RSS Feed for Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 02:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 3)

 - 4 giải pháp phát triển Việt Nam đang đứng trước triển vọng trở thành công xưởng chế biến, chế tạo mới về ngành năng lượng của thế giới, không những đủ cung cấp các thiết bị cho các dự án trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 1)
Việt Nam có thể trở thành công xưởng chế biến, chế tạo về năng lượng (Bài 2)

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn những diễn biến phức tạp, khu vực tài chính với những ngân hàng đổ vỡ và tình trạng nợ công không trả được tại một số quốc gia có thể gây nên tình huống bất ổn ở nhiều nơi.

Thách thức

Thách thức lớn nhất là phải chấp nhận cạnh tranh với các đối thủ có phân ngành, chuyên ngành của ngành năng lượng tương ứng trước hết là trong khối ASEAN sau đó là các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Thái Lan có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc phân ngành Điện và Dầu khí rất mạnh (EGAT, PTT…).

Indonesia và Australia là các nước có tài nguyên than dồi dào, chuyên xuất khẩu than nên việc cạnh tranh ở phân ngành Than đối với Việt Nam ở lĩnh vực chế biến, chế tạo nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn phải khắc phục.

Các đối thủ khác như: Malaysia, Philippine ngành năng lượng của họ cũng đang phát triển mạnh. Ngoài ra việc cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc sẽ rất khốc liệt do nước này đã đi trước nước ta một bước và giá sản phẩm ngành năng lượng thường rất rẻ.

Thách thức thứ hai là phải tìm được giải pháp tối ưu nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành năng lượng Việt Nam. Chúng ta đã có sự khởi sắc so với trước, song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi.

Sản phẩm cơ khí làm ra mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong nước, còn lại vẫn phải nhập ngoại. Vấn đề đặt ra là phải tìm cách hợp tác với các đối tác thuộc các nước phát triển sao cho có lợi nhất để việc nội địa hóa thành công đưa ra sản phẩm có chất lượng với giá thành cạnh tranh.

Thách thức thứ ba là Đảng, Nhà nước cần có chủ trương đúng, chỉ đạo quyết liệt có cơ chế và chính sách cụ thể, có quy hoạch, kế hoạch rõ ràng, tạo vốn, cho mua công nghệ hiện đại, sử dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, công nhân lành nghề cộng với việc thuê chuyên gia nước ngoài, kêu gọi các nhà khoa học là việt kiều của Việt Nam trên thế giới để cùng góp sức xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo mới của thế giới.

Bốn giải pháp phát triển

Việt Nam có dịp đánh giá và nhìn nhận để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển nền kinh tế của mình, trong đó có vấn đề năng lượng.

Một là: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có quyết sách về phát triển cơ khí chế tạo.

Ngày 25/12/2002 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020.

Tiếp đó, Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam tại Văn bản số 25/KL-TW ngày 17/10/2003 đã chỉ rõ: “Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, cần nhiều nguồn lực để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách khác, song nhận thức phải coi cơ khí chế tạo là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo độc lập, tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng góp phần nâng cao đời sống nhân dân”.

Từ Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ ngành Cơ khí Việt Nam phát triển, thể hiện ở nhiều văn bản, trong đó có các Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 23/4/2007, Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 nhằm đẩy nhanh tiến trình nội địa hóa chế tạo, sản xuất thiết bị cho các dự án năng lượng trong nước.

Hai là: Sau 30 năm đổi mới (1986-2015) nền kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành năng lượng nói riêng đã đạt được nhiều thành quả như nhận định ở Mục II trên đây tạo điều kiện để tiếp thu đẩy mạnh phát triển cơ khí chế tạo từ đó xem xét đánh giá chuyên ngành nào của ngành năng lượng có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong thời gian tới.

Chú ý là các sản phẩm giàn khoan dầu khí, thiết bị về vật liệu điện, máy biến áp, dây cáp điện, Chính phủ đã đề ra đến năm 2020 phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Ba là: Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập với quốc tế: ngày 07/11/2006 là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký, hoặc cùng ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác trên thế giới.

Đặc biệt, năm 2015 đang có hai sự kiện quan trọng: Đàm phán để ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Bốn là: Vốn đầu tư cho ngành năng lượng rất lớn, chỉ kể riêng vốn đầu tư cho khoảng gần 60 dự án NMNĐ than của QHĐVII thuộc chuyên ngành nhiệt điện, phân ngành Điện đã là khoảng 100 tỷ USD, trong đó chi phí thiết bị chiếm khoảng 70% vốn đầu tư (70 tỷ USD).

Bộ Công Thương đánh giá đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp cơ khí tham gia cung cấp thiết bị cho các dự án nhiệt điện trong nước không để dòng ngoại tệ này chảy ra nước ngoài đồng thời tạo thêm được công ăn việc làm, giảm thất nghiệp.

Không những đủ cung cấp các thiết bị cho các dự án trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trên thế giới đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới đối với ngành năng lượng.

