lại".

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động