RSS Feed for Nhu cầu làm mát và tác động nóng lên toàn cầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 11:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu làm mát và tác động nóng lên toàn cầu

 - Trái đất đang nóng lên, trong khi đời sống của con người ngày càng được cải thiện là những điều kiện khiến cho máy điều hòa nhiệt độ không còn là món hàng quá xa xỉ đối với nhu cầu làm mát. Như một vòng luẩn quẩn, điều này đang tác động trở lại tới khí hậu, đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu.

ANH ĐỨC

Nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng

Theo ước tính, việc sử dụng máy lạnh trong sinh hoạt, trong công nghiệp và thương mại trên toàn thế giới hiện tiêu tốn ít nhất một nghìn tỷ kWh điện mỗi năm.

Riêng ở Hoa Kỳ, điện năng phục vụ làm mát đã tốn nhiều hơn tổng lượng điện mà hàng tỷ người dân châu Phi sử dụng cho cuộc sống của họ.

Trung Quốc cũng đang bám sát Hoa Kỳ với dự báo sẽ trở thành nước tiêu thụ điện năng lớn nhất cho nhu cầu làm mát vào năm 2020.

Tiếp theo là Ấn Độ với khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ điện ở thủ đô Mumbai dành riêng cho nhu cầu làm mát.

Khu vực Trung Đông là nơi chịu ảnh hưởng khá mạnh của biến đổi khí hậu nên nhu cầu làm mát có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.

Và điều hiển nhiên là với tình trạng mùa hè cứ tiếp tục nóng như hiện nay thì nhu cầu “hạ nhiệt” vẫn sẽ tiếp tục tăng trên phạm vi toàn cầu.

Theo ước tính, năng lượng tái tạo hiện cung cấp khoảng 750 triệu kWh - đáp ứng 3/4 nhu cầu làm mát toàn cầu. Ủy ban Năng lượng Quốc tế dự báo rằng năng lượng tái tạo có thể tăng thêm 6 lần vào năm 2050. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt tới mức đó, các nguồn tái tạo cũng vẫn chỉ thỏa mãn được 3/4 nhu cầu làm mát.

Chính vì vậy, việc đáp ứng điện năng cho nhu cầu làm mát sẽ tác động trở lại đến sự nóng lên của trái đất.

Những hệ lụy không mong muốn

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu thụ năng lượng để làm mát sẽ tăng khoảng 10 lần vào năm 2050, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn cho khí hậu. Theo tính toán, việc sử dụng máy điều hòa trong các tòa nhà và phương tiện giao thông ngày nay đã thải ra tới gần nửa triệu tấn CO2 mỗi năm.

Và nếu lượng tiêu thụ điện năng toàn cầu cho việc làm mát tăng lên ngưỡng 10 nghìn tỷ kWh mỗi năm - tương đương một nửa tổng nguồn cung điện năng ở thời điểm hiện tại thì biến đổi khí hậu sẽ thực sự trở nên tồi tệ.

Những nỗ lực để tăng khả năng cung ứng điện nhằm đáp ứng nhu cầu làm lạnh còn có thể gây ra những xáo trộn sinh thái nghiêm trọng và khiến hàng triệu người dân nông thôn ở Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil hay các nước khác phải mất nơi cư trú do phát triển thủy điện. Từ đó nảy sinh viễn cảnh phát triển điện hạt nhân - một hướng đi còn đang gây nhiều tranh cãi, nhất là sau thảm họa tại nhà máy Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Trở lại với những chiếc máy lạnh đang được ưa chuộng. Thành phần quan trọng nhất để sản xuất ra một chiếc máy lạnh chính là chất làm lạnh lại có tác động lớn khi phát thải ra môi trường. Hiện nay, chất làm lạnh thế hệ mới nhất được biết đến là HFCs (hydrofluorocarbons). Khí này có ít tác động hơn tới biến đổi khí hậu so với những chất mà nó thay thế, song vẫn chứa lượng lớn khí CO2, một chất có tác động lớn đến sự nóng lên toàn cầu.

Theo một dự báo của các nhà nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Môi trường Cộng đồng Quốc gia Hà Lan, những chất làm lạnh sẽ tích lũy trong bầu khí quyển từ giờ cho đến năm 2050 và sẽ góp khoảng 14 - 27% vào sự ấm lên do các hoạt động phát thải CO2 của con người.

Chúng ta có thể làm gì?

Trong suốt nửa thế kỷ qua, người ta chỉ tập trung vào xây dựng những công trình có thiết kế ít thông gió tự nhiên hoặc không có mấy tác dụng thông gió. Kết quả là người dân phải phụ thuộc vào những công nghệ làm mát - thứ có thể rút ngắn cuộc sống của chúng ta bởi những sóng nhiệt được tạo ra có ảnh hưởng không tốt và lâu dài đối với sức khỏe.

Trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào muốn giảm sự phụ thuộc vào máy lạnh đều vấp phải những khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, các quốc gia cũng đã nỗ lực để giữ ổn định mức đỉnh về nhu cầu năng lượng. Trong mùa hè này, Ấn Độ đã giảm được 17 GW nhờ cắt điện, khoảng 16 giờ mỗi ngày tại một số khu vực. Trong khi đó, nhờ đóng cửa các nhà máy và phân bổ năng lượng hợp lý mà Trung Quốc giảm được từ 30 - 40 GW.

Hiện nay, những nỗ lực nhằm phát triển các phương pháp ít tốn năng lượng vẫn đang được tiến hành. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Iran, Namibia và một số quốc gia khác, người ta kết hợp các công nghệ truyền thống (như cối xay gió và máy hơi nước) với những thiết kế mới có kiến trúc thông thoáng. Tiến xa hơn, người ta sử dụng năng lượng mặt trời để làm mát không khí trong nhà, dù đây vẫn là một giải pháp xa xỉ.

Cho dù con người có đi theo hướng nào để thích nghi với một hành tinh nóng hơn: chế tạo những chiếc máy điều hòa hiệu quả hơn, thiết chặt quy định xây dựng, theo đuổi năng lượng tái tạo, thủy điện hay điện hạt nhân, xây dựng lại một xã hội không điều hòa… cũng đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, lựa chọn một chiến lược tốt nhất và sớm nhất là điều vô cùng quan trọng.

(Nguồn: Thiennhien.net/ Yale Environment)

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động