RSS Feed for Phản biện, kiến nghị quy hoạch phát triển ngành và dự án năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 04:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện, kiến nghị quy hoạch phát triển ngành và dự án năng lượng quốc gia

 - Trong vòng 25 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt khoảng 7%/năm. Năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt 1.150 USD, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng công nghiệp hoá, đời sống nhân dân được cải thiện và Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng nước nghèo.

 

(Nguồn ảnh: PVN)
 

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế quốc dân, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh về cơ bản đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam còn những tồn tại rất đáng được khắc phục về quản lý ngành, hiệu quả, khoa học công nghệ, môi trường, để phát triển bền vững an ninh năng lượng quốc gia.

Sản xuất năng lượng sơ cấp có những bước phát triển khá, năm 2010 sản xuất than đạt 44 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu; khai thác dầu thô đạt 15 triệu tấn, khí đốt trên 9 tỷ m3, sản lượng điện đạt 100 tỷ kWh, trong đó tỷ trọng thuỷ điện 27,5%, nhiệt điện khí 44,7%, nhiệt điện than 17,5%, nhiệt điện chạy dầu 4,6%, còn lại là nhập khẩu và nguồn khác.

Tiêu thụ năng lượng các loại tăng nhanh, 10 năm qua tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng khoảng 2 lần, năm 2010 đạt khoảng 60 triệu TOE (trong đó năng lượng phi thương mại khoảng 14tr TOE). Điện năng tiêu thụ tăng với tốc độ cao, bình quân khoảng 13-14%/năm, năm 2010 đạt khoảng 87 tỷ kWh, bình quân đầu người xấp xỉ 1.000 kWh. Các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, gió, năng lượng mặt trời đang được khuyến khích sử dụng và phát huy hiệu quả. Những nội dung quản lý ngành, bảo vệ môi trường trong hoạt động năng lượng từng bước được các cấp quan tâm.

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, ngành năng lượng Việt Nam còn những tồn tại rất đáng được khắc phục về quản lý ngành, hiệu quả, khoa học công nghệ, môi trường, để phát triển bền vững an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành năng lượng có tính hệ thống rất cao, các phân ngành than, dầu khí, điện lực, năng lượng tái tạo có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và đồng thời quan hệ gắn bó với các ngành kinh tế khác. Song lâu nay chúng ta quản lý khá biệt lập. Mỗi phân ngành được xây dựng chiến lược, quy hoạch riêng, thiếu phối hợp tổng thể. Trên thực tế nhiều năm đã thể hiện những khập khiễng, thiếu đồng bộ. Quan điểm điện, năng lượng “đi trước một bước” trong điều kiện kinh tế thị trường có thể là không thoả đáng nên được nghiên cứu. “Một bước” là bao nhiêu năm, dài hay ngắn? “Một bước” sẽ gây đọng vốn, dự trữ hệ thống lớn, chưa xác định rõ đối tượng cần cung cấp.

Để đảm bảo hiệu quả, điện và năng lượng nói chung cần phát triển đồng bộ, kịp thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ với giá cả hợp lý cho nhu cầu.

Cho tới nay chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch phát triển tổng thể về năng lượng. Trong đó xác định rõ những mục tiêu chung về nhu cầu năng lượng, công nghệ, môi trường mà đặc biệt là vốn đầu tư hợp lý giữa các phân ngành, tạo điều kiện để các phân ngành đơm bông kết trái.

Công tác xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng nhìn chung chậm và ít đổi mới [1,2,3]. Quy hoạch than, dầu khí chưa cập nhật kịp với phân ngành điện. Phân ngành điện tới nay đã trải qua 7 tổng sơ đồ, nhìn lại cách thực hiện vẫn theo nếp cũ. Dự báo nhu cầu điện còn khá thủ công, theo kiểu cộng dồn nhu cầu các địa phương, theo hệ số tăng trưởng, dẫn tới kết quả thiếu chính xác, thiên cao, tiếp đến tính nguồn lưới chưa kỹ, làm cho kế hoạch xây dựng nguồn và lưới điện dồn dập, đầu tư lớn. Khách quan mà nói trong công tác xây dựng quy hoạch, cán bộ và cơ quan đảm nhận cũng gặp khó khăn bởi thông thường tư liệu phát triển KT-XH chỉ mới là định hướng, cán bộ làm quy hoạch năng lượng phải tự làm lấy những chỉ tiêu cần thiết.

