RSS Feed for Cần có quy định để tăng dần tỷ trọng xăng E5 trên thị trường | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 18:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần có quy định để tăng dần tỷ trọng xăng E5 trên thị trường

 - Theo kế hoạch phối hợp triển khai phân phối xăng E5 tại Quảng Ngãi vừa được Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Quảng Ngãi ký kết, từ ngày 1/6 Quảng Ngãi bắt đầu phân phối xăng E5, và từ ngày 1/9 tới sẽ phân phối 100% xăng E5 trên toàn tỉnh. Để việc sử dụng nhiên liệu sinh học được thực hiện đúng, thậm chí sớm hơn lộ trình, ngoài nỗ lực của PVN trong công tác đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm xăng sinh học… vẫn còn một số vấn đề pháp lý cần bàn đến. Phóng viên Tòa soạn Năng lượng Việt Nam/ Nangluongvietnam.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Tổng giám đốc PVN về vấn đề này.

>> Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học sớm hơn lộ trình
>> Đẩy nhanh lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học
>> Cần có chính sách ưu tiên phát triển nhiên liệu sinh học
>> Ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu

Ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Tổng giám đốc PVN phát biểu tại lễ khởi công xây dựng công trình Khu bồn chứa và trạm xuất xăng dầu Quảng Ngãi.

PV: Theo thỏa thuận vừa ký giữa Bộ CôngThương, PVN và UBND tỉnh Quảng Ngãi thì bắt đầu từ ngày 1/9, tỉnh Quảng Ngãi áp dụng triển khai phân phối 100% xăng E5 trên địa bàn. Đến ngày 1/12/2014 sẽ mở rộng tiêu thụ trên địa bàn 6 tỉnh thành phố là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Để lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học về đích đúng, thậm chí sớm hơn tiến độ đề ra, công tác chuẩn bị của PVN diễn ra như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Sinh Khang: Thực hiện các Quyết định của Chính phủ về phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) tại Việt Nam, PVN đã chủ động trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học ra thị trường. PVN đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, cụ thể, chi tiết, từ việc đầu tư các nhà máy sản xuất Etanol, quy hoạch nguồn nguyên liệu bền vững để phục vụ công tác sản xuất của các nhà máy, xây dựng hệ thống phối trộn, phân phối đến công tác truyền thông, quảng bá xăng sinh học, để xăng sinh học được hiểu đúng và sử dụng rộng rãi theo đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra.

Theo đó, PVN đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIl) đầu tư đồng bộ, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc kinh doanh đại trà xăng E5 khi lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 có hiệu lực. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai kinh doanh xăng sinh học 01/8/2010 đến nay, PV OIL đã tiến hành đầu tư 9 trạm phối trộn xăng E5, trong đó, có 5 trạm trộn theo mẻ và 4 trạm trộn inline, phát triển 170 cửa hàng phân phối xăng E5 trên địa bàn 38 tỉnh thành phố. Đồng thời, để thúc đẩy tiêu dùng xăng sinh học, từ cuối năm 2010, PVN đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm xăng sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tại, PVN đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH”.

Bên cạnh đó, PVN đã chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và pháp lý để phối trộn và phân phối xăng E5 bằng đường bộ cho tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ đạo Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (BSR-BF) đảm bảo đầy đủ nguồn E100 để phối trộn E5, sẵn sàng mọi điều kiện để phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng Mogas 92 theo kế hoạch của tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả kinh nghiệm tại Quảng Ngãi sẽ được đánh giá rút kinh nghiệm triển khai tiếp theo tại các địa phương khác như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và khu vực lân cận.

PV: Hiện nay, 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, trong đó có 3 nhà máy của PVN đang sản xuất cầm chừng vì càng sản xuất càng lỗ. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc khó chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Vậy PVN đã có biện pháp gì đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy, thưa ông?

Ông Nguyễn Sinh Khang: Tập đoàn đã xác định nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy (chiếm đến 60% giá thành sản phẩm), vì vậy song song với thời gian triển khai xây dựng nhà máy, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy. Theo đó, Tập đoàn đã chỉ đạo và hỗ trợ chủ đầu tư các dự án làm việc với UBND các tỉnh để triển khai lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, nhằm cung cấp ổn định khi nhà máy đi vào vận hành thương mại. Từ cuối năm 2009, Công ty CP Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB) đã tổ chức triển khai vùng nguyên liệu tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa và tại nước CHCD Lào, với diện tích khoảng 4.000 ha để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy khi vận hành. Công ty cổ phần NLSH Dầu khí miền Trung đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép lập quy hoạch 16.700 ha trên địa bàn tỉnh để trồng sắn với mục tiêu đáp ứng 50 - 60% nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy.

Thứ hai, nghiên cứu khoa học nhằm tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng đất. Do kỹ thuật canh tác của nông dân còn nhiền hạn chế, vì vậy, Tập đoàn đã hỗ trợ kinh phí cho các Chủ đầu tư, phối hợp với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu để nghiên cứu và cung ứng cho nông dân giống sắn cao sản, hàm lượng tinh bột cao. Những kết quả nghiên cứu khoa học về kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất trồng sắn, hiệu quả sử dụng đất cũng được phổ biến cho người dân. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã giao Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu sử dụng sắn tươi cho sản xuất để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.

