RSS Feed for Tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 21:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp

 - Tiết kiệm điện đang là trách nhiệm của mọi ngành, mọi lĩnh vực nhất là đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong hoàn cảnh thiếu điện và hạn hán luôn rình rập như hiện nay.

 


Trước đây, nền nông nghiệp nước ta chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, ít cơ giới hóa vì vậy điện chưa đóng vai trò quan trọng trong sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp hiện đại đã vượt ra khỏi phương thức sản xuất truyền thống, được chuyên môn hóa và áp dụng máy móc trong tất cả các công đoạn, góp phần đưa nông sản đạt chất lượng cao, giá thành giảm và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tất nhiên, cùng với đó là nhu cầu dùng điện phục vụ sản xuất cũng sẽ tăng.

Mặt khác, việc đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, phạm vi rộng. Hơn nữa, việc xây dựng cần có vốn đầu tư lớn mà giá thành điện cho sản xuất nông nghiệp lại thấp, do đó việc đầu tư kém hiệu quả nên chưa được ngành điện quan tâm đúng mức. Vì vậy, để đảm bảo nguồn điện phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giải pháp được đưa ra trước hết phải là sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Năm 2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành đã quy định một số giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp:

Điều 22. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

1. Quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp lựa chọn các biện pháp sau đây để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

a) Áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ nhằm đạt hiệu suất năng lượng cao đối với thiết bị sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp;

b) Sử dụng thiết bị, công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nghề;

c) Loại bỏ theo lộ trình phương tiện, thiết bị, máy móc nông nghiệp, đánh bắt thủy sản có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Triển khai, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Chỉ thị số 1623/CT-BNN-CB ngày 10/6/2011 về tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện, nước trong nông nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác trong nuôi trồng thủy sản, thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững (GlobalGAP); áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý ao nuôi, sử dụng nước ngọt tiết kiệm...

Đối với các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch hằng năm và 5 năm về nhu cầu sử dụng điện và triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện năng của máy móc, thiết bị trên các dây chuyền sản xuất; đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp chung, ở mỗi địa phương tùy thuộc vào tình tình thực tế lại có những giải pháp tiết kiệm điện phù hợp riêng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, khuyến khích các hộ, trang trại chăn nuôi xây hầm biogas để tạo nguồn năng lượng sinh học sử dụng để đun nấu và chạy máy phát điện phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Xây dựng lịch bơm cấp nước, bảo đảm hoạt động đồng bộ toàn hệ thống giữa các trạm bơm nhỏ với trạm bơm lớn, chú ý theo dõi thường xuyên mực nước, tranh thủ bơm vào các giờ thấp điểm để tận dụng nguồn điện lưới.

Về giải pháp kỹ thuật: Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, tiêu tốn ít năng lượng. Chọn dây dẫn có tiết diện hợp lý, điện trở thuần nhỏ, không dùng lại dây dẫn cũ, dây gia công, hoặc dây không rõ nguồn gốc.

Các máy công tác phải lắp động cơ điện phù hợp về công suất và tốc độ vòng quay. Tùy theo yêu cầu sản xuất mà có thể lựa chọn một số thiết bị điều khiển thích hợp như hệ thống truyền động biến tần - động cơ AC, bộ biến đổi tốc độ động cơ điện một chiều và thiết bị khởi động mềm… để tiết kiệm điện năng cho cơ sở, tăng tuổi thọ của động cơ và thiết bị đi kèm.

Những động cơ công suất trung bình và lớn trong hệ thống các trạm bơm nước, quạt thông gió, băng truyền tải, máy nén khí, máy lạnh ở nhà bảo quản… có thể sử dụng thiết bị khởi động mềm nhằm giảm trị số dòng điện khi khởi động, do đó tổn thất điện năng cũng sẽ giảm.

Các máy công tác thuộc hộ gia đình như máy nghiền và trộn thức ăn chăn nuôi, máy xay xát gạo, máy tuốt đập lúa, đập lạc, máy phân loại làm sạch… cần phải thực hiện các quy trình vận hành và lắp đặt đảm bảo kỹ thuật nhằm giảm các tổn thất điện năng không đáng có.

Tuy nhiên, về lâu dài việc xây dựng mạng lưới điện nông thôn hiện đại, đồng bộ là cần thiết để phục vụ đời sống người dân, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế đất nước.

Thu Thảo - ECC Hải Phòng


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động