RSS Feed for Thách thức trong xử lý tro xỉ nhiệt điện than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 17:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thách thức trong xử lý tro xỉ nhiệt điện than

 - Dự kiến các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch, lượng tro, xỉ thải ra lên đến hàng chục triệu tấn, tạo ra những thách thức cho đất nước khi phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế. Nếu không có các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý, sử dụng thì tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao FGD trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn dẫn tới những thách thức vô cùng lớn đối với vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD là yêu cầu hiện hữu cấp thiết.

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết) 
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 1]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 2]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 4]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 5]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 6]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 7]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 8]

Thực trạng

Thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các ngành công nghiệp của nước ta đang được đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Cùng với việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, năng lượng, nhiên liệu phục vụ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp cũng làm tăng ngày càng nhiều các chất thải. Ngành nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám, sẽ thải ra khoảng từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ.

Hiện nay trên toàn quốc có 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, dự kiến sau năm 2020, cả nước có 43 nhà máy nhiệt điện. Theo tính toán sơ bộ, hiện cả nước đang tồn chứa khoảng 40 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao FGD (thạch cao được thu hồi từ khói lò đốt của các nhà máy nhiệt điện, viết tắt là thạch cao FGD - Flue Gas Desulfurization) và hàng năm thải ra khoảng trên 15 triệu tấn tro, xỉ thạch cao FGD.

Theo quy hoạch phát triển ngành điện từ nay đến năm 2030, sản lượng điện sản xuất bằng nhiệt điện sử dụng than còn tiếp tục tăng, điều này dẫn đến lượng tro, xỉ, thạch cao FGD cũng sẽ tăng thêm và tạo sức ép lên môi trường, chiếm diện tích đất ngày càng lớn để tồn chứa.

Xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD của các nhà máy nhiệt điện là một nhiệm vụ cấp bách. Nhận thức được vấn đề này, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014, về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao FGD của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (Quyết định số 1696/QĐ-TTg).

Thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg, các Bộ, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ được giao. Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đã chủ động xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD thải ra với các hình thức khác nhau. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã chủ động tích cực nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ thạch cao FGD thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bê tông.

Tuy nhiên, lượng tro, xỉ, thạch cao FGD được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Theo số liệu điều tra thực tế, tổng lượng tro xỉ, thạch cao FGD chỉ tiêu thụ được vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hàng năm. Lượng tro, xỉ được xử lý và sử dụng còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế do những nguyên nhân sau:

Chính sách trước đây không bắt buộc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, các cơ sở phát thải chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và tro, xỉ, thạch cao FGD chỉ cần lưu chứa mà không chuẩn bị để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc dùng cho các công trình xây dựng; Nhiều nhà máy nhiệt điện vùng ven biển thậm chí sử dụng nước mặn để xả thải và phun vào tro, xỉ để dập bụi, vì vậy tro, xỉ bị nhiễm mặn, không thể sử dụng để làm vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong công trình xây dựng và trở thành chất thải vĩnh viễn. Nhiều nhà máy nhiệt điện xả thải lẫn lộn làm giảm hiệu quả xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao.

Một số nhà máy thải ra tro bay có thể sử dụng ngay làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhưng ở khu vực cách xa các đơn vị có tiềm năng sử dụng tro, xỉ, thạch cao với khối lượng lớn dẫn đến mặc dù tro bay, xỉ, thạch cao đạt tiêu chuẩn sử dụng hoặc sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhưng do chi phí vận chuyển cao dẫn tới giá thành cao hơn so với khoáng sản được khai thác tại chỗ.

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải chưa đi vào thực tế, hoặc chưa có chế tài đủ mạnh, làm cho việc cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD chưa được đẩy mạnh.

Khung pháp lý

Để giải quyết những bức xúc gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, ngày 27 tháng 01 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 163/VPCP-TH về Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ, trong đó giao Bộ Xây dựng xây dựng Đề án Đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng “Đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”.

Ngày 12 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, với mục tiêu đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng tro, xỉ, thạch cao FGD được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế là do hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu. Chính vì vậy, tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai việc xây dựng việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Các tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành: TCVN 6882:2001, Phụ gia khoáng cho xi măng, áp dụng cho tro bay và tro đáy; TCVN 8825:2011, Phụ gia khoáng cho bê tông đầm lăn, áp dụng cho tro bay, tro đáy; TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa, áp dụng cho tro đáy; TCVN 4315:2007, Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng; TCVN 11586:2016, Xỉ hạt lò cao nghiền mịn cho bê tông và vữa xây dựng; TCVN 10302:2014, Phụ gia hoạt tính tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.

Ngoài các tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ, thạch cao FGD đã được ban hành, hiện nay Bộ Xây dựng đang chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật dự kiến ban hành trong năm 2017 và đầu năm 2018…

Kết luận

Thực hiện được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg, theo tính toán chúng ta có thể tiết kiệm không phải sử dụng hàng chục triệu tấn khoáng sản trong sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng công trình, góp phần to lớn vào công cuộc chống biến đổi khí hậu, tiết kiệm hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa. Quan trọng hơn cả là đã xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ sản xuất công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất điện và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

Để đạt được những mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg là đến 2020 xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ đến năm 2020 (khoảng 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD) các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các chủ nguồn thải cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014 và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017).

Đặc biệt, đối với các chủ cơ sở phát thải chịu trách nhiệm tổ chức xử lý; tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất, có trách nhiệm trả chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền thiết bị xử lý tro, xỉ thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng.

TS. ĐÀO DANH TÙNG, TS. HOÀNG HỮU TÂN                                             VIỆN VẬT LIỆU XÂY DỰNG (BỘ XÂY DỰNG)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động