RSS Feed for Khởi động dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khởi động dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp

 - Ngày 5/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam”.

Khởi động Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018
Năng lượng Việt Nam và vấn đề phát triển bền vững

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18 tháng 3 năm 2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Cũng theo kịch bản này thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 45.000 MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trong bối cảnh hiện nay, khi mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân; các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết; tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong ngay thời gian trước mắt.

Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực liên tục để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, bắt đầu từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2006 đến năm 2010 và giai đoạn 2 từ năm 2011 đến năm 2015. Để thể chế hóa chính sách của Nhà nước về thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội khóa 12 thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2011. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Luật cũng đã và đang được xây dựng, kiện toàn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình, hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu năng lượng là một trong những giải pháp có lợi nhất về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, giúp đối phó với việc tăng giá và giảm chi phí cho người sử dụng năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm đáng kể nhu cầu năng lượng ngày càng cao với chi phí chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí đầu tư thêm nguồn cung cấp năng lượng mới.

Việt Nam hiện nay vẫn còn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp là một trong những yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới.

Nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng dự án hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm, Dự án: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam”.

“Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi và bền vững để các doanh nghiệp công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Hội thảo khởi động dự án ngày hôm nay là một cơ hội tốt để Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới công bố chính thức về việc khởi động dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam” tới các doanh nghiệp công nghiệp, ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hội thảo cũng sẽ cung cấp cho các quý vị những thông tin tổng quan về dự án, những hoạt động, quy định, thủ tục trong quá trình triển khai. Chúng tôi tin rằng việc triển khai thực hiện dự án này sẽ giúp cung cấp một nguồn tài chính tin cậy, ổn định và ưu đãi tới các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) để thực hiện các dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và mong muốn dự án nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các tổ chức, các nhân có liên quan.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Ngành năng lượng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do nguồn năng lượng trong nước hạn chế và nhu cầu sử dụng điện cao từ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, việc thực hiện và thúc đẩy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và tránh phải đầu tư vào các nhà máy điện than mới.

Toàn cảnh hội thảo.

Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí 158 triệu USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế là 100 triệu USD để hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD vốn vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. Dự án đã chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/2017 và sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2022.

Mục tiêu của dự án là cải thiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, sẵn sàng triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.

Dự án có hai hợp phần chính: Hợp phần 1 bao gồm một chương trình cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng trị giá khoảng 156 triệu USD thực hiện trong vòng 10 năm trong đó 100 triệu USD là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế; 56 triệu USD là phần vốn đóng góp của các ngân hàng thương mại và vốn chủ sở hữu của những doanh nghiệp cho các tiểu dự án thành phần.

Hợp phần 2 là hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, sẽ hỗ trợ thực hiện các công tác đánh giá, giám sát dự án; kiểm toán các tiểu dự án vay vốn đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp; tư vấn đánh giá thực hiện chính sách môi trường và xã hội của dự án.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động