RSS Feed for Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 06:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [Kỳ cuối]

 - Việt Nam có thể tự hào với các thành tựu như tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với điện cao, nhưng vẫn còn đi sau nhiều quốc gia khác về hiệu quả năng lượng và khai thác năng lượng tái tạo phi thuỷ điện. Các cơ sở sản xuất điện, giao thông vận tải, các ngành sản xuất, các toà nhà thương mại và khu nhà ở đang mở rộng nhanh chóng, mang lại cơ hội cho một tương lai các bon thấp.

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [1]
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [2]
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [3]
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam: Cơ hội và thách thức [4]

KỲ CUỐI:  GỢI Ý GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển dịch cơ cấu năng lượng có thể đảm bảo công bằng xã hội, vì nó có thể nâng cao chất lượng dịch vụ năng lượng, tạo công ăn việc làm, hiện đại hoá ngành công nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế và tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Dưới đây là một số gợi ý để giải quyết các thách thức và mang lại các cơ hội để hướng tới chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội.

1/ Phát triển tầm nhìn năng lượng dài hạn mới

Việt Nam cần một tầm nhìn năng lượng tham vọng, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng, hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, và hướng đến 100% năng lượng tái tạo. Tầm nhìn thay thế này phù hợp với Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các cam kết quốc tế hướng đến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó có Mục tiêu số 7 "Đảm bảo tiếp cận năng lượng giá hợp lý, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người". Điều này đòi hỏi hiệu quả năng lượng cao ở tất cả các ngành; tăng số lượng các nhà sản xuất điện phân tán; điện khí hoá ngành giao thông vận tải; và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, khai khoáng, vận chuyển nhiên liệu.

Điều này có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng và tăng tăng trưởng GDP; tạo việc làm; hỗ trợ những cộng đồng và hộ gia đình nghèo nhất tiếp cận với năng lượng; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới; hướng tới môi trường địa phương sạch hơn; và hỗ trợ giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

2/ Đảm bảo chuyển hướng trọng tâm đầu tư

Đầu tư tại Việt Nam phải chuyển dịch sang hướng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, gió và sinh khối phân tán. Đầu tư vào khả năng dự trữ năng lượng và lưới điện cũng là điều cần thiết. Nguồn tài chính cho điện nên đến chủ yếu từ khu vực tư nhân, điều này đòi hỏi các thoả thuận mua bán điện phải đảm bảo sinh lời. Thông điệp vận động chính sách cần thuyết phục các "nhóm lợi ích" dựa trên cơ sở nghiên cứu vững chắc. Ví dụ như: hiệu quả năng lượng có thể tự bù đắp chi phí ban đầu; giao thông vận tải sử dụng điện là tương lai; năng lượng tái tạo dồi dào và có thể rẻ; phí các bon mang lại lợi ích cho tài chính công cũng như tăng trưởng kinh tế…

Ngoài ra, các nhóm thu nhập thấp có thể được hưởng lợi từ việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng; giảm sự phụ thuộc năng lượng; tạo ra việc làm; môi trường được cải thiện; và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh và siết chặt quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước.

Tăng sự minh bạch về tài chính và kỹ thuật của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ giúp xây dựng niềm tin trong công chúng, cho phép cạnh tranh bình đẳng hơn, nâng cao hiệu suất, và có lợi cho người tiêu dùng. Cũng cần có một khung chính sách để nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường xăng dầu, và cải cách ngành điện đòi hỏi việc chia tách EVN; ERAV trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn; cũng như các mục tiêu nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo với các công cụ chính sách như "tiêu chuẩn tỷ lệ điện năng tái tạo".

3/ Các chính sách tài khoá thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng 

Rất khó để kêu gọi ủng hộ tăng giá năng lượng thông qua chấm dứt trợ cấp gián tiếp và áp dụng thuế, hoặc phí các bon, ngay cả khi giá cũng buộc phải tăng trong kịch bản phát triển thông thường. Tuy nhiên, kịch bản chuyển dịch cơ cấu năng lượng có nhiều ưu điểm, như chi phí và giá bán lẻ giảm trong một khoảng thời gian dài hơn; tăng GDP nhờ hiệu suất cao hơn và hiện đại hoá; giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng; môi trường sạch hơn và giảm tác động sức khoẻ; giảm ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.

Giá điện dựa trên chi phí, cơ chế xác định giá điện minh bạch và theo lộ trình là điều tối quan trọng đối với đầu tư tư nhân, trong khi việc tăng tính cạnh tranh sẽ làm giảm giá tiêu thụ. Thuế, hoặc phí các bon sẽ nội bộ hoá các chi phí thực tế của nhiên liệu hoá thạch và giải phóng nguồn lực công. Các hộ gia đình thu nhập thấp có thể được bảo vệ khỏi chi phí năng lượng tăng thông qua biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang.

4/ Các quy định để triển khai năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng

Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về hiệu quả năng lượng, tuy nhiên vẫn cần thêm các quy chuẩn và cơ chế hỗ trợ. Việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo đòi hỏi quy định cụ thể về kỹ thuật và quản lý. Ví dụ, quy trình cấp phép các nhà máy điện tái tạo phải được đơn giản hoá. Cần có hướng dẫn về đồng phát sinh khối trong các nhà máy nhiệt điện than.

