RSS Feed for Biến động giá dầu thô 2018 và dự báo cho năm 2019 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 17/04/2024 00:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Biến động giá dầu thô 2018 và dự báo cho năm 2019

 - Tiếp nối đà tăng giá từ cuối năm 2017, giá một số chuẩn dầu thô của thế giới như Brent, WTI có xu hướng tăng giá trong phần lớn khoảng thời gian của năm 2018, nhưng đi xuống trong khoảng 3 tháng cuối năm. Bước sang năm 2019, nhiều tổ chức dự báo chuyên về dầu thô đều hạ dự báo giá dầu, tuy nhiên, mức giá vẫn nằm trong khoảng trên 50 USD/thùng.

Thị trường khí cạnh tranh: Xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới



THS. ĐOÀN TIẾN QUYẾT - VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Diễn biến thị trường dầu thô thế giới năm 2018

Giá dầu thô Brent năm 2018 đạt mức giá trung bình 71,3 USD/thùng, tăng 17 USD/thùng hay khoảng 31,4% so với mức giá trung bình năm 2017; giá dầu thô WTI đạt mức giá trung bình 65,2 USD/thùng, tăng 14,1 USD/thùng, hay khoảng 27,7% so với mức giá trung bình năm trước.

Hình 1.1. Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI trong năm 2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Trong năm 2018, giá hai loại dầu thô chuẩn thế giới này có cùng xu hướng giảm nhẹ trong Quý đầu của năm, sau đó bật tăng trong suốt Quý 2, Quý 3 trước khi lao dốc trong Quý cuối của năm. Mức giá trung bình tháng cao nhất đối với dầu thô Brent ghi nhận đạt được vào tháng 10/2018, đạt mức giá trung bình 81,2 USD/thùng, mức giá thấp nhất rơi vào tháng 12/2018 với trung bình giá 60,3 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng có diễn biến tương tự với mức giá trung bình tháng cao nhất ghi nhận vào tháng 7/2018 đạt 71,0 USD/thùng và thấp nhất 52,7 USD/thùng vào tháng cuối cùng của năm.

So sánh với cùng kỳ năm 2017, mức chênh lớn nhất đối với dầu thô Brent ghi nhận vào tháng 6/2018, chênh xấp xỉ 60% so với mức giá trung bình tháng cùng kỳ năm trước đó. Giá WTI có mức chênh tháng so sới cùng kỳ năm 2017 rơi vào tháng 7/2018, mức chênh 52,3%, trung bình tháng 7/2018 giá loại dầu thô này đạt mức 71,0 USD/thùng.

Tháng cuối cùng của năm, cả hai loại dầu thô Brent và WTI đều giảm so với mức giá cùng kỳ năm 2017, mức giảm lần lượt tương ứng khoảng 6% và 9%.

Năm 2018, giá dầu cũng chứng khiến một cuộc khủng hoảng giảm. Theo đó, giá dầu thô Brent và WTI sau khi đạt mức giá đỉnh 4 năm vào ngày 4/10/2018 với mức giá lần lượt 86,2 USD/thùng và 74,3 USD/thùng đã có chuỗi 8 tuần giảm giá, tương ứng 41 ngày, giảm hơn 30% giá trị trước khi bật tăng trở lại trong khoảng thời gian đầu tháng 12/2018.

Hình 1.2. Diễn biến giá dầu thô Brent và WTI từ 4/10/2018 đến 30/11/2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xu hướng tăng, giảm giá trong suốt năm 2018, tuy nhiên, tổng kết lại có một số nhân tố chính tác động đến xu hướng giá dầu thô có thể nhắc đến như sau:

Thứ nhất: Nguồn cung:

Nguồn cung dầu thô được duy trì ổn định, đặc biệt ba nước sản xuất dầu thô chính gồm Ả-rập Saudi, Nga, Mỹ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm, bất chấp OPEC và Nga thực hiện việc cắt giảm nguồn cung bù đắp phần thiếu hụt từ Iran do thị trường lo ngại nguồn cung thiếu hụt khi Mỹ tái áp lệnh trừng phạt lên Tehran. Sản lượng dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng đạt mức sản lượng kỷ lục 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018. Nguồn cung cầu thô của Mỹ tăng liên tục trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Cùng với sản lượng dầu thô Mỹ tăng nhanh, sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn khác như Nga và Ả-rập Saudi tiếp tục giữ ở mức cao. Cả Nga và Ả-rập Saudi đều có mức sản lượng kỷ lục trong tháng 11 nhằm bù đắp phần sản lượng thiếu hụt từ Iran và Venezuela. Sản lượng khai thác của Venezuela đã bắt đầu giảm chậm lại, xuất khẩu dự báo tăng lên bởi các nhà máy lọc dầu trong nước vận hành ở mức độ thấp. Nguồn cung Libya được cải thiện và tăng tốt hơn nhận định bởi tình hình chính trị ổn định, nguồn cung Libya tháng thứ 2 liên tiếp có mức sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày.

