RSS Feed for Đề xuất phương án nhập khẩu than của PVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 15:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất phương án nhập khẩu than của PVN

 - Một phương án tối ưu về nhập khẩu than của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cần, nhưng lời giải bài toán nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện trong dài hạn vẫn là thách thức.

Thực hư một số vấn đề về thị trường than trong nước
Đề xuất giải quyết nhiên liệu than cho nhiệt điện Việt Nam
Nhiệt điện than trong Đề án điều chỉnh QHĐ VII

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 6 nhà máy nhiệt điện công suất mỗi nhà máy 1.200 MW, trong đó hai nhà máy nhiệt điện dùng than trong nước là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, còn bốn nhà máy nhiệt điện: Long Phú 1, Long Phú 3, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 dùng than nhập khẩu.

Đảm bảo nguồn than cho tổng nhu cầu của 6 nhà máy nhiệt điện, trên 20 triệu tấn/năm, thực sự thách thức rất lớn đối với Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal) thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Chọn phương án tối ưu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, đến năm 2035, lượng sản xuất than đủ đáp ứng tăng trưởng nhu cầu thế giới. Trong giai đoạn 2015 - 2025, tổng sản lượng than đủ đáp ứng nhu cầu và dư thừa ổn định ở mức gần 20 triệu tấn.

Từ sau năm 2025, cân bằng cung cầu thế giới dư thừa khoảng 45 triệu tấn do tốc độ tăng trưởng sản xuất cao hơn tăng trưởng nhu cầu. Như vậy, tiềm năng than của thế giới vẫn rất dồi dào và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của PVN.

Tuy nhiên, để nhập khẩu than, PVN đang phải đối mặt với nhiều trở ngại về mặt thị trường, cơ sở hạ tầng, vốn cần huy động, cơ chế chính sách.

Một phương án tối ưu đã được nhóm nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện, nhằm giảm bớt trở ngại trong nhập khẩu than của PVN.

Theo thống kê của Coal Information, các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu than lớn trên thế giới bao gồm: Australia, Indonesia, Liên bang Nga, Mỹ, Nam Phi, Nam Mỹ, Canada, Trung Quốc và Phần Lan (IEA, 2012).

Dựa trên đặc tính kỹ thuật than của các nước, khoảng cách vận chuyển về Việt Nam và định hướng phát triển hoạt động xuất khẩu than của các nước này, nhóm nghiên cứu đề xuất 4 quốc gia tiềm năng có thể nhập khẩu than cho PVN là Australia, Indonesia, Liên bang Nga và Nam Phi, vì cho rằng các quốc gia này có thể cung cấp được than đúng chủng loại cho các nhà máy điện của Việt Nam.

Theo đó, Indonesia và Australia là những nguồn cung ổn định nhất nếu xét về tỷ lệ khối lượng than xuất khẩu trên khối lượng sản xuất, về khối lượng xuất khẩu tuyệt đối của các nước và dự báo lượng xuất khẩu trong giai đoạn đến năm 2030.

Tuy nhiên, Australia và Indonesia có ưu, nhược điểm nhất định mà khi quyết định nhập khẩu than PVN phải cân nhắc. Cạnh đó, mức độ ổn định về chính trị của Australia cao hơn rất nhiều so với Indonesia cả trong ngắn hạn và dài hạn, theo Báo cáo về mức độ rủi ro liên quan đến chính trị của tổ chức Business Monitor International năm 2009.

Theo dự báo của Wood Mackenzie, giá than loại 5.000kcal/kg trong giai đoạn 2013 - 2030 của Australia sẽ tăng từ 104USD/tấn lên 135USD/tấn; của Indonesia tăng từ 91USD/tấn lên 126USD/tấn. Như vậy, nếu so sánh về giá, than của Indonesia có lợi thế cạnh tranh về giá tốt hơn so với than của Australia, với chênh lệch duy trì trong khoảng 9 - 13USD/tấn trong giai đoạn 2013 - 2030.

Hệ thống vận tải than tại Australia gồm vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường biển và hệ thống băng chuyền. Australia có 9 cảng biển phục vụ cung cấp than tập trung tại New South Wales và Queensland với cơ sở hạ tầng được đánh giá tốt và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.

