RSS Feed for Phát triển điện sinh khối ở Việt Nam và những thách thức đặt ra | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 22:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển điện sinh khối ở Việt Nam và những thách thức đặt ra

 - Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) tổ chức hội thảo Nghiên cứu khả thi của hệ thống cung cấp điện theo vùng carbon thấp ở Việt Nam, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu và phương pháp tiếp cận sáng tạo liên quan đến sản phẩm điện sinh khối tại Việt Nam, đặc biệt là từ vỏ trấu.


Đánh giá của GIZ về việc tăng giá điện sinh khối của Việt Nam


Có thể thực hiện 166 dự án điện sinh khối với tổng công suất 299 MW

Nói về nghiên cứu khả thi của hệ thống cung cấp điện theo vùng carbon thấp ở Việt Nam, TS Naoaki Uchiyama đại diện Tập đoàn Fujita cho biết, Việt Nam đã có nhiều công nghệ phát điện có công suất 20% nhưng phải có nhà máy rất lớn; và đã cân nhắc những dự án phát triển điện trấu bằng đốt trực tiếp hoặc gas hóa nhưng công suất phát điện thấp. Riêng công nghệ phát điện trong nghiên cứu này tuy chỉ phát khoảng 20 MW nhưng đạt hiệu suất cao, tham gia đóng góp cho khu vực kinh tế nông nghiệp. Ví dụ như Nhà máy phát điện trấu ở Myanmar hoạt động 24 giờ/ngày trong 330 ngày/năm, có công suất đạt 1.816 kW, nhưng có thể bán đến 1.615 kW.

Toàn cảnh hội thảo.

Dự án phát điện trấu đầu tiên ở Việt Nam là tại tỉnh An Giang do Công ty TNHH Hiệp Tài liên doanh với công ty Nhật, được Chính phủ Nhật tài trợ, hỗ trợ tài chính 50% các trang thiết bị công nghệ, có hai tổ máy phát 3,6 MW, mỗi ngày cần 110,4 tấn trấu, chiếm 55% trấu mà Công ty Hiệp Tài. Để được nhận hỗ trợ tài chính, Công ty Hiệp Tài phải ký hợp đồng cung cấp trấu dài hạn và bảo đảm phát thải CO2 của dự án phải giảm 50%.

Trấu là nguồn nguyên liệu nền tảng ở Việt Nam. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, Việt Nam có khả năng thực hiện 166 dự án với tổng công suất 299 MW; trong đó đồng bằng sông Hồng khoảng 23 dự án với công suất 41 MW và đồng bằng sông Cửu Long là 93 dự án với công suất 167 MW. Hai mô hình có thể thực hiện là: Nhà nước xây dựng Khu công nghiệp tập trung các nhà máy xay xát; và xây dựng hệ thống vận chuyển nguyên liệu trấu đến nhà máy phát điện để phát điện sạch và tạo ra năng lượng tái tạo sạch.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Huy (Công ty Green Energy), TS Uchiyama cho biết nhà máy phát điện trấu có quy mô nhỏ so với các hình thức nhà máy phát điện khác. Nhà máy có công suất 3,6 kW thì có tổng vốn đầu tư khoảng 9 triệu USD, chưa tính đến hỗ trợ của Chính phủ; dù không có nguồn thu khác nhưng nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong 8-9 năm theo giá bán điện hiện hành của Việt Nam. Do đó, đây là một mô hình khả thi; trường hợp được hỗ trợ 50% tài chính thì tính khả thi của dự án càng cao hơn.

Cần nguồn cung bền vững và kỹ sư về điện sinh khối

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu của EVNNLDC, công suất nguồn điện trong cả nước năm 2019 là 55.367 MW, điện năng thương phẩm là 240.101.000 MWh. Và theo kết quả điều tra và ước tính của nhóm nghiên cứu Viện Năng lượng (năm 2020), công suất lắp đặt là 522,27 MW với điện năng thương phẩm là 346.999 MWh. Qua đó, cho thấy điện sinh khối chiếm tỷ lệ công suất lắp đặt và tỷ lệ điện năng thương phẩm còn rất thấp, chỉ là 0,94% và 0,14%.

