RSS Feed for Ứng dụng công nghệ nhiệt khí thải phát điện trong ngành xi măng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ứng dụng công nghệ nhiệt khí thải phát điện trong ngành xi măng

 - Các nhà máy xi măng luôn có một lượng khí thải với nhiệt năng lớn được tạo ra, nhưng không có giá trị sử dụng cho quá trình sản xuất. Công nghệ tận dụng nhiệt khí thải phát điện được coi là biện pháp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu nồng độ khí CO­­2 gây hiệu ứng nhà kính, giúp cho ngành xi măng sản xuất ngày càng “xanh" hơn.

 

 

 

Sản xuất xi măng gắn liền với tiêu thụ năng lượng than và điện. Khi vận hành lò nung sẽ phát sinh một lượng khí thải và bụi khá lớn ở nhiệt độ cao (khoảng 3000 C), chủ yếu tại tầng tháp sấy sơ bộ PH và ghi làm nguội clinker. Quá trình này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí năng lượng.

Theo tính toán, 1 tấn nhiệt khí thải có thể sản xuất ra 3 - 5 kWh điện. Nếu tất cả các nhà máy sản xuất xi măng của Việt Nam tận dụng nhiệt thải từ các lò nung clinker để phát điện, mỗi năm, sẽ tận dụng được khoảng 1,5 tỷ kWh. Đây là con số khá lớn đối với một ngành công nghiệp có suất tiêu hao năng lượng lớn như xi măng.

Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy xi măng có công suất lò nung từ 2.500 tấn clinker/ ngày trở lên phải có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện. Đối với nhà máy đang sản xuất hoặc đang triển khai đầu tư có công suất 2.500 tấn clinker/ ngày chưa có hệ thống tận dụng nhiệt thừa để phát điện chậm nhất 31/12/2014 phải đầu tư xong.

Việc tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện không còn mới lạ đối với các quốc gia có ngành công nghiệp xi măng phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Công nghệ trên đã được ứng dụng và có quy định bắt buộc nên đa số các nhà máy xi măng ở các nước này đều lắp hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải. Ở Việt Nam, công nghệ này được Tổng công ty Công nghiệp Xi măng tìm hiểu từ những năm 1997, sau đó Tổ chức Phát triển nguồn năng lượng mới (NEDO) của Nhật Bản tài trợ cho Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 một trạm phát điện nhiệt khí thải công suất 2.950 kW. Kể từ khi đưa vào ứng dụng, trạm này đã chứng minh được tính hiệu quả.

Qua quá trình thử nghiệm, thấy được lợi ích lâu dài, Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 đã chuẩn bị đầu tư dây chuyền mới công suất 3.000 tấn clinker/ ngày và lắp đặt hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải công suất từ 4 - 5 MW để phát điện.

Công ty Xi măng Holcim Việt Nam cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cũng như tận dụng các chất thải để tái chế nguồn nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Công ty đã khởi công xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa khí thải công suất 6 MW, tổng vốn đầu tư 18 triệu USD tại Nhà máy Xi măng Hòn Chông, mỗi năm sản xuất 44 triệu kWh điện. Với công suất đó, đáp ứng đủ lượng điện cho toàn bộ Nhà máy Xi măng Hòn Chông vận hành trong 88 ngày, tiết kiệm được 9.000 tấn than đá hoặc 6.450 tấn dầu HFO để sản xuất điện mỗi năm. Việc tái sử dụng các nguồn nhiệt thải này, giúp Holcim đạt được mục tiêu giảm 25% khí thải CO2 trong năm 2011. Đây là giải pháp thiết thực hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững mà Holcim mong đợi.

Được biết, để sản xuất 1 tấn xi măng phải tiêu hao 100 kWh điện. Với công suất toàn ngành khoảng trên 50 triệu tấn/ năm như hiện nay sẽ tiêu tốn trên 5 tỷ kWh điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp xi măng còn tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu như than, dầu. Vì vậy, công nghệ tận thu nhiệt thừa khí thải sẽ giúp giảm thiểu chi phí và lượng điện năng cho việc sản xuất xi măng. Đặc biệt, công nghệ này còn góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng trực tiếp đến biến đổi khí hậu.

 

(Nguồn: Baocongthuong)


 

nangluong.mastercms.org/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động