Hình 1.3. Sản lượng khai thác dầu thô của Ả-rập Saudi, Mỹ, Nga và Iran trong năm 2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Trong số các nước gia tăng nguồn cung mạnh mẽ trong năm 2018, Mỹ là quốc gia có sức ảnh hưởng tương đối lớn. Số lượng giàn khoan của các công ty khai thác dầu, khí của Mỹ gia tăng rất nhanh bởi giá dầu thô có mức giá thuận lợi, chi phí khai thác được tối ưu theo mức giảm khiến sản lượng khai thác của Mỹ liên tục phá các mức kỷ lục đã thiết lập trong nhiều thập kỷ qua.

Hình 1.4. Biến động số lượng giàn khoan dầu thô của Mỹ trong năm 2018. (Nguồn: Baker Hughes, 2018).

Cùng với việc lượng giàn khoan gia tăng, nguồn cung dầu thô Mỹ gia tăng, dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục đi lên cũng là nhân tố tạo áp lực lên giá dầu.

Hình 1.5. Biến động lượng dự trữ dầu thô của Mỹ trong năm 2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Thứ hai: Nhu cầu:

Nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tại Trung Quốc do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành áp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc (từ ngày 24/9/2018) trị giá 200 tỷ USD. Theo đó, tổng nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2018 đạt mức tiêu thụ trung bình 99 triệu thùng/ngày, trong đó châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực chiếm mức tăng trưởng nhu cầu dầu thô lớn nhất thế giới.

Hình 1.6. Thống kê tiêu thụ dầu thô thế giới theo các khu vực địa lý trong năm 2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Thứ ba: Thị trường tài chính/tiền tệ:

Trong năm 2018, thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu chứng kiến nhiều cuộc tăng giảm khác nhau, trong đó giai đoạn cuối năm thị trường chứng khoán thế giới có những đợt điều chỉnh rất sâu do ảnh hưởng từ các quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mà theo đó khiến giá trị đồng USD mạnh lên, gây lo ngại về việc các nền kinh tế khác buộc phải phá giá đồng tiền để đảm bảo xuất khẩu, vì vậy, tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Hình 1.6. Biến động chỉ số đồng USD và giá dầu thô trong năm 2018. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Dự báo giá dầu năm 2019

Năm 2019, nhiều tổ chức dự báo chuyên về dầu thô đều hạ dự báo giá dầu, tuy nhiên, mức giá vẫn nẳm trong khoảng trên 50 USD/thùng. Theo đó, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong báo cáo mới nhất phát hành vào tháng 12/2018 dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức giá trung bình 61 USD/thùng và dầu thô WTI đạt mức giá trung bình 54 USD/thùng trong năm 2019.

Lạc quan hơn EIA, theo khảo sát từ bộ phận phân tích của Thomson Reuters từ 38 nhà kinh tế học và phân tích thị trường, giá dầu thô Brent sẽ tiếp tục ở mức trên 70 USD/thùng.

Hình 1.7. Dự báo giá dầu thô thế giới trong năm 2019. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân được các tác giả đưa ra để làm rõ quan điểm dự báo, nhưng tựu chung lại, dưới góc độ phân tích dự báo đối với một hàng hóa thông thường, các luận điểm hỗ trợ dự báo giá dầu đã đưa ra được giải thích dưới góc độ quan điểm cung cầu như sau:

1/ Nguồn cung:

Nguồn cung dầu thô thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt sau khi OPEC cùng Nga cam kết cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019 sau cuộc họp tháng 12/2018. Theo đó, tổng nguồn cung các nước ngoài OPEC (chỉ tính phần dầu thô) ở mức 33,3 triệu thùng/ngày. Nguồn cung các nước ngoài OPEC dự báo sẽ ở mức 63,4 triệu thùng/ngày. Nguồn cung OPEC dự báo sẽ giảm đều trong suốt phần của năm 2019 do ảnh hưởng từ cam kết cắt giảm sản lượng. Cụ thể nguồn cung OPEC sẽ giảm từ mức trung bình 33,6 triệu thùng/ngày trong Quý 1 năm 2019 xuống 33,2 triệu thùng/ngày vào Quý cuối của năm.

Hình 1.8. Dự báo nguồn cung dầu thô thế giới trong năm 2019. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).

Đối với nguồn cung ngoài OPEC, Mỹ dự báo sẽ đóng góp rất lớn trong tổng mức tăng chung của nguồn cung các nước ngoài OPEC. Một số nước nguồn cung dự báo sẽ giảm, bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Anh, Colombia và Ai Cập sẽ được bù đắp bằng phần tăng sản lượng của Guyana, Uganda, Senegal và Kenya cùng với việc mở rộng khai thác tại Brazil, Canada, Úc và Kazakhstan.

2/ Nhu cầu:

Tổng nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2019 dự báo sẽ ở mức trung bình 101,6 triệu thùng/ngày. Trong đó nhu cầu vẫn sẽ tập trung chủ yếu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với phần lớn sản lượng vẫn sẽ tập trung tại Trung Quốc và Ấn Độ bất chấp việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đông dân nhất thế giới, và tương hỗ, làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô.

Hình 1.9. Dự báo nguồn cung dầu thô thế giới trong năm 2019. (Nguồn: EMC tổng hợp, 2018).


TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động