Một điều đáng quan tâm là Việt Nam có nguồn năng lượng sinh khối rất tiềm năng cho việc khai thác sản xuất điện trong khi nhu cầu năng lượng và điện của nước ta là rất lớn. Hơn nữa, năng lượng nói chung và điện sinh khối nói riêng đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất quan tâm.

Cụ thể như, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam theo Quyết định số 2068 ngày 25 tháng 11 năm 2015; Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó xem sinh khối và khí sinh học là một trong những phương án nhằm giảm phát thải khí nhà kính; Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích năng lượng công nghiệp xanh, phát triển công nghệ carbon thấp (chuyển rác thành năng lượng). Đặc biệt là đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối; đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện khí sinh học…

Tuy nhiên, vẫn còn có không ít khó khăn, thách thức như: Khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu, khả năng cung cấp nhiên liệu cho nhà máy thiếu tính ổn định và bền vững, giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ; vốn đầu tư ban đầu khá lớn; quy mô phân tán nhỏ lẻ (trừ các nhà máy đường); Cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng sinh khối; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu chưa đủ tin cậy… Đặc biệt là các nhà đầu tư các dự án sinh khối cho rằng giá mua điện sinh khối hiện nay vẫn chưa như kỳ vọng; điều này có thể tác động đến quyết định đầu tư các dự án sinh khối.

Theo ông Đào Quốc Phong (Công ty Môi trường Thành Lập - TP. HCM), nghiên cứu ở nhiều quốc gia cho thấy nếu mua trấu từ nước ngoài về thì nguồn cung khó lâu dài được, tốt nhất là thực hiện liên doanh. Tuy nhiên, một công ty độc lập vẫn có thể thực hiện dự án sản xuất điện sinh khối nếu tự có nguồn ổn định.

Vì thế, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cùng với việc nhìn nhận hợp lý hơn đối với giá mua điện sinh khối, cần có chính sách hỗ trợ về nguồn nguyên liệu theo từng địa phương và quan tâm đào tạo kỹ sư về điện sinh khối vì những nhà máy điện có quy mô nhỏ cần số lượng lớn các kỹ sư chuyên ngành.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển

Về tạo thuận lợi cho phát triển điện sinh khối, ông Lê Công Doanh - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh khối, như ưu đãi về đất đai để triển khai các dự án; hợp đồng mua điện lâu dài trong vòng 20 năm, mua tính bằng USD (nhưng bán thì tính bằng Việt Nam đồng)…

Trước đây, theo Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, giá mua điện chưa có thuế VAT tính theo chi phí tránh được, ở các miền Bắc, Trung, Nam lần lượt là 7,55 UScents/kWh, 7,35 UScents/kWh và 7,45 UScents/kWh.

Đến ngày 5 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg, theo đó, giá mua điện chưa tính thuế VAT cơ chế hỗ trợ giá trực tiếp, cao hơn và lên mức 8,47 UScents/kWh, tạo nhiều thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.

Một điều có lẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư các dự án sinh khối là các dự án thường có khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Do đó, các công ty nên cân nhắc vấn đề này khi đầu tư dù là dự án nhỏ hay lớn.

Về quy hoạch các nguồn năng lượng, ông Lê Công Doanh cho biết, Cục đã xây dựng Tổng sơ đồ điện 8 trình Bộ Công Thương, đến cuối tháng 12/2020 sẽ trình Thủ tướng Chính Phủ xét duyệt và sau khi được phê duyệt, sẽ thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Quan trọng là sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Các chính sách có liên quan đến năng lượng sinh khối có thể kể như: Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo trong thời kỳ chuyển từ cơ chế giá FIT (áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo bán lên hoặc sử dung tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện quốc gia) sang cơ chế đấu thầu; phát triển các quy tắc kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với những thiết bị chính yếu để phát năng lượng; nghiên cứu cơ chế đầu tư xã hội hóa trong hệ thống chuyển giao nhằm phát triển các dự án nghiên cứu năng lượng../.

AN AN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động