RSS Feed for Cần xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 05:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp

 - Không hẳn là vốn, không hẳn là những ưu đãi về chính sách điều mà nhiều DN hóa chất cần nhất trong quá trình thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) chính là xây dựng một lộ trình cụ thể để DN làm theo.


Hiệu quả lớn từ tiết kiệm năng lượng

Ngành sản xuất hóa chất bao gồm nhiều nhóm sản phẩm khác nhau như cao su, chất tẩy rửa, hóa chất cơ bản, pin, ắc quy và phân bón. Mỗi nhóm có đặc thù khác nhau, sử dụng nguyên liệu, năng lượng và công nghệ khác nhau.

Theo TS. Phùng Ngọc Bộ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công nghệ của ngành hóa chất hiện nay mới chỉ ở mức trung bình thấp của khu vực và thế giới nên chi phí năng lượng còn chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm.

Minh chứng rõ nét hơn cho vấn đề này, ông Hoàng Văn Tại - Giám đốc Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển cho biết: Để sản xuất phân lân, trong một giai đoạn dài trước đây, công ty phải sử dụng công nghệ lò cao với than cốc là nhiên liệu, năng suất thấp nên tiêu hao nhiên liệu lớn. Mặc dù đã có nhiều năm trong nghề nhưng đã có thời gian, công ty không chịu nổi mức tiêu hao này và vì không có tiền nhập than cốc nên gần như phải đóng cửa.

Vì lý do đó, để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển đã cải tiến công nghệ lò cao chạy từ than cốc sang than antraxit nội địa, từ đó giảm hơn 1 tấn than nguyên liệu so với trước đây, đồng thời giảm lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu than cốc.

Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành đóng bánh than vụn nhằm tận dụng phế thải, nếu trước đây phế thải chiếm khoảng 35% thì hiện nay phế thải rắn hầu như được tận dụng lại, từ đó tiêu hao nguyên liệu đã giảm từ 1,7 tấn xuống còn 1,1-1,2 tấn. Đồng thời, việc thay đổi công nghệ hiện đại đã giúp giảm tiêu hao điện từ 45kWh/tấn sản phẩm thì hiện nay chỉ còn trên 40kWh/tấn sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại từ đó là rất lớn.

Cũng nhằm mục đích tiết giảm chi phí năng lượng nhằm giảm giá thành sản xuất kinh doanh, nhiều DN khác thuộc Tập đoàn Hóa chất đã chủ động áp dụng các giải pháp TKNL như đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; Chuyển đổi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như chuyển từ than cốc nhập khẩu sang antraxit nội địa, chuyển từ sử dụng màng amiang sang màng bán thấm trong điện phân xút - clo, chuyển từ dung môi hữu cơ sang dung môi nước…

Do đó, hiệu quả TKNL mang lại rất khả quan. Cụ thể, để sản xuất 1 tấn amoniac, Công ty Phân đạm Hà Bắc đã giảm định mức tiêu hao than cốc từ 1.408kg xuống còn 1.250kg; Giảm tiêu thụ điện từ 1.425 kWh xuống còn 1.260 kWh…

Cần xây dựng lộ trình cho DN

Khi những hiệu quả kinh tế thu được từ tiết giảm năng lượng tiêu thụ đã thấy rõ, là một trong những ngành nghề sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, để “trụ vững” trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá năng lượng có nhiều biến động như hiện nay, nhiều DN hóa chất đã tự chủ động tiết giảm chi phí năng lượng để giảm giá thành sản phẩm.

Theo đại diện của Công ty CP phân lân Ninh Bình: Về mặt thị trường, hiện nay, vấn đề TKNL dù không bắt buộc thì DN cũng phải tự tìm cách áp dụng để giảm chi phí. Do vậy, điều băn khoăn lớn nhất của nhiều DN không hẳn là những ưu đãi về vốn hay chính sách khuyến khích mà chính là một lộ trình cụ thể để cho DN làm theo.

Hiện nay, mặc dù Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực nhưng lộ trình cụ thể, mức tiêu hao năng lượng cụ thể cho từng ngành, từng DN thì chưa được tính đến. Chính vì chưa có lộ trình và những con số cụ thể nên các giải pháp TKNL dù có được DN triển khai thì cũng không được thực hiện một cách hệ thống và bài bản.

Cùng chung ý kiến như vậy, ông Hoàng Văn Tại cho hay: Điều quan trọng là phải  xây dựng được một lộ trình cụ thể cho DN như năm nay phải tiết giảm được bao nhiêu % tổng năng lượng sử dụng. Bởi có được lộ trình như vậy rồi mới có cơ sở để xem xét những hỗ trợ khác như công nghệ, vốn, đào tạo nhân lực, chính sách pháp luật và tư vấn… để làm sao đạt được những mục tiêu mà lộ trình đề ra.

Nhận thức được vấn đề này, để hỗ trợ cho DN TKNL, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu đã phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện dự án “Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn”.

Mức đầu tư của dự án là vào khoảng 4 triệu USD với 3 hợp phần: Kế hoạch hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành công nghiệp chính (hợp phần này có 1 phần quan trọng là xây dựng các chiến lược và kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp); Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng; Xây dựng năng lực quản lý và giám sát chương trình.

Dự án sẽ kéo dài từ năm 2012-2015. Đây được kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” cho DN thoát khỏi tình trạng “mù mờ” về mục tiêu như hiện nay.

Ngoài việc thiếu lộ trình cho DN, cũng theo đánh giá của các đơn vị này, một trong những điểm “vướng” của DN khi thực hiện hoạt động TKNL chính là kiểm toán năng lượng.

“Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định DN bắt buộc phải kiểm toán năng lượng, tuy nhiên, để tìm kiếm một chuyên gia kiểm toán năng lượng đủ năng lực, lại hoạt động trên địa bàn gần với công ty thì là điều không dễ dàng” - đại diện Công ty CP phân lân Ninh Bình cho hay.

Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiến hành cấp chứng chỉ cho các cán bộ kiểm toán năng lượng có đủ năng lực, đồng thời sẽ cung cấp danh sách này để DN có thể dễ dàng thực hiện kiểm toán năng lượng. Trong trường hợp DN có thể tự kiểm toán năng lượng thì có thể tự kiểm toán và gửi kết quả về cho sở, ngành quản lý.

Phương Lan (nguồn: VEN)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động