Trong khi đó, với Indonesia, phương thức vận chuyển than từ mỏ ra cảng xuất là vận chuyển bằng đường sông. Indonesia có 22 cảng xuất khẩu than có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến Capesize, nhưng thực tế Indonesia mới chỉ tiếp nhận được các tàu cỡ Panamax.

Theo đánh giá chung, vấn đề vận chuyển than nội địa và cơ sở hạ tầng hệ thống cảng biển của Indonesia vẫn còn là điểm yếu cần khắc phục.

Chi phí vận chuyển than theo các loại tàu trung bình cho khoảng cách 1.000 dặm trong 5 năm qua, theo thống kê của Clarkson Service cụ thể với tàu Capesize (> 120.000 tấn): 2,61 - 4,32USD/ tấn sản phẩm.

Đối với tàu Panamax (72.000 tấn): 3,88 - 4,97USD/ tấn sản phẩm; Đối với tàu Handymax (< 50.000 tấn): 7,06 - 10,56USD/tấn sản phẩm. Khoảng cách trung bình từ các cảng xuất than của Indonesia tới Việt Nam là 2.095km (tương đương 1.302 dặm), của Australia tới Việt Nam là 7.220km (tương đương 4.487 dặm).

Như vậy, chi phí vận chuyển than từ Australia về Việt Nam cao hơn 3 lần so với chi phí vận chuyển từ Indonesia trong cùng điều kiện tàu vận chuyển và điểm đến giống nhau.

Có 4 loại hợp đồng chính để nhập khẩu than gồm: hợp đồng mua/đầu tư mỏ, hợp đồng thương mại dài hạn, hợp đồng thương mại hàng năm và hợp đồng thương mại mua theo chuyến. Mỗi loại hợp đồng đều có ưu, nhược điểm đặc trưng.

Để tận dụng tối đa ưu điểm của từng loại hợp đồng PVN nên lựa chọn thời điểm thích hợp áp dụng linh hoạt cả 4 loại hợp đồng nói trên. Đặc biệt ưu tiên cho các loại hợp đồng nhập khẩu có khả năng đảm bảo đáp ứng trong dài hạn như hợp đồng thương mại dài hạn, hoặc hợp đồng đầu tư mỏ.

Hợp đồng nhập khẩu, có 2 hình thức chính: hợp đồng trực tiếp và hợp đồng thông qua một nhà thương mại trung gian.

Việc có nhà trung gian thương mại có thể giúp PVN tránh được các rủi ro khi làm việc với đối tác thiếu tin cậy, không cần phải tự đi tìm kiếm nguồn than, có thể chiếm dụng vốn của nhà trung gian thương mại. Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp than.

Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, kinh nghiệm tham gia thị trường và khả năng đàm phán mà PVN có thể lựa chọn linh hoạt hình thức hợp đồng.

Một số nhà trung gian lớn và uy tín trên thế giới gồm: Glencore, Noble Group, Vitol…

Lâu nay, các nhà nhập khẩu than đều ưu tiên sử dụng phương thức vận chuyển bằng các tàu có trọng tải rất lớn: Post Panamax (100.000 tấn); Panamax (72.000 tấn). Cả hai loại tàu này đều có thể hoạt động tốt với điều kiện cảng xuất khẩu của Australia, Indonesia.

Các nhà tiêu thụ than thường ưu tiên sử dụng dịch vụ thuê tàu hơn là tự đầu tư đội tàu do: chi phí đầu tư rất lớn, khó có thể tối đa hóa khả năng chuyên chở của đội tàu, chỉ nên đầu tư đội tàu khi chỉ tiêu tài chính của việc mua tàu phải cao hơn lợi ích tài chính của việc thuê tàu.

Có rất nhiều dạng hợp đồng thuê tàu vận tải biển quốc tế, trong đó dạng hợp đồng thuê chuyến dài hạn (Contract of Aff reightment - COA) là dạng phổ biến cho việc nhập khẩu than số lượng lớn và dài hạn do tính ổn định cao, linh hoạt về việc chỉ định tàu tùy theo nhu cầu.

Việc nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển than cho các nhà máy điện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là cần thiết và cấp bách. Qua nghiên cứu 9 địa điểm có thể phát triển cảng trung chuyển than, đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 vị trí ưu tiên: Cái Mép, Duyên Hải (Trà Vinh) và Soài Rạp (Tiền Giang).