Biểu giá điện hỗ trợ hiện thời cần phải được điều chỉnh, và quy định về đấu giá quyền đầu tư vào các mức công suất lắp đặt điện tái tạo nhất định phải được ban hành. Các hợp đồng mua bán điện "trực tiếp" cần được cho phép, và cần ban hành quy trình đơn giản đối với chế độ thanh toán bù trừ cho các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nối lưới (ao gồm cả các hệ thống cộng đồng).

5/ Nâng cao năng lực về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng

Năng lực của các bên cần được nâng cao nhằm phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội. Ví dụ, ERAV và chính quyền địa phương cần có đủ năng lực để thực thi các quy định về điện tái tạo.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, kể cả ở vùng sâu vùng xa, cần có đủ năng lực để triển khai các biện pháp hiệu quả năng lượng và các giải pháp năng lượng như khí sinh học, bình nước nóng mặt trời, điện mặt trời, có thể tiếp cận thông qua lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP).

Cần đào tạo các cán bộ ngân hàng để họ có thể làm việc được với rủi ro kinh doanh và lợi nhuận tiềm năng của các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

Tạo "cơ chế một cửa" cho phép "người sản xuất - tiêu thụ" điện mặt trời có thể đăng ký, lắp đặt và nối lưới hệ thống điện mặt trời (cơ chế thanh toán bù trừ).

Đội ngũ nhân sự của EVN cần phải được nâng cao năng lực về nối lưới theo các quy chuẩn kỹ thuật và các doanh nghiệp phải có đủ kinh nghiệm, năng lực để lắp đặt, vận hành, bảo trì các cơ sở năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, cần phải có nhân sự được đào tạo để có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo của Việt Nam.

6/ Tiếp cận đến các cộng đồng vùng sâu vùng xa và nhóm mục tiêu khác 

Mục tiêu phát triển bền vững đưa ra khung chính sách để chuyển dịch cơ cấu năng lượng, hướng đến việc phổ cập tiếp cận các dịch vụ năng lượng, tăng đáng kể tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng, và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng toàn cầu vào năm 2030. Ưu tiên cho chuyển dịch cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam sẽ tính đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động được trả công thấp, các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động và phụ nữ.

Người dân nông thôn có thể hưởng lợi từ các biện pháp năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng bằng cách sử dụng các phương pháp lập kế hoạch năng lượng địa phương, do việc hướng đến nhóm đối tượng là phụ nữ đã chứng tỏ sẽ mang lại kết quả chuyển đổi lớn.

Các nhà máy có hệ thống điện mặt trời trên mái nhà sẽ tiết kiệm chi phí năng lượng, mang lại điều kiện làm việc tốt hơn, và nâng cao khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã có thể tạo lợi nhuận và công ăn việc làm nhờ bán điện từ các hệ thống năng lượng tái tạo, điều này có thể được thực hiện nếu có các quy định phù hợp.

7/ Đối thoại chính sách và chứng minh thành công

Chính sách năng lượng được soạn thảo, quyết định thông qua các trao đổi và quy trình nội bộ và giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các chính quyền tỉnh. Nhìn chung, 4 cộng đồng bên ngoài được liệt kê dưới đây có thể tham gia đối thoại chính sách về phát triển năng lượng. Ví dụ tại các hội thảo, hoặc qua phương tiện truyền thông. Các cơ quan quốc tế có thể hỗ trợ các cuộc đối thoại này:

Thứ nhất: Chuyên gia năng lượng Việt Nam tại các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức nghiên cứu. Nhiều chuyên gia được đào tạo tại một số ít các trường đại học và là thành thành viên hoặc có liên kết với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).

Thứ hai: Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế bao gồm các chuyên gia năng lượng trẻ cũng như đã nghỉ hưu và các nhà nghiên cứu. "Quyền phát ngôn" của họ dựa trên nền tảng nghề nghiệp chuyên môn, hoặc kết quả của các dự án phát triển cộng đồng. Ví dụ như sử dụng phương pháp lập kế hoạch năng lượng địa phương, hoặc nghiên cứu về các chủ đề nhất định như chi phí môi trường của điện than.

Thứ ba: "Đối  tác phát triển" quốc tế bao gồm các đại sứ quán, ngân hàng phát triển song phương và đa phương, cũng như các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật đã đồng ý với chính phủ về việc thành lập Nhóm Đối tác Phát triển Năng lượng Việt Nam (VEPG), để đưa ra các cuộc đối thoại chính sách và kỹ thuật. Nhóm Đối tác Phát triển Năng lượng Việt Nam cũng sẽ mời các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu tham gia.

Thứ tư: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một phần được tổ chức thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nơi có các cuộc đối thoại với các quan chức của chính phủ Việt Nam về nhiều chủ đề trong đó có năng lượng. Thành viên cũng được cơ cấu thông qua các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Một số thành viên mong muốn có các cuộc đối thoại chính sách về điện gió và điện mặt trời.

KOOS NEEFJES VÀ TS. ĐẶNG THỊ THU HOÀI - VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TW

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động