RSS Feed for Những vấn đề đặt ra khi thực hiện tái cơ cấu ngành Điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 17:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những vấn đề đặt ra khi thực hiện tái cơ cấu ngành Điện

 - Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để DNNN thực sự trở thành đầu tàu, phát huy được vai trò chủ đạo và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động động sản xuất, kinh doanh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải tiến hành tái cơ cấu DNNN.

"Tối ưu hóa chi phí" không mâu thuẫn với nhu cầu đầu tư của EVN
Quy hoạch điện lực phải trên cơ sở quy hoạch năng lượng tổng thể
Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Trong 60 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, EVN luôn cố gắng cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ năm 1986 trở về trước, nguồn điện của nước ta vừa thiếu lại vừa yếu. Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra chủ trương đổi mới, chuyển nền kinh tế từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Từ đó, ngành Điện Việt Nam đã có điều kiện phát triển khá mạnh, xây dựng được nhiều nhà máy điện như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Uông Bí… Cùng với đó là nhiều đường dây cao thế, trung thế, hạ thế và các trạm biến áp đã lần lượt ra đời, đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Đến nay, hệ thống điện đã có tổng công suất nguồn đạt 34.000MW, hàng ngàn km đường dây và TBA từ 500 kV trở xuống. Đặc biệt đã thống nhất được hệ thống điện toàn quốc và từng bước đảm bảo được sự ổn định cung cấp điện an toàn, liên tục cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Mục tiêu của Đảng đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều đó có nghĩa là ngành Điện Việt Nam phải đáp ứng được đủ điện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hàng năm, EVN đã cung cấp cho đất nước hơn 100 tỷ kWh điện (năm 2014 dự kiến sản lượng điện sản xuất đạt 145 tỷ kWh). Theo quy hoạch điện VII, mục tiêu đến năm 2020 hệ thống điện Việt Nam phải đạt được công suất 75.000 MW và sản lượng điện đạt từ 330 tỷ kWh - 360 tỷ kWh, nâng sản lượng điện tính bình quân tính theo đầu người từ 1.400 kWh/người/năm hiện nay lên trên 3.000 kWh/người/năm vào năm 2020.

Sự phát triển của EVN đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao. Với những thành tích to lớn của mình, EVN đã nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.

Tuy EVN đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng để phát triển bền vững và hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng đạt hiệu quả cao, đòi hỏi EVN phải tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp. Đây được coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết. Để thực hiện được việc tái cơ cấu, trước hết EVN cần phải thực hiện những công việc sau:

Thứ nhất, những năm trước đây, EVN đã đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài ngành như, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và một số lĩnh vực khác. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, EVN đã tích cực thực hiện thoái vốn ngoài ngành đạt được một số kết quả tốt. Lộ trình từ nay đến hết năm 2015, EVN phải tích cực thoái vốn triệt để trong các lĩnh vực nêu trên đảm bảo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra.

Thứ hai, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có đủ điều kiện (ở đây cần tập trung vào ba tổng công ty phát điện (Genco). Trong 3 tổng công ty phát điện, công ty phát điện nào có đủ những điều kiện cổ phần hóa thì cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cổ phần hóa công ty đó, trừ các công ty thủy điện đa mục tiêu. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các công ty phát điện cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về thuận lợi: Các công ty phát điện được đầu tư xây dựng với số vốn lớn đều do Tập đoàn làm chủ quản đầu tư, tổ chức xây dựng từ nhiều năm trước đây. Và hiện nay, các công ty này đa số hoạt động có hiệu quả, hàng năm đều có lãi, doanh thu cao, đóng góp nghĩa vụ đầy đủ cho ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định đời sống người lao động.

Về khó khăn: Đa số các công ty phát điện có đội ngũ công nhân, cán bộ quản lý điều hành tương đối, làm năng suất lao động giảm; hầu hết các công ty đều được phân bổ khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó các công ty thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc quản lý điều hành của Tập đoàn.

Ngoài ra, việc đánh giá chính xác tài sản doanh nghiệp là vấn đề khó khăn, phức tạp. Hầu hết các nhà máy đều có số vốn đầu tư rất lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trừ một số nhà máy đã vận hành nhiều năm trước đây, đã được khấu hao hàng năm, nay cần được xác định giá trị còn lại một cách sát thực.

Đặc biệt, việc cổ phần hóa phải xác định được mệnh giá của cổ phần và tìm được các nhà đầu tư chiến lược có đủ điều kiện để mua số lượng cổ phần lớn cũng là việc không hề dễ dàng.

Việc đánh giá tài sản và cơ cấu cổ phần, Ban Chỉ đạo CPH của Tập đoàn cùng với các công ty phát điện cần được sự chỉ đạo sát sao của bộ, ngành chức năng liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương…

Nếu trong năm 2014 - 2015, EVN tiến hành cổ phần hóa được nhiều các công ty phát điện thì sẽ hoàn thành được mục tiêu Chính phủ đề ra, đồng thời sẽ thu hút được một lượng vốn rất lớn để tái đầu tư phát triển Tập đoàn.

Mặt khác, các công ty được cổ phần hóa chắc chắn sẽ có điều kiện, cơ hội làm chủ công ty mình, hoạt động kinh doanh sẽ có hiệu quả cao hơn, thúc đẩy việc đầu tư phát triển cũng như sửa chữa cải tạo, nâp cấp các nhà máy của mình được tốt hơn, hạn chế được sự can thiệp của cấp trên như trước đây.

Thứ ba, cần cấu trúc lại các đơn vị thành viên của Tập đoàn từ trên xuống dưới, theo hướng giảm bớt số lao động hiện có đang ở mức cao (so với công suất nguồn MW mà Tập đoàn đang quản lý). Cần xem xét, cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết nằm trong hệ thống.

Thứ tư, công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt từ trên xuống dưới, chú ý sử dụng người tài, giỏi, có năng lực, có đạo đức và có trách nhiệm cao. Cần phải có quy chế về đánh giá và sử dụng cán bộ, có định mức cụ thể cho cán bộ phấn đấu. Nếu sau 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm mà cán bộ đó không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có hình thức luân chuyển, bố trí công việc khác. Không để tình trạng cán bộ chủ chốt có năng lực yếu, không hoàn thành nhiệm vụ, làm cản trở việc hoạt động của tổ chức đó, cần đưa người tài giỏi có năng lực hơn vào thay thế.

Mặc dù nhiệm vụ tái cơ cấu của EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm của Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, các đơn vị cấp dưới gắn với sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, các bộ, ngành... chắc chắn nhiệm vụ này EVN sẽ hoàn thành xuất sắc, đảm bảo nâng cao năng lực quản lý điều hành, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh đầu tư phát triển, làm tốt dịch vụ khách hàng, chiếm được niềm tin của nhân dân.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động