Tuy nhiên, chỉ có địa điểm Duyên Hải được “ưu tiên lựa chọn nghiên cứu kỹ trong giai đoạn sau”.

Cảng trung chuyển tại Duyên Hải (Trà Vinh) nằm ngay sát Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, cách Trung tâm Nhiệt điện Long Phú 75km; cách Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu 100km; cách Trung tâm Nhiệt điện Long An 140km.

Quy mô cảng Trà Vinh (Trung tâm Điện lực Duyên Hải) hiện tại: có 2 bến nhô cập 2 phía cho tàu 30.000DWT (mỗi bến có kích thước 190 x 21,7m).

Đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, do cảng có thể tiếp nhận tàu cỡ Panamax nên sẽ không cần sử dụng cảng trung chuyển mà nhập khẩu than về thẳng nhà máy. Số liệu được đo theo các tuyến hàng hải thực tế thông qua phần mềm Netpass Estimator.

Với điều kiện của sông Cửu Long, yêu cầu kỹ thuật của phương án vận tải nội địa được thực hiện với tàu vận chuyển: trọng tải lớn nhất là 10.000DWT, trung bình là 7.000DWT, có thể sử dụng đội tàu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tuyến luồng vận tải có thể đi theo hai hướng: theo kênh Quan Chánh Bố (đang xây dựng, cỡ tàu thông qua là 20.000 tấn vơi tải) hoặc theo hướng cửa Định An, với cỡ tàu thông qua là 5.000 tấn.

Vẫn nhiều thách thức

PV Power Coal, từ năm 2009, đã chủ động tìm kiếm, nghiên cứu, khảo sát đánh giá các nguồn than từ nhiều thị trường khác nhau để  xác định được nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ 2 thị trường Úc và Indonesia.

Đây là hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, nguồn than đa dạng, chất lượng than phù hợp với dải đặc tính kỹ thuật đã lựa chọn.

Hơn nữa, cung đường vận chuyển từ Úc về khoảng 7.000 km, từ Indonesia khoảng 2500 km gần hơn so với các thị trường khác.

Đến nay, PV Power Coal đã ký kết Hợp đồng khung cung cấp than dài hạn với 07 đối tác lớn, uy tín tại 2 thị trường này với khối lượng than cam kết 15 triệu tấn/năm.

Hiện PV Power/PV Power Coal đang triển khai đàm phán để chuyển đổi các Hợp đồng khung để ký Hợp đồng mua bán than thương mai với các đối tác này.

Khối lượng than 15 triệu tấn/năm đã đủ cung cấp cho các NMNĐ dùng than nhập khẩu của PVN, tuy nhiên hiện tại PV Power/PV Power Coal đang tiếp tục tìm kiếm những nguồn than tiềm năng khác để đa dạng hóa nguồn cung.

Đảm bảo nguồn than lâu dài cho sản xuất điện của PVN, theo nhóm nghiên cứu, cần có các nghiên cứu và đánh giá để đề xuất giải pháp tối ưu cho việc sử dụng cảng Trung tâm Điện lực Duyên Hải hoặc sử dụng các cảng hiện có tại khu vực Tây Nam Bộ khi cảng trung chuyển chính chưa hoàn thành.

HẢI VÂN

Nhằm tháo gỡ những trở ngại chung về nhập khẩu than của nền kinh tế nói chung, PVN nói riêng, nhóm nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội kiến nghị:

- Chính phủ tăng cường mối hợp tác với các nước xuất khẩu than; bảo lãnh cho các doanh nghiệp trong nước tiếp xúc với nhà đầu tư tại các nước xuất khẩu; hoàn thiện cơ chế đầu tư tại nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực than có nhiều quyền chủ động hơn.

- Chính phủ cần sớm thực hiện cơ chế thị trường hóa giá than cho sản xuất điện và giá điện để đảm bảo khả năng cạnh tranh của các nhà máy điện than sử dụng than nhập khẩu.

- Chính phủ cần sớm hoàn thiện đề xuất xây dựng cảng trung chuyển và tiến hành triển khai xây dựng cảng trung chuyển. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể để phát triển năng lực vận tải than để tăng tính chủ động trong hoạt động nhập khẩu than.

Để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện trong dài hạn, bài toán đầu tư mỏ vẫn phải được tính toán, bởi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ không đầu tư mỏ than tại nước ngoài trong ngắn hạn.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động