RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng: Vấn đề cấp bách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 09:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng: Vấn đề cấp bách

 - Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ, đáng chú ý là khu công nghệ xi măng và chiếu sáng công cộng. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là một trong những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.

 

Tiết kiệm năng lượng: Doanh nghiệp Nhà nước cần tiên phong

Chính vì vậy, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trên phạm vi cả nước. 

Đại diện Ban tổ chức Hội thảo Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng, diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội

Hiệu quả có…

Báo cáo tại Hội thảo Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng vừa diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội, ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng Cục năng lượng, Bộ Công thương) cho biết, VNEEP được khởi động từ năm 2006 với mục tiêu đạt mức tiết kiệm tối đa tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, đồng thời hình thành mạng lượng thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương tới địa phương; sử dụng rộng rãi các trang thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm 10% cường độ năng lượng các ngành sử dụng nhiều năng lượng…  VNEEP được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2006-2010), chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 3-5% tổng năng lượng tiêu thụ trên cả nước. Giai đoạn 2 (từ 2011-2015), chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức năng lượng tiêu thụ trên cả nước, tương đương từ 11-17 triệu tấn dầu quy đổi.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng Trịnh Quốc Vũ cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai, chương trình đã được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, nhãn năng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp về đẳng cấp.

Hiện toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho các hộ dân. Bộ Công Thương còn kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO). Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh điện, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng hơn 3000 hầm Biogas quy mô gia đình tại 26 tỉnh, thành. Với mạng lưới gồm 14 Trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 Trung tâm khuyến công, các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

... tồn tại nhiều

Thực tế cho thấy, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn đang là một trong những trở ngại thực thi chương trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua việc nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. 

Theo đánh giá của ông Trịnh Quốc Vũ, hạn chế về nguồn ngân sách và nhân lực trong khi chương trình phải thực hiện trên phạm vi rộng và đa dạng trong nhiều ngành nghề, từ trung ương tới địa phương là một trong những trở ngại lớn của chương trình này. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp không có vốn, hạn chế vốn hoặc khó  tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp và không quá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp không còn thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ vì mức hỗ trợ này là khá thấp so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, giá năng lượng trong nước còn thấp so với các nước trong khu vực nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. 

Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế vĩ mô cũng là những rào cản để thực hiện đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các dự án tiết kiệm năng lượng. Đáng chú ý, thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách về tiết kiệm năng lượng còn nhiều bất cập, lợi ích về tiết kiệm năng lượng chưa được xã hội và doanh nghiệp quan tâm.

Để chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng cần phải tăng nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn này. Cùng với đó, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình/đề án/giải pháp tiết kiệm năng lượng, bố trí kinh phí hàng năm và nguồn nhân lực để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng cụ thể tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; tiếp tục xây dựng các định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm…

Nguồn: DĐDN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động