Nửa thế kỷ qua, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay (2011) chúng ta mới có tổng công suất điện khoảng 24.000MW (trong đó khoảng 6.000MW thuộc PVN và TKV). Theo Quy hoạch điện VII (QHĐVII), yêu cầu đến 2020 sản xuất điện theo kịch bản cơ sở đạt 330 tỷ kWh cần có 75.000MW - nghĩa là trong vòng 9 năm phải xây dựng thêm 51.000MW, trong đó nhiệt điện than sẽ là 36.000MW, sản xuất 156 tỷ kWh chiếm gần 50% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 67 triệu tấn than; đến 2030 yêu cầu tổng sản xuất điện đạt 695-834 tỷ kWh, trong đó nhiệt điện than theo kịch bản cơ sở sẽ là 75.000MW sản xuất khoảng 392 tỷ kWh (chiếm khoảng 56% sản xuất điện), tiêu thụ trên 170 triệu tấn than. Điện hạt nhân đến 2020 khoảng 1.000MW; đến 2030 khoảng 10.000MW chiếm 10% tổng sản xuất điện, đây là một thách thức lớn!

Đầu tư toàn ngành điện giai đoạn 2011-2020 bình quân khoảng gần 5 tỷ USD/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 7,5 tỷ USD/năm, tổng 2 giai đoạn 125 tỷ USD, trong đó nguồn điện chiếm khoảng 65% [1].

Các chỉ tiêu QHĐVII là khá “lãng mạn”, đến 2030 Việt Nam sẽ sản xuất điện ngang với Đức, Nga hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy QHĐVI, các chỉ tiêu cũng “lãng mạn” không kém và chúng ta chỉ đạt bình quân cả nguồn và lưới khoảng trên 50% kế hoạch. Quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, chọn thầu, đền bù, giải ngân... phải trải qua rất nhiều khâu. Nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đều cho rằng dù chúng ta có được vấn đề “đầu tiên” cũng không thể thực hiện nổi.

Với bối cảnh hiện nay nên nghiên cứu điều chỉnh QHĐVII, xem xét kỹ hơn quan điểm, nội dung tăng trưởng và phát triển, cơ cấu phát triển ngành theo yêu cầu tái cấu trúc, mức độ tiêu thụ năng lượng hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo phát triển bền vững an ninh, thực hiện đồng bộ với các phân ngành than, dầu khí. Hiện nay chúng ta có đội ngũ cán bộ, phương pháp và thiết bị tính toán tốt có thể thực hiện khách quan, vấn đề là cơ quan hoạch định chính sách huy động tổ chức tốt việc thực hiện.

Về thủy điện đến nay chúng ta đã khai thác khoảng 70% tiềm năng kinh tế - kỹ thuật. Thủy điện trước đây đóng góp tới trên 70% điện sản xuất, nhưng năm 2010 tỷ trọng này chỉ còn chưa đầy 30%, dự kiến đến 2020 khoảng 20% và 2030 khoảng 10%. Thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên ngày nay khai thác thủy điện phải thận trọng về môi trường, môi sinh, phát triển bền vững. Hội Thủy điện Quốc tế đã đưa ra quan điểm chỉ xây dựng các “thủy điện bền vững”.

Phát triển thuỷ điện vừa qua đã góp phần to lớn đảm bảo nguồn điện, đặc biệt là các thủy điện lớn như Hoà Bình, Trị An, Yaly, Sơn La, các thủy điện được nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho chúng ta thấy nhiều vấn đề cần được nhận dạng và khắc phục. Đó là vấn đề sử dụng nguồn nước hợp lý, môi trường, di dân tái định cư... Ngay thủy điện Hoà Bình, Sơn La cũng còn niềm vui chưa trọn vẹn [5,6].

