RSS Feed for An toàn cho điện hạt nhân là ưu tiên số 1 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 07:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An toàn cho điện hạt nhân là ưu tiên số 1

 - Việt Nam đang hướng đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ÐHN) đầu tiên. Sự kiện lớn này của đất nước được nhiều người mong đợi và quan tâm. Hiện các cơ quan chức năng cùng đội ngũ chuyên gia đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, với quan điểm: an toàn cho ÐHN là ưu tiên số 1.

 

 

Lựa chọn khoa học

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020; ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn luật; tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ðồng thời, các căn cứ khoa học và yếu tố bảo đảm cũng đã được chỉ rõ.

Thứ nhất, nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang cạn kiệt (than đá, dầu khí... trữ lượng khai thác giảm dần), nguồn thủy điện ở nước ta cũng đã khai thác gần hết tiềm năng.

Thứ hai, nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai đang ở tình trạng thiếu. Ðặc biệt, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế như hiện nay, nhu cầu năng lượng sẽ ngày càng tăng lên.

Thứ ba, năng lượng hạt nhân hiện nay với việc hoàn thiện về mặt công nghệ đã bảo đảm tính an toàn và hiệu quả kinh tế cao; giảm được khí thải nhà kính, có thể bảo vệ được môi trường, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay (các nước trên thế giới đang cố gắng giảm khí phát thải).

Mặt khác, chúng ta cũng đã xây dựng lực lượng trong ngành năng lượng nguyên tử: các viện nghiên cứu KH - CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); các trường đại học cũng đã tham gia giảng dạy đào tạo một số chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; chúng ta đã xây dựng được cơ quan pháp quy về năng lượng hạt nhân (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân); cơ quan quản lý về ứng dụng và phát triển ÐHN (Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Có thể nói, những điều kiện nêu trên là cơ sở quan trọng và cần thiết cho phát triển hạt nhân của nước ta trong thời điểm này.

Ðịa điểm phù hợp

Nhà máy ÐHN đầu tiên của Việt Nam đã được lựa chọn đặt tại Ninh Thuận. Trước một số băn khoăn như: địa điểm xây nhà máy quá gần bờ biển, khả năng bị ảnh hưởng bởi sóng thần, nước biển dâng cao, tính an toàn của nhà máy ÐHN sẽ như thế nào?

PGS, TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy ÐHN là vấn đề quan trọng. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, chúng ta căn cứ trên ba nhóm tiêu chí chính để bảo đảm độ an toàn của nhà máy.

Trước tiên là những yếu tố tự nhiên có thể làm mất an toàn cho nhà máy, như động đất, núi lửa, sóng thần... cần được nghiên cứu cẩn thận. Có những số liệu phải được thu thập trong một thời gian rất dài.

Bên cạnh đó là các yếu tố do con người gây ra. Thí dụ, các nhà máy hóa chất ở gần có thể gây cháy nổ; nhà máy nằm ở gần đường lên xuống của máy bay ở các sân bay. Ðó là những nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà máy ÐHN. 

Một yếu tố nữa cũng phải được tính đến là ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư trong trường hợp nhà máy hoạt động bình thường hoặc khi nhà máy xảy ra sự cố. Với ba tiêu chí an toàn này, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam nghiên cứu với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ các nước có kinh nghiệm trong vấn đề năng lượng nguyên tử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), việc lựa chọn xây dựng nhà máy tại tỉnh Ninh Thuận là hoàn toàn phù hợp.

Cũng cần nói thêm rằng, lựa chọn nhà máy gần bờ biển rất quan trọng, bởi có thể sử dụng nước biển để làm mát nhà máy cũng như thuận tiện trong việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, để nhập khẩu các thiết bị. Ngoài ra, địa điểm Ninh Thuận cũng rất gần với các nơi tiêu thụ điện năng có nhu cầu cao là các khu kinh tế phía Nam.

An toàn là số 1

Sau sự cố hạt nhân Phu-cư-xi-ma, và trước đó là thảm họa hạt nhân Chéc-nô-bưn, nhiều ý kiến lo ngại về tính an toàn của ÐHN. Ðây là những lo ngại chính đáng…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Ðình Tiến khẳng định: Sau sự cố Phu-cư-xi-ma, nhiều nước đã điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có vấn đề phát triển ÐHN. Sự cố này nhắc nhở Việt Nam cần phải đặt tính an toàn lên cao nhất kể cả công nghệ, quy trình quản lý, vận hành nhà máy. Các bài học từ Nhật Bản cũng sẽ vô cùng hữu ích cho Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà máy ÐHN.

TS Ngô Ðặng Nhân, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, với công nghệ ÐHN hiện tại đã được cải tiến nhiều về an toàn sau khi phân tích sự cố Chéc-nô-bưn, có thể khẳng định sẽ không thể xảy ra vụ việc tương tự như ở U-crai-na.

Công việc cần thiết để phát triển ÐHN hiệu quả và an toàn là khâu đào tạo nguồn nhân lực. Ðây là yếu tố phải được ưu tiên hàng đầu. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ để đáp ứng nhu cầu của một cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho phát triển ÐHN. Viện cũng đã thành lập Trung tâm đào tạo hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho Viện cũng như các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực ÐHN.

Bên cạnh đó, mỗi năm, Viện đều tổ chức các khóa đào tạo 9 tháng cho các cán bộ mới tuyển dụng vào làm việc ở Viện và hợp tác với IAEA cũng như các nước, tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ và an toàn ÐHN.

Hiện nay, chúng ta đang có sự hợp tác quốc tế rộng rãi trong ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và phát triển ÐHN nói riêng. Ðó cũng là một thuận lợi cơ bản.


 

Liên Cơ (Nguồn: Nhandan)

 

Sự cố hạt nhân vẫn luôn luôn tiềm ẩn và đe dọa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Vì vậy, bảo đảm an toàn hạt nhân luôn là mối quan tâm số 1 của cộng đồng quốc tế nói chung và các nước đang thực hiện chương trình ÐHN nói riêng. Ðối với những nước đang phát triển ÐHN đầu tiên, bảo đảm an toàn thật sự là một thách thức to lớn đối với các tổ chức đầu tư và vận hành cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động