RSS Feed for Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung:  Mốc son của ngành cơ khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 00:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung: Mốc son của ngành cơ khí Việt Nam

 - Với việc nghiên cứu, sản xuất thành công các thiết bị nâng hạ từ 5 - 1.200 tấn dùng trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thủy điện, đóng tàu… Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) đã tạo nên những kỳ tích trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam.


 



Lập nghiệp bằng cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy sau khi đã làm tròn nghĩa vụ quân sự với Nhà nước, vốn có chút năng khiếu, anh Nguyễn Tăng Cường bắt đầu mày mò sửa chữa, chế tạo xi lanh, đầu bò của những chiếc xe cũ được bán với giá rẻ. Sản phẩm của anh làm ra nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Năm 1989, Nguyễn Tăng Cường quyết định thành lập một tổ hợp sản xuất. Sau khi có chút vốn liếng, ông Cường nâng cấp lên thành xưởng cơ khí và đến năm 1991, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung ra đời.

Những năm đó, toàn bộ thiết bị tự nâng (bao gồm cầu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu bánh xích, cẩu bánh lốp...) đều phải nhập từ nước ngoài với giá thành cao. Trong khi ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước luôn thiếu việc làm, một lượng lớn những người có trình độ, tay nghề phải tìm nghề “tay trái” để mưu sinh. Thực tế đó đã khiến Nguyễn Tăng Cường trăn trở biết bao đêm. Sẵn máu đam mê nghề cơ khí, ông đã vượt lên mọi khó khăn, biến ước mơ thành sự thật và đã thành công.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia chế tạo cần cẩu, Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường cho biết: Thời kỳ đầu, xí nghiệp sản xuất ra cần cẩu bán không ai mua. Để mọi người tin, mua hàng của mình, anh quyết định mạo hiểm bán chịu cần cẩu cho những ai có nhu cầu. Nhờ chất lượng tốt, giá rẻ, tốc độ làm nhanh, bảo hành thời gian dài, sản phẩm của xí nghiệp dần chiếm được lòng tin của thị trường.

Để mọi người, đặc biệt là giới khoa học, thấy được tính ưu việt của các sản phẩm do xí nghiệp sản xuất, Nguyễn Tăng Cường đã chứng minh bằng 5 giải pháp để chế tạo được các loại cần cẩu gồm: Nghiên cứu thiết kế chế tạo hộp số hành tinh; chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế; bộ điều khiển động cơ lồng sóc kiểu biến tần; dự ứng lực cho các sản phẩm kết cấu và công nghệ đúc chính xác trong chân không.

Áp dụng thành công 5 giải pháp trên, cơ khí Quang Trung đã nội địa hóa 90% các sản phẩm… Từ chỗ chuyên cung cấp phụ tùng như: Bi đạn, tấm lót và các sản phẩm cơ khí luyện kim cho các nhà máy xi măng, đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã chế tạo được khoảng 50 chủng loại cẩu, bao gồm: cẩu trục, cổng trục, cẩu chân đế, cẩu tháp...

Có thể nói, việc chế tạo thành công các thiết bị nâng hạ không chỉ mở hướng đi mới cho cơ khí Quang Trung mà còn mở ra một trang mới cho ngành cơ khí Việt Nam: tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước do không phải nhập khẩu.

Đặc biệt, thành công của việc chế tạo vành mâm xoay cho cần cẩu chân đế khiến giới khoa học ngỡ ngàng. Các nhà khoa học thừa nhận, ở Việt Nam, muốn chế tạo vành mâm xoay cho cần cẩu chân đế phải đầu tư kinh phí hàng nghìn tỷ đồng và chẳng ai dám làm, nhưng Nguyễn Tăng Cường đã làm, và chỉ tốn vài chục tỷ đồng.

Ghi dấu trên trên những công trình

Mấy năm gần đây, Xí nghiệp cơ khí Quang trung đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn với gần 1.500 cán bộ, công nhân. Trong đó 26% là trình độ đại học và kỹ sư, 36% là công nhân bậc cao, còn lại là thợ từ bậc 3/7 trở lên và lao động phổ thông.

Hàng năm, xí nghiệp cung cấp hàng nghìn tấn thiết bị và hàng trăm chiếc cẩu (cầu trục, cổng trục, cần cầu tháp, cẩu chân đế, cẩu container…) cho các ngành công nghiệp trong cả nước, như: Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Xi măng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… Những sản phẩm do xí nghiệp sản xuất giá rẻ hơn so với châu Âu từ 40 - 45% và so với Trung Quốc rẻ hơn 10%....

Đến thời điểm này, trong lĩnh vực sản xuất cần cẩu ở Việt Nam, Anh hùng lao động Nguyễn Tăng Cường tự hào vì anh không có “đối thủ”. 9 trong số 12 chủng loại cần cẩu của anh sản xuất đều do xí nghiệp làm chủ công nghệ. Trong đó loại lớn nhất 1.200 tấn. Sắp tới, anh còn đảm nhận làm cẩu nổi 3.000 tấn cho ngành dầu khí.

Còn nhớ, năm 2006, giới khoa học trong nước “giật mình” khi Nguyễn Tăng Cường dám đứng ra nhận sản xuất, chuyển giao công nghệ cầu trục sức nâng 500 tấn cho thủy điện.

Sự việc bắt đầu khi Thủy điện Sê San 3 có nguy cơ phải trả lãi vay quá hạn hàng trăm tỷ đồng do đối tác nước ngoài giao hàng chậm hơn một năm rưỡi. Khi đó, ông Nguyễn Tăng Cường nhận thiết kế, chế tạo, lắp ráp, chạy không tải, có tải, hướng dẫn vận hành cầu trục sức nâng 500 tấn trong vòng 2 tháng 13 ngày! Ngày cẩu thành công Roto nặng 500 tấn với khe hở mỗi bên khoảng cách 10 ly từ Ninh Bình vào thao tác an toàn, chính xác dưới sự chứng kiến của các chuyên gia, các đơn vị tham gia thi công, không khí vui như ngày - ông Cường nhớ lại. Niềm vui lớn hơn là sự kiện đó đã chứng minh Việt Nam có thể chế tạo được cần cẩu. Đặc biệt, việc chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế khiến giới khoa học ngỡ ngàng…

Chưa dừng lại ở đó, giới chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí lại một lần “sốc” khi Nguyễn Tăng Cường tuyên bố nhận lắp đặt cần cẩu hạng nặng 350 tấn cho công trình Thủy điện Sơn La trong điều kiện khe hẹp, thủy điện vẫn thi công bình thường!

Theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp công nghệ kỹ thuật của ông Nguyễn Tăng Cường là hết sức độc đáo và chưa ai dám làm. Trong điều kiện nguy hiểm, cao độ thấp, khe hẹp, mặt bằng và hiện trạng thi công thay đổi liên tục…,“cẩu chân què” của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung như chiếc “chìa khóa thông minh” hóa giải những khó khăn, đưa các thiết bị thủy công siêu trường, siêu trọng về đúng vị trí. Góp phần quan trọng đảm bảo tiến độ phát điện Thủy điện Sơn La theo kế hoạch đề ra, ghi dấu trên công trình thế kỷ.



Dương - Long (nguồn: CôngThương)


 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động