Với thủy điện nhỏ cần được nhận dạng để điều chỉnh. Năm 2004 Bộ Công nghiệp ban hành Quy hoạch thủy điện nhỏ [4], theo đó thuỷ điện nhỏ từ mức trạm có công suất dưới 10MW được nâng lên dưới 30MW, tổng tiềm năng khoảng 4.000MW. Theo nhiều đánh giá quy hoạch này chỉ mới liệt kê các điểm có thủy điện nhỏ ở 40 tỉnh, thiếu những nghiên cứu chỉ dẫn cần thiết. Việc phê duyệt xây dựng được giao cho địa phương, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chỉ duyệt về nguyên tắc. Kết quả là nhiều thuỷ điện nhỏ ở miền Bắc, miền Trung phát triển rất nhanh, được gọi là “nhà nhà làm thủy điện”!

Bên cạnh cái được cũng đã thể hiện những hệ luỵ cần được đánh giá: sử dụng nguồn nước thiếu tính toán, công suất xây dựng không đúng thiết kế cho phép; chưa có giấy phép sử dụng nước vẫn xây dựng; sử dụng đất và rừng quá mức cho phép, xâm lấn cả rừng quốc gia, thiết bị công nghệ thiếu đảm bảo, đánh giá tác động môi trường còn sơ lược, quản lý xây dựng, vận hành lỏng lẻo... đã gây thiệt hại cho quốc gia và người dân sống ven sông, nhất là khu vực hạ du, nguồn thu từ điện vào chủ đầu tư tư nhân [7,8].

Thực tế mấy năm gần đây lũ miền Trung gây ra ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đều có liên quan thủy điện nhỏ [7,8,9,10]. Chúng ta cần xây dựng một dự án nhà nước thực hiện trong vài năm khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp các thủy điện đã xây dựng, đề xuất biện pháp khắc phục. Hàng năm các ngành cần dự báo nhu cầu nước (điện lực, giao thông, nông nghiệp, sinh hoạt...), tăng cường dự báo thuỷ văn, nhất là dự báo ngắn hạn, trên cơ sở đó điều tiết hợp lý sử dụng nguồn nước bởi một cơ quan có thẩm quyền, khách quan.

Các thủy điện sử dụng đa mục tiêu cần nghiên cứu (vốn đã có) lượng hoá và phân bổ đầu tư cho các mục đích để làm minh bạch chi phí sản xuất điện, chi phí nước cho nông nghiệp, giao thông, đề xuất điều tiết liên hồ chứa như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu (11/2009), đánh giá hiệu quả tổng hợp của thuỷ điện nhỏ, có thể phải điều chỉnh, hạn chế công suất, thậm chí nên ngừng khai thác một số dự án, đồng thời cũng nghiên cứu tính toán sử dụng hiệu quả, hợp lý tiềm năng thủy điện còn lại.

Những năm qua ngành than đã rất nỗ lực tự cân đối vốn sản xuất và kinh doanh, tuy nhiên quy hoạch phát triển ngành than hiện chưa cập nhật, chưa cân đối với phát triển điện lực [2]. Theo quy hoạch này đến 2015 sản lượng than là khoảng 50 triệu tấn, 2020 là 55-58 triêụ tấn vào 2025 là 58-61 triệu tấn; tổng đầu tư giai đoạn 2008-2025 với phương án 1 là 14 tỷ USD, phương án 2 là 17 tỷ USD, trong đó đầu tư duy trì khoảng 20%.

Như vậy mỗi năm chỉ 0,5-0,6 tỷ USD, so với đầu tư điện lực thì đầu tư cho ngành than chưa tới 1/10. Tỷ lệ đầu tư này là bất hợp lý, tương lai thiếu than là không tránh khỏi! Tỷ lệ đầu tư giữa các phân ngành năng lượng tuỳ thuộc đặc điểm của từng nước, từng giai đoạn, chúng ta cần nghiên cứu làm rõ. Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam hiện nay có thể là điện lực 60-65%, dầu khí 20-22%, than 12-13%, còn lại cho các nguồn khác?

