RSS Feed for Biến đổi khí hậu và hành động của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 02:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Biến đổi khí hậu và hành động của Việt Nam

 - Chiến dịch Giờ Trái Đất 2016 đã đồng loạt được tổ chức từ 20h30 đến 21h30 ngày 19/3 trên cả nước, đây là cơ hội để mọi người dân và doanh nghiệp có thêm những hành động phù hợp cho một tương lai năng lượng bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.

Giờ Trái đất 2016: Hà Nội cùng cả nước tắt đèn

Nhu cầu điện vẫn tăng

Là một nền kinh tế mới nổi, nhu cầu điện năng ở Việt Nam đã được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể trong giai đoạn tiếp theo từ 2010 tới 2030. Tăng trưởng kinh tế cao dẫn tới gia tăng nhu cầu sử dụng điện. Giai đoạn 2001 - 2010, sản lượng điện (bao gồm cả điện nhập khẩu) đã tăng từ 31,13 tỷ KWh lên 100 tỷ KWh; điện thương phẩm từ 25,8 tỷ KWh lên 86,8 tỷ KWh và công suất lắp đặt tăng từ 7.872 MW to 21.542 MW tương đương tỷ lệ tăng trung bình năm tương ứng là 13,8%, 14,4% và 12%.

Ngân hàng Thế giới (WB), trong một nghiên cứu năm 2013 liên quan đến chỉ số tăng trưởng, đã so sánh cường độ năng lượng của 3 nhóm quốc gia gồm: các quốc gia thu nhập cao; thu nhập trung bình; và thu nhập thấp. Nhóm các nước thu nhập cao như Mỹ và Nhật sử dụng năng lượng rất hiệu quả và có xu hướng cải thiện tốt hơn trong tương lai. Nhóm nước thu nhập trung bình, cường độ năng lượng có xu hướng tăng ban đầu nhưng sau đó giảm dần. Ngược lại, các nước có thu nhập thấp (dưới 1.000 USD trên đầu người) có xu hướng giảm sau một giai đoạn tăng. Riêng Việt Nam tăng rất nhanh theo một quy luật riêng, không giống nước nào, không trùng với số liệu quá khứ của các nước. Điều đó có nghĩa là việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam rất lãng phí và kém hiệu quả.

So sánh nhu cầu điện của Việt Nam với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, theo WB, năm 2030, GDP trên đầu người của Việt Nam tương đương với Thái Lan năm 2010 nhưng tiêu thụ điện lại cao gấp 3 lần. Tương tự khi so sánh với Malaysia, GDP đầu người của Việt Nam năm 2030 tương đương với Malaysia năm 1990 nhưng tiêu thụ điện gấp hơn 6 lần. Điện tiêu thụ theo đầu người ở Việt Nam năm 2010 tương đương với Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, theo dự báo năm 2030, tiêu thụ điện của Việt Nam cao gấp 2 lần so với của Trung Quốc năm 2010 (mức GDP trên một đầu người năm 2010 của quốc gia này tương đương của Việt Nam năm 2030). 

Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước, tương đương 11- 17 triệu TOE. Đến nay đã có 585 nhiệm vụ, dự án đã được triển khai. Hơn 100 tòa nhà đã được Bộ Công Thương vinh danh thông qua cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Trên 700.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời đang được sử dụng, giúp tiết kiệm khoảng 1 tỷ kWh tương đương 1.600 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho gần 700 doanh nghiệp. Đặc biệt, trên 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm đã được Bộ Công Thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Chương trình dán nhãn năng lượng đã triển khai thành công, tạo được thói quen tiêu dùng, mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Ước tính, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011- 2015 đạt xấp xỉ 6,0% tổng tiêu thụ năng lượng. Hệ số đàn hồi điện/GDP bình quân năm 2011 - 2015 của Việt Nam là 1,85 cao gấp đôi so với các nước trong khu vực Châu Á (hệ số đàn hồi điện bình quân của các nước ThaiLand, Malaysia, Philipines, Indonesia, Singapore là 0,97). Để thực hiện được chiến lược của Chính phủ Việt Nam là tới năm 2020 sẽ giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,0 (theo quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030), nước ta cần có nhiều hành động thiết thực và quyết liệt hơn nữa.

