RSS Feed for Việt Nam - Hoa Kỳ đối thoại về an ninh năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 23:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam - Hoa Kỳ đối thoại về an ninh năng lượng

 - Ngày 30/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất. Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và bà Sandra Oudkirk - Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách lĩnh vực năng lượng đồng chủ trì Đối thoại.

Năng lượng Việt Nam trong lộ trình đổi mới tổng thể
Hướng tới thị trường điện ASEAN hợp nhất

Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Đối thoại An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.Trong Đối thoại lần này, Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn tại các phiên thảo luận về: An ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng; Chiến lược đa dạng hóa các nguồn năng lượng; Các loại phí và giá năng lượng; Các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ phát triển năng lượng tái tạo; Liên kết năng lượng trong khu vực và thương mại năng lượng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các cơ hội để doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn trong phát triển năng lượng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thể hiện sự quan tâm lớn trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm mở rộng các cơ hội và triển khai các sáng kiến năng lượng tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều cuộc thăm viếng cấp cao, tổ chức nhiều cuộc gặp, trao đổi và xúc tiến các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực phát triển. Việt Nam đã có dịp đón tiếp nhiều Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam như George W. Bush, Bill Clinton, Barack Obama và gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 năm 2017 trong dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC.

Nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại. Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) tính trên đầu người đã tăng 10 lần, từ 114 USD năm 1990, xấp xỉ 2400 USD vào năm 2015 - đây là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, dầu thô, than đá, khí, thủy điện và năng lượng phi thương mại là những nguồn năng lượng được khai thác trong nước. Trong những năm gần đây, tổng năng lượng khai thác có xu hướng ổn định, chủ yếu là do sản lượng khai thác các sản phẩm thương mại không có sự đột biến lớn về lượng. Với mức độ tăng cao về nhu cầu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015.

Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), trong đó năng lượng thương mại chiếm 75,5% và năng lượng phi thương mại chiếm 24,5% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ năng lượng sinh khối phi thương mại trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp giảm đáng kể từ 44,2% năm 2000 xuống 16,9% vào năm 2015. Tỷ lệ sụt giảm là do năng lượng sinh khối phi thương mại đã dần được thay thế bởi các dạng năng lượng thương mại.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năng 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Năng lượng cuối cùng có thể tăng từ 54 triệu TOE ở năm 2015 lên đến khoảng 90 triệu TOE ở năm 2025. Năng lượng cuối cùng có thể đạt mức 134,5 triệu TOE vào năm 2035. Trong giai đoạn 2016 - 2025, năng lượng cuối cùng tăng khoảng 5,1%/năm và có xu hướng giảm xuống mức 4,2%/năm ở giai đoạn 2026 - 2035 phù hợp với mức tăng dần của tăng trưởng GDP và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

"Các con số nêu trên nói lên nhu cầu phát triển năng lượng tại Việt Nam hết sức hiện thực và chính là cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của Hoa Kỳ" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng của Hoa Kỳ như ExxonMobil, Murphy Oil, Chevron, UOP, GE, AES,… đều đã có mặt tại Việt Nam với nhiều dự án hợp tác sôi động trải rộng trên khắp cả nước. Các hoạt động hợp tác cũng hết sức phong phú và bao trùm mọi lĩnh vực năng lượng như: thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; đầu tư, phát triển các nhà máy điện; hợp tác khoa học kỹ thuật năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, vv…

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với năng lực khoa học, kỹ thuật sẵn có của các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và tiềm năng phát triển của Việt Nam, hai bên có thể hướng tới tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như sau.

Thứ nhất: Tăng cường hợp tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam cũng như tại các nước thứ ba.

Thứ hai: Các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí.

Thứ ba: Đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu năng lượng (LNG, than) tại Việt Nam bao gồm: cảng nhập, cảng trung chuyển, kho chứa, hệ thống đường ống, cơ sở chế biến, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Thứ tư: Các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, hiệu quả cao, các dự án nhiệt điện chạy khí.

Thứ năm: Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống lưới tải hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.

Thứ sáu: Phát triển các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo để nối lưới, hoặc không nối lưới đáp ứng nhu cầu tại các khu vực hiện chưa tiếp cập với hệ thống truyền tải quốc gia.

Thứ bảy: Tư vấn, hợp tác hiện đại hóa hệ thống quản lý điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực quản lý,...

Trong khuôn khổ Đối thoại, các cuộc gặp cấp kỹ thuật cũng được tổ chức. Đây cũng là dịp để các chuyên gia và doanh nghiệp hai bên trao đổi thông tin về công nghệ tiên tiến và các kinh nghiệm thực tế có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho các dự án năng lượng cụ thể tại Việt Nam.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động