Theo tài liệu của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư (CTCPTVĐT) Mỏ và Công nghiệp TKV, cập nhật năm 2010 chưa chính thức, sản lượng than 2015 khoảng 66 triệu tấn, 2020 là 91-93 triệu tấn, 2025 là 118-138 triệu tấn và 2030 là 120-145 triệu tấn.

Như vậy, rõ ràng chỉ tính nhu cầu than cho nhiệt điện cũng sẽ thiếu, với phương án của CTCPTVĐT Mỏ và Công nghiệp sẽ thiếu muộn hơn, nhưng giai đoạn sau 2020 vẫn thiếu ngày càng lớn. Với kế hoạch sản xuất than và xây dựng điện như hiện nay đã thấy hàng nghìn MW nhiệt điện sẽ vào làm việc trong vòng 5-7 năm tới, nhưng nguồn cung cấp than chưa rõ.

Để phát triển cân đối, bền vững - chúng tôi nghĩ rằng cần quan tâm mấy vấn đề: đầu tư làm rõ gấp khả năng đóng góp than (trữ lượng, công nghệ khai thác, môi trường) của bể than đồng bằng sông Hồng; xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài và nhập than; đầu tư công nghệ cho công tác khai thác than đặc biệt phần ở độ sâu dưới 300m. Than rõ ràng là nét đậm trong bức tranh năng lượng Việt Nam, cần nghiên cứu rà soát, cập nhật quy hoạch than xứng tầm, cân đối đồng bộ với các phân ngành điện, dầu khí, sao cho những “bông hồng đen” nở rộ và toả hương khắp cả ba miền đất nước.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng năng lượng tái tạo (NLTT) lớn, tuy nhiên đến nay tài liệu, số liệu khảo sát, đo đạc còn thiếu và độ tin cậy thấp, về thể chế đã có quan tâm nhưng còn mỏng, chưa đủ để khuyến khích đầu tư, phát triển sử dụng. Ngoài việc sử dụng năng lượng để đun nước được đánh giá là bắt đầu có hiệu quả, các dự án điện mặt trời chủ yếu nhờ tài trợ của các tổ chức quốc tế như: Lai Châu, Kontum... Một số dự án điện gió như: Bạch Long Vĩ, Hải Hậu, Cù Lao Chàm... không hiệu quả; một số dự án điện gió đầu tư tư nhân ở Ninh Thuận, Phú Quý... gặp khó khăn về cơ chế giá. Gần đây, Hoa Kỳ có dự định cho Việt Nam vay khoảng 2 tỷ USD phát triển một số dự án điện gió ở các tỉnh Nam Bộ, cũng là một thách thức!

Theo QHĐVII dự kiến đưa tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào 2030, như vậy tương ứng phải đạt 16 tỷ kWh (6-7 nghìn MW) và 42-45 tỷ kWh (15-20 nghìn MW). Về mong muốn và tính thời đại thì tỷ lệ này là còn thấp, nhưng đối với chúng ta đã là một thách thức, phải nỗ lực từ khảo sát, quy hoạch, lựa chọn công nghệ thích hợp, đầu tư và nội địa hoá dần mới có thể đạt được.

Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm là khâu cực kỳ quan trọng, nó là quốc sách thâm canh trong năng lượng và kinh tế nói chung. Tiến trình phát triển kinh tế và năng lượng đã có hiệu ứng “tách đôi” diễn ra từ những năm 50 của thế kỷ trước ở các nước công nghiệp phát triển, đó là hiện tượng tốc độ tăng trưởng năng lượng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Các nước đang phát triển hiện nay đang phấn đấu để đạt được hiệu ứng này. Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, cường độ năng lượng đối với GDP ở nước ta còn cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia khoảng 1,5 lần. Tốc độ tăng trưởng năng lượng nói chung lớn hơn 1,3-1,4 lần và điện nói riêng  hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP, nhiều năm nay Việt Nam vẫn giữ mức cường độ điện 1kWh/1USD-GDP, mà trong 1 USD này lại bao gồm nhiều lao động cơ bắp không phải điện! Nhiều nước chỉ tiêu này rất thấp, năm 2008 Nhật 0,25, Đức 0,6, Thái Lan 0,55...

