RSS Feed for Giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 16:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp tiết kiệm điện trong sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng

 - Hiện thế giới đang đứng trước hai nguy cơ lớn, đó là thiếu hụt năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu do sử dụng năng lượng hóa thạch quá mức. Trong đó, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu.

 

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và vô hạn nhất
trong các nguồn năng lượng mà chúng ta được biết.

Theo cơ quan năng lượng quốc tế, nếu thế giới tiếp tục giữ mức tiệu thụ như hiện nay thì nhu cầu năng lượng sẽ tăng 30% vào năm 2030. Riêng Việt Nam do tình trạng thiếu hụt điện kéo dài làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, với tốc độ gia tăng về nhu cầu cùng tình trạng sử dụng điện còn lãng phí như hiện nay thì việc thiếu điện là khó tránh khỏi trong tương lai.

 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung thì nguồn năng lượng chủ yếu là xăng dầu và điện. Trong tình hình giá xăng dầu thế giới không ổn định, biến động theo hướng ngày càng gia tăng, giá điện theo lộ trình sẽ tăng trong những năm tiếp theo, thì vấn đề tiết giảm chi phí từ các nguồn năng lượng đang là bài toán khó đặt ra không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn là sử dụng điện trong sinh hoạt.

Theo ông Huỳnh Kim Tước- Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ 10 đến 14% năng lượng hàng năm chúng ta phải chi hơn 8 tỉ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành điện, tuy nhiên vẫn phải nhập khẩu thêm một lượng điện rất lớn từ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Hiện nay, để tiết giảm chi phí từ việc sử dụng nguồn năng lượng này, một số doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi các thiết bị máy móc hiện đại nhằm tiết kiệm nguồn năng lượng tiêu hao trong quá trình sản xuất. Mặt khác, các doanh nghiệp này ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm tái tạo nguồn năng lượng dư thừa hoặc tìm nguồn năng lượng thay thế nhưng thân thiện với môi trường.

Giải pháp sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, sức gió…đang là giải pháp hàng đầu cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu. ông Huỳnh Kim Tước- Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM đã đưa ra minh chứng cho giải pháp tiết kiệm năng lượng bằng sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời: "Khi chúng ta mua một cái điều hòa không khí về sử dụng thì tiền mua máy chiếm 4% trong vòng đời của máy, 1% là chi phí bảo trì và 95% là chúng ta trả cho tiền điện. Tương tự, nếu chúng ta mua một máy nước nóng, thì chi phí tiền điện mà chúng ta trả trong vòng đời cho một máy nước nóng chiếm rất cao so với tiền mua ban đầu. Trong khi đó, nếu mua một máy nước nóng mặt trời thì trong vòng 10 năm hay 20 năm chúng ta không phải trả tiền điện mà tiền điện càng ngày càng gia tăng".

Theo trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố, quản lý nhu cầu điện là tập hợp các giải pháp kỹ thuật- công nghệ- kinh tế- xã hội nhằm kiểm soát nhu cầu điện và giúp đỡ các doanh nghiệp sử dụng điện năng một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Mục tiêu sắp tới cho việc tiết kiệm năng lượng và chuyển giao công nghệ cũng như việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố sẽ nhắm đến đối tượng chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cá thể hộ gia đình. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí dư thừa của việc sử dụng năng lượng, mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay để ứng dụng nguồn năng lượng sạch này là chi phí cho đầu tư ban đầu, đó cũng là thách thức về mặt thị trường. Ông Nguyễn Mạnh Cường- Tổng giám đốc, Công ty cổ phần năng lượng mặt trời Bách Khoa, cho biết: "Giá thành của máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng như các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng năng lượng mặt trời hiện tại ở VN rất cao. Máy nước nóng năng lượng mặt trời đã cao, điện năng lượng mặt trời có chi phí còn cao hơn rất nhiều lần, đó cũng là rào cản để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư năng lượng mặt trời trong ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất của mình".

Theo đánh giá chương trình tiết kiệm năng lượng của cả nước, hầu hết các doanh nghiệp đã ý thức được vấn đề này. Tuy nhiên, khối kinh doanh cá thể, hộ gia đình vẫn chưa chú trọng đến vấn đề tiết giảm năng lượng, cụ thể là điện năng trong sử dụng.

Theo xu hướng hiện nay, ngành chiếu sáng đang bước vào giai đoạn thay đổi quan trọng, đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ led, mở ra cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Đây là công nghệ mới trong chiếu sáng, ít tiêu hao điện năng và đảm bảo đủ độ sáng, mang tính thẩm mỹ cao. Ông Lê Quốc Thuận, trưởng phòng quản lý chiếu sáng chuyên dụng- Philips Việt Nam, cho biết: Theo nghiên cứu của Philips Việt Nam thì đến khoảng năm 2015 các giải pháp liên quan đến chiếu sáng dùng công nghệ led chiếm gần 50% và đến khoảng năm 2020 thị phần dành cho led có thể chiếm đến 75-80%. 

Trong công nghệ chiếu sáng bằng đèn led, người tiêu dùng có thể tiết kiệm hơn 80% chi phí so với sản phẩm chiếu sáng thông thường như hiện nay (ảnh: usatoday)

Chiến lược đơn giản đầu tiên là thay đổi bóng đèn công nghệ cũ bằng công nghệ mới như led, giúp chúng ta tiết kiệm được đến 80% điện năng. Hoặc đơn giản chúng ta đổi từ một tăng phô cơ, tăng phô cuộn dây sang tăng phô điện tử sẽ tiết kiệm được 30% tùy từng công nghệ.

 

Tuy công nghệ chiếu sáng này hiện nay chỉ ứng dụng một phần nhỏ trong sinh hoạt, phân xưởng, văn phòng…nhưng với tốc độ phát triển công nghệ và lộ trình tăng giá điện, chắc chắn tư duy người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ thay đổi trong tương lai. "Hiện nay các nước tiên tiến đang đẩy mạnh kế hoạch chiếu sáng công nghệ led và dự tính đến năm 2020, 50% chiếu sáng là đèn led, đèn led đang dần dần phát triển với lưu men phát quang ngày càng cao trên 110 lưu men/W, tuổi thọ cao, trên 50 ngàn giờ. Hầu hết các sản phẩm led có thời gian thu hồi vốn dưới 3 năm", ông Lê Minh Toàn- trưởng phòng kinh doanh công ty công nghệ led Ánh Sáng Mới, cho biết.

Xu hướng tìm nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường luôn là vấn đề quan tâm của các nhà sản xuất. Đây không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn là vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia vốn đang dần cạn kiệt.

Một ước tính nhỏ trong chương trình hỗ trợ máy nước nóng năng lượng mặt trời của tổng công ty điện lực thành phố cho thấy, với 30.000 máy nước nóng năng lượng mặt trời, dung tích trung bình 180 lít được đưa vào sử dụng sẽ giúp tiết giảm khoảng 57 triệu KWh điện/năm, tương đương giảm khoảng 4.900 tấn TOE ( tấn dầu quy đổi/năm), tương đương giảm phát thải khoảng 23.500 tấn CO2 ra môi trường hàng năm. Và trong công nghệ chiếu sáng bằng đèn led, người tiêu dùng có thể tiết kiệm hơn 80% chi phí so với sản phẩm chiếu sáng thông thường như hiện nay.

Nguồn: VOH

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động