RSS Feed for Người bạn ‘tâm giao’ của những ai quan tâm đến truyền thông năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 04:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Người bạn ‘tâm giao’ của những ai quan tâm đến truyền thông năng lượng Việt Nam

 - Ngày 25/3/2020, Tạp chí Năng lượng Việt Nam bước sang tuổi 16 - cái tuổi của khát vọng được cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình trong công tác tuyên truyền cho sự nghiệp phát triển ngành Năng lượng Việt Nam.




Tạp chí Năng lượng Việt Nam bước sang tuổi 16.

Đồng hành với các chuyên ngành (điện, than, dầu khí, năng lượng mới, tái tạo...), được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, bạn đọc ở trong nước và quốc tế, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã trở thành một diễn đàn khoa học của tập thể những người hoạt động trong ngành năng lượng. Đồng thời là một cơ quan truyền thông đóng góp ý kiến cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chính sách, luật pháp, cơ chế hoạt động... trong môi trường kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế đầy biến động phức tạp, khó lường.

Với một biên chế rất bé nhỏ, cơ sở vật chất và nguồn tài chính vô cùng eo hẹp, nhưng bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm cách mạng cao, lòng yêu nghề sâu sắc của tập thể Thường trực Tòa soạn, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã cố gắng duy trì, tồn tại đến ngày hôm nay.

Kết quả đóng góp cho ngành có nhều, nhưng tôi chỉ kể ra đây một số phản biện, kiến nghị trong thời gian gần đây đã được Chính phủ, các bộ, ngành... ghi nhận, phản hồi tích cực để chứng minh cho những nhận xét nói trên - [1], [2], [3], v.v...

Có thể nói, tuy việc đánh giá hàm lượng khoa học trong các văn bản này không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn không thể là không đáng kể khi so sánh với các đề tài nghiên cứu của các đơn vị được Nhà nước bao cấp. Đặc điểm nổi bật của các thành tựu này phần lớn phản ảnh kết quả của lao động trí tuệ được xã hội hóa chỉ được hưởng thù lao dưới danh nghĩa nhuận bút do Tạp chí tự quy định từ nguồn thu rất bé nhỏ, nên chi phí vô cùng thấp, nhưng các tác giả vẫn tự nguyện chấp nhận vì lợi ích chung của ngành Năng lượng Việt Nam.

Ngoài nội dung tổng kết rút kinh nghiệm, các vấn đề thực tiễn và lý luận, phân tích các nguyên nhân của thành công, chưa thành công trong công cuộc xây dựng ngành năng lượng trong quá khứ, các phản biện, đóng góp ý kiến cho nhà nước nói trên, Tạp chí cũng đã làm tốt công tác “khai dân trí, chấn dân khí” thông qua việc thường xuyên đăng các bài phổ biến khoa học, nhất là những tiến bộ công nghệ, những lý thuyết mới về khoa học - kỹ thuật, cũng như về quản lý kinh tế, xây dựng văn hóa công nghiệp liên quan với ngành năng lượng. Điều này đã giúp mở rộng đội ngũ độc giả, nhất là đối tượng trẻ thông qua tính hấp dẫn của loại đề tài này, qua đó, khuyến khích tính ham thích tìm hiểu cái mới, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến - sáng chế - phát minh trong ngành.

Bằng tài hoa sáng tạo, các tác giả, dịch giả, cộng tác viên đã chung sức với Tạp chí thực hành sứ mệnh “nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức” phục vụ bạn đọc, phục vụ xã hội. Đây cũng là một nguồn lực rất lớn góp phần tạo dựng vị thế, uy tín, bản sắc của Tạp chí Năng lượng Việt Nam khác với các bạn đồng nghiệp trong làng báo chí nói chung.

Như chúng ta thấy, trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng thường phản ánh về những thành tích trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hoạt động trong ngành năng lượng một cách trung thực, khách quan; khuyến khích, động viên phát triển phong trào thi đua lành mạnh, không chạy theo khuynh hướng quảng cáo thương mại, tô hồng, hay bóp méo sự thật.

Ngoài các nhiệm vụ của Tạp chí được nêu trong quyết định thành lập, nhân đây, chúng tôi cũng muốn bổ sung thêm một nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, ngôn ngữ Việt Nam, nhất là những thuật ngữ chuyên ngành dùng trong lĩnh vực năng lượng để góp phần làm cho tiếng Việt thống nhất, trong sáng, khoa học, phong phú, không quá lạm dụng tiếng nước ngoài trong báo chí, cũng như trong các công trình khoa học của ngành như ước nguyện của Bác Hồ và của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mỗi khi gặp gỡ các nhà trí thức nước nhà.

Nhằm giúp cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam lập nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới (trong không gian phục vụ), đề nghị nên mở rộng thêm đối tượng tuyên truyền là các tổ chức năng lượng truyền thống, lẫn năng lượng xanh địa phương, ngoài công lập, hoặc tư nhân (cả trong nghiên cứu, sản xuất, phân phối, dịch vụ nhỏ đang và sẽ có). Đây cũng là những đơn vị kinh tế - kỹ thuật rộng lớn, rất năng động và dễ thích ứng với nhu cầu đổi mới, nên cần được hỗ trợ cả về khoa học lẫn quản lý hiện đại - thậm chí rất hiện đại.

Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị trong phản biện khoa học sắp tới, nên có cả phần phản - phản biện. Theo đó, công bố cả những ý kiến khác nhau của các tác giả khác nhau trong cùng một chủ đề để mở rộng tính dân chủ, đa chiều, tránh hiện tượng áp đặt độc quyền chân lý trong học thuật.

Bởi lịch sử cho thấy rằng, hành vi vùi dập (những người khác ý) trong tranh luận học thuật chỉ dẫn đến lãng phí tài năng tập thể, không giúp cho xã hội tiến bộ.

Đương nhiên, Tạp chí Năng lượng Việt Nam không được phép xa rời nội dung các nghị quyết của Đảng, nhất là định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị trong hoạt động của mình. Nhưng cũng không nên né tránh những điều chưa khả thi do không phù hợp với diễn biến môi trường xã hội thực tế trong những giai đoạn cụ thể để có thể đề xuất những kiến nghị chính xác, kịp thời cho lãnh đạo Nhà nước điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu, đối phó với những tác hại do khiếm khuyết không thể dự báo trước trong Nghị quyết.

Trước mắt, việc đối phó hữu hiệu với các biến động giá dầu, cũng như do bất đồng quan điểm về bảo vệ môi trường toàn cầu khi tình trạng ô nhiễm đã đến mức báo động, hệ quả của cuộc chiến kinh tế - chính trị - an ninh rất gay gắt giữa các cường quốc gây ra là một nhiệm vụ rất cấp bách, rất lâu dài và rất khó khăn của Việt Nam.

Tôi cho rằng, an ninh năng lượng là cơ sở của các an ninh khác, nên Tạp chí Năng lượng Việt Nam cần nâng mức “ưu tiên” trong các vấn đề “cần ưu tiên” được đề xuất trong các phản biện, kiến nghị sắp tới.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn - Tạp chí Năng lượng Việt Nam của chúng ta./.

PGS, TS. TRẦN NGỌC TOẢN

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động