Chỉ tiêu thấp hơn tiềm năng  

Nước ta có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và chương trình mục tiêu quốc gia nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới chỉ được coi như giải pháp khuyến khích, chưa bắt buộc đưa vào kế hoạch, do đó dẫn đến dự báo nhu cầu điện cao và tiếp tục tăng công suất phát điện mới để đáp ứng nhu cầu điện. Thực tế, nếu giảm được nhu cầu này do sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng sẽ giảm được xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện đốt than, giảm nhiều chi phí đầu tư, nhập khẩu than, giảm phát thải khí nhà kính, giảm áp lực môi trường, đảm bảo nâng cao an ninh năng lượng.

Quy hoạch điện VII đặt ưu tiên vào mục tiêu phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm trong việc đáp ứng nhu cầu điện. Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), quan niệm “các tác động về môi trường và xã hội do phát triển điện là không thể tránh khỏi” trong Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của Quy hoạch điện VII cho thấy rõ ưu tiên trên. Điều này thể hiện trong phương án lựa chọn tỷ trọng điện than chiếm 56% trong tổng sản lượng điện vào năm 2030. Sự lựa chọn này gây áp lực lớn đối với môi trường an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. 

Quy hoạch điện VII đặt ra chỉ tiêu đối với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn thấp (từ 1 - 3 %/năm), trong khi tiềm năng trong mảng này còn khá lớn. Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả điện năng chỉ là khuyến khích, chưa đưa vào kế hoạch hóa, do đó dự báo nhu cầu điện năng còn quá cao. Nếu giảm được nhu cầu này do tiết kiệm điện năng sử dụng sẽ giảm được việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than. Điều này đồng nghĩa với giảm nhiều chi phí đầu tư, giảm nhập khẩu than, giảm phát thải khí nhà kính, giảm áp lực môi trường và nâng cao an ninh năng lượng.

Việc ước tính tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong Quy hoạch điện VII thấp hơn so với tiềm năng thực tế, bởi chỉ dõi theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả của Bộ Công thương. Theo đó, mục tiêu của chương trình này là tiết kiệm từ 3%-5% từ 2006-2010 và từ 5%-8% từ 2012-2015 tương đương với 11 triệu đến 17 triệu toe dầu quy đổi. Dựa vào mục tiêu này trong QHĐ VII, Bộ Công Thương ước tính tiềm năng tiết kiệm được lựa chọn từ 1%/năm đến 3%/năm tùy theo từng ngành và tổng tiết kiệm trong giai đoạn 2011-2020 là 8%-10% (ước tính khoảng 207 tỷ KWh trong 10 năm). Trong khi đó, tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ước tính cao hơn nhiều so với Quy hoạch điện VII. Theo một nghiên cứu của ADB, tiềm năng tiết kiệm cả phía cầu và phía cung lần lượt là 14,3 tỷ KWh/năm và 4,1 tỷ KWh/năm vào năm 2015; 58 tỷ KWh/năm và 17,1 tỷ KWh/năm vào năm 2025. Như vậy, rõ ràng rằng tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam là khá lớn.   

Quy hoạch điện không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh mà cần phải đưa ra định hướng để sao cho nền kinh tế, các ngành phải đổi mới công nghệ và quản lý tốt đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Bà Ngụy Thị khanh, Giám đốc GreenID cho rằng, cần thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tập trung phát triển các ngành sử dụng hiệu quả năng lượng, hạn chế những ngành sử dụng nhiều năng lượng, hiệu quả kinh tế thấp  thay vì cố gắng đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản về biến đổi khí hậu, cuối thế kỷ này, tức là năm 2100 thì nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C và mực nước biển có thể cao lên khoảng 1m so với giai đoạn 1980 đến 1999. Nếu nước biển tăng lên cao 1m, tình trạng ngập úng sẽ diễn ra trên diện rộng. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến 39% diện tích, thành phố Hồ Chí sẽ ngập khoảng 20% diện tích, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có biển ngập khoảng 10%, các tỉnh miền Trung khoảng 3%. 10% dân số Việt Nam cũng sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. “Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030”, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp. 

Với phương châm “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, Chiến dịch Giờ Trái Đất 2016, đã phát đi thông điệp: Mỗi người dân Việt Nam hãy bảo vệ môi trường bắt đầu từ những hành động nhỏ, mọi lúc, mọi nơi như (tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng nguồn nước, năng lượng, điện một cách hiệu quả và tiết kiệm…). Hãy chung tay tiết kiệm điện, cùng nhau bảo vệ môi trường.

Thống kê từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, trong 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất 2016, Việt Nam đã tiết kiệm được 451 MW tương đương 451000 kWh điện, tiết kiệm được 731,544 triệu đồng.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động