Phương hướng phát triển

Một là: Trên cơ sở Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 25/KL-TW và các văn bản khác có liên quan, Bộ Công Thương có chỉ đạo về phương hướng phát triển cơ khí chế tạo cho ngành Năng lượng nói chung và từng phân ngành, chuyên ngành của ngành Năng lượng nói riêng được cụ thể hóa vào các đề án điều chỉnh quy hoạch (dầu khí, than, điện, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân) mà Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Việc xây dựng các đề án điều chỉnh quy hoạch liên quan đến cơ khí chế tạo cần hợp lý, không dàn trải, tập trung vào những chuyên ngành mà ta có thế mạnh và có khả năng vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới.

Hai là: Tiếp cận được công nghệ chế biến, chế tạo ở mức tiến tiến nhằm tạo ra được các hình mẫu liên ngành.

Ví dụ, khi nghĩ đến nội địa hóa công tác thăm dò khai thác Bể than Đồng bằng sông Hồng để khí hóa than phát điện thì đồng thời phải nghĩ đến nội địa hóa công nghệ phát điện tiên tiến nhất, hiệu suất cao đảm bảo bảo vệ môi trường như thiết bị chu trình tích hợp quá trình khí hóa than với phát điện (IGCC) và các chu trình hiện đại khác như EAGLE, IGFC…

Ba là Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành các văn bản đưa ra chính sách cơ chế vừa khuyến khích cạnh tranh lành mạnh vừa hợp tác phối hợp thân thiện với nhau, các doanh nghiệp liên danh liên kết cùng thực hiện việc chế biến chế tạo trong một phân ngành hay một chuyên ngành.

Mục tiêu cuối cùng là hàng Việt Nam có chất lượng cao giá hấp dẫn cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài.

Bốn là: Hợp tác quốc tế có chọn lọc, phải tìm được đối tác có danh tiếng thật sự muốn giúp ta thực hiện chủ trương nội địa hóa trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Ví dụ, thời gian qua ta đã chọn DOOSAN Hàn Quốc để chế tạo lò hơi và các thiết bị phụ thuộc hay GE Hoa Kỳ để chế tạo tổ máy tuabin - máy phát điện điện gió tại Việt Nam là hợp lý, cần xem xét đánh giá và hoàn thiện mô hình hợp tác này.

Năm là: Có chính sách hiệu quả tập hợp nhân tài vật lực trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ngành năng lượng ở trong nước, kiều bào đang sống ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế.

Việc thu hút chất xám đạt kết quả tốt sẽ là một trong các yếu tố dẫn đến thành công để Việt Nam có các sản phẩm năng lượng được biết đến trên trường quốc tế.

Sáu là: Có chính sách tài chính thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng hỗ trợ phát triển ngành năng lượng dài hạn của Việt Nam, cũng như quy hoạch phát triển của các phân ngành năng lượng, trong đó có chuyên ngành năng lượng xanh (năng lượng tái tạo - năng lượng mới).

Bảy là: Kiến nghị về thời gian để các chuyên ngành, các phân ngành của ngành năng lượng vượt qua thời gian nội địa hóa có kết quả tốt, tiến tới trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới (có tham gia xuất khẩu) như sau:

Năm 2020: Phân ngành Điện: thiết bị và vật liệu điện, dây cáp điện, máy biến áp lực điện áp đến 500kV, kết cấu thép nhà máy điện và cột điện; phân ngành Than: chống thủy lực, máy đào lò, xe tải; phân ngành dầu khí: giàn khoan, kho nổi, bồn áp lực, các sản phẩm chế biến từ dầu thô; phân ngành năng lượng xanh: pin mặt trời, tháp điện gió.

Năm 2025: Phân ngành Điện: toàn bộ thiết bị công nghệ trạm biến áp điện áp đến 500kV; toàn bộ thiết bị công nghệ nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; phân ngành Than: khoảng 65% sản phẩm cơ khí mỏ; phân ngành Dầu khí: khoảng 65% sản phẩm cơ khí dầu khí; phân ngành năng lượng xanh: tuabin - máy phát điện gió và các thiết bị phụ khác.

Năm 2030: Phân ngành Điện: khoảng trên 70% thiết bị nhà máy nhiệt điện; phân ngành Than và Dầu khí đáp ứng cơ bản cho sản xuất trong nước và tham gia xuất khẩu.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước cho thành lập Bộ Năng lượng là cơ quan quản lý Nhà nước có đủ tầm, năng lực, quyền hạn, để chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn vừa là động lực, vừa là nền tảng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển phục vụ đời sống nhân dân.

Định hướng vĩ mô của nhà nước là Việt Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế trong nước, tạo sức mạnh nội địa vững chắc, kết hợp đường lối hội nhập nhằm thu hút những năng lực sẵn có trong, ngoài nước mà Việt Nam cần và có thể huy động được nhằm phát triển bền vững lâu dài, có sức cạnh tranh mạnh trên bình diện quốc tế.

Cơ khí bao gồm chế biến, chế tạo là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước.

Đối với ngành Năng lượng Việt Nam, công nghiệp cơ khí luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình nỗ lực phấn đấu để thực hiện có kết quả “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tin tưởng các ban ngành liên quan tìm ra các giải pháp hỗ trợ để ngành năng lượng đi trước các ngành kinh tế khác, không ngừng đổi mới và phát triển góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến chế tạo mới của thế giới trong thời gian tới.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động