Thứ ba, phát triển hệ thống thu mua. Nghiên cứu mô hình thu mua nguyên liệu hợp lý, hiệu quả đối với từng địa phương. Ví dụ đối với Công ty cổ phần NLSH Phương Đông, do gần với các vùng nguyên liệu phong phú tại khu vực Tây Nguyên, Campuchia, vì vậy, không đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà tập trung vào việc phát triển mạng lưới thu mua sắn tại chỗ và hệ thống kho chứa để đảm bảo thu mua được sắn với giá cạnh tranh trên thị trường. Chủ đầu tư chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho người nông dân vay được các nguồn vốn ưu đãi, nhằm tiết giảm chi phí trồng sắn, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho người nông dân. Do đặc tính thời vụ của nguyên liệu, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu để triển khai hệ thống lò sấy sắn, nhằm thu mua được nguyên liệu giá rẻ, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. 

PV: Theo đánh giá, với Việt Nam, nhiên liệu sinh học là một ngành công nghiệp mới mẻ nhưng có triển vọng lớn. Trong nhiều khó khăn, thách thức hiện nay thì công tác quản lý nhà nước về chất lượng nhiên liệu sinh học, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học vẫn đang thiếu và yếu. Theo ông, cần phải làm gì khắc phục những khó khăn này?

Ông Nguyễn Sinh Khang: Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, ban hành tương đối đầy đủ văn bản pháp quy để các doanh nghiệp có thể triển khai sản xuất và kinh doanh xăng sinh học như: TCVN 7716:2007 về Etanol nhiên liệu biến tính dùng để phối trộn với xăng khoáng; TCVN 8063:2009 về xăng không chì pha 5% etanol (xăng E.5); TCVN 8401:2011 về xăng không chì pha 10% etanol (xăng E.10); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ và phương tiện sử dụng trong pha chế, tồn trữ và vận chuyển etanol, xăng sinh học (xăng E5, E10) tại kho xăng dầu….

Đây là những văn bản pháp lý để các cơ quan quản lý chất lượng cũng như quy định đối với doanh nghiệp trong sản xuất, tồn trữ, vận chuyển và phân phối xăng sinh học hiện nay. Tuy nhiên, để thị trường nhiên liệu sinh học phát triển bền vững, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi một số văn bản như: Bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 84/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể: Yêu cầu doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý/ đại lý phải có trách nhiệm tham gia kinh doanh xăng sinh học; Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu được quyền mua xăng E5 của doanh nghiệp đầu mối khác nếu doanh nghiệp đầu mối đang ký kết chưa cung cấp được xăng E5; Hình thành quỹ phát triển NLSH để khuyến khích phát triển thị trường.

Ban hành Quy định tỷ lệ bắt buộc bán xăng sinh học đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các quy định về kiểm tra sản xuất kinh doanh NLSH để tránh gian lận thương mại; cũng như tiêu chuẩn về xăng nền dùng pha chế xăng E5 để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý nhập khẩu xăng nền và các quy định về phương tiện vận chuyển đường thủy đối với xăng sinh học để các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

PV: Hiện nay, trong lúc chờ cơ chế chính sách của Nhà nước, áp dụng giá bán lẻ xăng E5 bằng giá bán xăng Mogas 92, PVN có sự chuẩn bị như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối tham gia phân phối xăng E5, thưa ông?

Ông Nguyễn Sinh Khang: Ngày 31 tháng 5 năm 2014, tại Quảng Ngãi, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thống nhất, trong khi chờ cơ chế chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, tạm thời áp dụng giá bán lẻ xăng E5 Ron 92 bằng giá bán lẻ xăng khoáng Mogas 92 trên thị trường. Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phân phối và tiêu dùng sản phẩm xăng E5 Ron 92 trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển thị trường NLSH, Tập đoàn đã chỉ đạo Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) nghiên cứu áp dụng cơ chế chính sách giá E5 hợp lý cho các doanh nghiệp đầu mối.

PV: Thực tế cho thấy, hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn chưa mặn mà với nhiên liệu sinh học. Theo ông, cần có biện pháp gì để khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu này?

Ông Nguyễn Sinh Khang: Xăng sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng đang được sử dụng rộng rãi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Xăng E5 thân thiện với môi trường, vì giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong các nhiên liệu truyền thống như CO2, SO2, hạt bụi và khí CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng trong nước hiểu và ủng hộ việc sử dụng nhiên liệu sinh học cần có một số biện pháp, giải pháp quyết liệt, cụ thể và đồng bộ từ phía nhà nước, đó là:

Tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền về NLSH. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện đề án quảng bá “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH”; xem xét đưa chương trình NLSH thành một chương trình mang tầm cỡ quốc gia; các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với các cơ quan khoa học, quản lý của Nhà nước đưa NLSH thành chương trình thường xuyên để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người dân hiểu đúng và ủng hộ tiêu dùng với NLSH.

Thay đổi cách tiếp cận đối với xăng sinh học, nhằm tránh tạo sự khác biệt, nhầm lẫn về chất lượng giữa xăng sinh học và xăng khoáng, gây khó khăn cho việc lựa chọn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể để khuyến khích sản xuất, phân phối và tiêu dùng xăng sinh học, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Theo kinh nghiệm của các nước như Thái Lan, Phillipines và ý kiến của các chuyên gia quốc tế, việc lưu hành song song 2 loại xăng sinh học và xăng khoáng cùng chỉ số Ron sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình Nhiên liệu sinh học. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo xem xét, nghiên cứu và quy định cụ thể lộ trình tăng dần tỷ trọng xăng E5, tiến tới chấm dứt lưu hành xăng khoáng cùng chỉ số Ron trên thị trường.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUYỄN TÂM (thực hiện)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động