Sau nhiều năm nghiên cứu, hoạt động chúng ta đã ban hành được Luật sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK&HQNL), có Chương trình quốc gia về sử dụng TK&HQNL, so với các nước trong khu vực hai “bông hoa” này tuy nở muộn và chưa ngát nhưng đang góp phần hiệu quả, toả hương cho nền kinh tế - xã hội nước nhà. Những hoạt động này cần được tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm.

Một vấn đề lâu nay được nhiều người cho là “hộp đen”, có người còn theo cách nói của các cụ xưa là “bênh kín”, đó là giá năng lượng, đặc biệt là giá điện. Giá điện có tính xã hội hoá rất cao, “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Bởi vậy cần được tính toán kỹ lưỡng, công khai minh bạch. Giá năng lượng cũng như quy hoạch năng lượng thực hiện riêng rẽ nên thiếu sự cân đối, đồng bộ, chưa thể hiện tính tổng thể bền vững. Một nước kinh tế thị trường tiêu biểu như Cộng hoà Pháp, khi tính giá điện Chính phủ giao cho Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (Viện Năng lượng và Tư pháp) xây dựng phương pháp luận, sau đó Công ty Điện lực Pháp (EDF) tính toán và Chính phủ tổ chức thẩm định, về sau theo cách thức đó mà thực hiện. Cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam nên tổ chức rà soát phương pháp, tính toán giá điện, than, dầu-khí, NLTT trong mối tương quan chung.

Cuối tháng 11/2011 lần đầu tiên Bộ Công Thương và EVN tổ chức công bố kết quả kinh doanh và giá thành điện năm 2010, tuy còn một số điểm chưa thuyết phục nhiều người về kết quả lỗ và nguyên nhân, dự kiến cách bù lỗ, tuy vậy một số chuyên gia đánh giá sự kiện công khai này có thể xem là một bông “hoa bói” minh bạch, cần được chăm sóc!

Sau một quá trình hoạt động, quản lý ngành có những bước thăng trầm, tính hệ thống của ngành năng lượng càng thể hiện rõ. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thống nhất, đầu tháng 12/2011 được Chính phủ quyết định, Tổng cục Năng lượng - thuộc Bộ Công Thương ra mắt quốc dân đồng bào khá hoành tráng. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là một bước góp phần khắc phục lỗi hệ thống, là một “bông hoa” trong quản lý năng lượng. Tuy nhiên họ cũng đang theo dõi chờ xem “bông hoa” nở và toả hương như thế nào?

Kể từ ngày thống nhất đất nước, ngành năng lượng Việt Nam đã trải qua hơn 35 năm, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành - Năng lượng Việt Nam vẫn đang ở tầm nhỏ, mới phát triển. Sự nghiệp phát triển năng lượng trong bối cảnh phát triển bền vững và an ninh đang ở phía trước, đòi hỏi nhiều nỗ lực mới và khắc phục những tồn tại, sao cho mỗi thành viên, mỗi hoạt động là những bông hoa thắm, tỏa ngát hương.

 

TS. Bùi Huy Phùng 
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VESC

 

Tài liệu tham khảo

1. QHĐVII

2. Quy hoạch phát triển ngành than 2008-2015, định hướng 2025

3. Quy hoạch phát triển Dầu-Khí 2006-2015

4. Quy hoạch thuỷ điên nhỏ, Bộ Công nghiệp, 2004

5. Thuỷ điện Hoà Bình niềm vui chưa trọn vẹn, phóng sự Đài tiếng nói VN

6. Những vấn đề về hậu tái định cư ở Thủy điện Sơn La, GS. Nguyễn Trung Dũng - BCHNQT L2, Viện KH&CNVN, 11-2011.

7. Lũ lớn có liên quan đến thuỷ điện, Trần Đình Đoàn, CNVPQH, 10/2010.

8. Nộp một đồng ngân sách mất ba đồng vì môi trường, Bản tin Vietnamnet 21/9/2011.

9. Thuỷ điện lấn vườn quốc gia, Minh Khanh, 6-2011.

10.  Thuỷ điện: coi chừng sập bẫy, Nhật Ngôn, Bản tin Vietnamnet 3/12/2011.

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động