RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 13:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu của chiến lược phát triển

 - Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên và năng lượng ở nước ta một lần nữa được nêu lên như một cảnh báo cho mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trước tình trạng khai thác, sử dụng lãng phí tài nguyên dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng là có thực.


Những vấn đề trên vừa được đề cập tại hội thảo “Quản lý tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng” do Đại học Tôn Đức Thắng vừa được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, môi trường trong cả nước.

Năm 2020, Việt Nam sẽ nhập khẩu năng lượng?

Theo nhóm tác giả Phạm Hồng Nhật và Trần Tuấn Việt (Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường): mặc dù đa dạng và phong phú, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đang bị khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững.

Tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất và lượng. Việc áp dụng biện pháp khoa học kĩ thuật cũng như quản lý chưa thực sự có hiệu quả, trong khi chưa khai thác được các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo thay thế.

Dự tính năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu hụt nhiên liệu sản xuất điện khoảng 9 tỉ kWh, năm 2020 sẽ từ 35 - 64 tỉ kWh.

Theo Viện Năng lượng, lượng dầu - khí của Việt Nam chỉ có thể khai thác được trong khoảng 30 năm, than đá cần phải khai thác ở độ sâu hàng trăm, hàng ngàn mét dưới lòng đất.

Đến năm 2025, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ vào khoảng 180 MTOE (tương đương 180 triệu tấn dầu), trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng 110 MTOE.

Theo bà Đoàn Thị Uyên Trinh, Đại học Tôn Đức Thắng, mỗi năm Việt Nam thiếu khoảng 2% điện. Trong 10 năm nữa, ước tính nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 15% - 20%/năm.

Hiện có nhiều dự án điện được đầu tư, nhưng việc cung cấp điện sẽ khó đáp ứng được nhu cầu và phải cần ít nhất là 4 năm để xây dựng, vận hành một nhà máy điện mới.

Các chuyên gia năng lượng có chung nhận định, nếu không có những giải pháp đột phá thì dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng.

Tiết kiệm đặt lên hàng đầu

Bà Đoàn Thị Uyên Trinh cho rằng: Hiện nay, lượng điện năng dùng cho chiếu sáng chiếm tới trên 25% tổng năng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Nhu cầu này sẽ tăng nhanh hơn. Trong khi đó, các phương tiện chiếu sáng vẫn chưa tận dụng tối đa chiếu sáng tự nhiên, mật độ chiếu sáng còn cao (chiếu sáng thừa), vẫn sử dụng phổ biến bóng huỳnh quang T10 và chấn lưu truyền thống, chưa sử dụng nhiều các loại đèn tiết kiệm năng lượng có hiệu suất cao như: đèn compact, đèn huỳnh quang T5, không sử dụng điều khiển tự động chiếu sáng tại các khu vực công cộng như: khu vệ sinh, sảnh, hành lang, đèn quảng cáo…

Do đó, để dung hòa giữa nguồn điện cấp và nhu cầu sử dụng điện của người dân, thì ý thức sử dụng sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm điện là rất cần thiết. Nếu chuyển sang sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng thì tổng năng lượng có thể tiết kiệm được là một con số đáng kể.

Ngoài ra, cần thực hiện triệt để việc chiếu sáng tự nhiên, giảm số lượng đèn để giảm lượng chiếu sáng thừa, chiếu sáng theo công việc (chiếu sáng cục bộ), lựa chọn đèn, bố trí đèn và bộ đèn hiệu suất cao, thiết bị hẹn giờ, bộ chuyển mạch ánh sáng và bộ cảm biến chiếm chỗ.

Đứng trước nguy cơ khủng hoảng về năng lượng, đòi hỏi người tiêu dùng năng lượng phải thực hành tiết kiệm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, hiện trạng sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu thường tiêu tốn nhiều năng lượng.

Chính vì vậy, các hoạt động tiết kiệm năng lượng rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng cần phải được tiến hành, trước hết ở những lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng như các công trình xây dựng, khách sạn, các cơ quan, doanh nghiệp và chiếu sáng công cộng…

Nguồn: EVN


 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động