RSS Feed for Nghiên cứu phát triển bền vững bauxite ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 17:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nghiên cứu phát triển bền vững bauxite ở Việt Nam

 - Theo tài liệu hiện có, tài nguyên bauxit nói chung và bauxit laterit ở Việt Nam được dự tính khoảng 5,5 - 6,9 tỷ tấn và có khả năng còn tăng thêm, thuộc loại quốc gia có tài nguyên bauxit lớn trên thế giới. Với nguồn tài nguyên bauxit phong phú, năm 2007, Việt Nam đã có quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp nhôm trong tương lai, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cân đối như thế nào giữa tài nguyên và trữ lượng với tỷ lệ hợp lý để đảm bảo trữ lượng tin cậy cho sự phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biên bauxit ở Việt Nam trong sự ảnh hưởng của lạm phát, suy giảm kinh tế ở khu vực và toàn cầu. Hy vọng sẽ làm rõ được vấn đề này trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đang được triển khai.

TS. NGUYỄN VẠN THÀNH - Phó Chủ tịch thường trực
Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, Tổng Hội Địa chất Việt Nam 

 I- Tài nguyên Bauxit ở Việt Nam

Tài nguyên bauxit ở Việt Nam đã được biết đến từ những năm 30 thế kỷ trước, khi vào khoảng năm 1936-1943, các nhà địa chất Pháp đã phát hiện và khai thác mỏ bauxit Lỗ Sơn (Hải Dương) và các mỏ bauxit ở vùng Lạng Sơn.

Cho đến trước năm 1975 kết quả điều tra, thăm dò của ngành địa chất Việt Nam đã xác định và sơ bộ đánh giá triển vọng các vùng quặng bauxit lớn ở miền Bắc Việt Nam phân bố ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An.

Trữ lượng và tài nguyên được điều tra, thăm dò với các độ tin cậy khác nhau ở các vùng quặng bauxit này đạt 357,205 triệu tấn, trong đó trữ lượng chung ở các nhóm mỏ Lạng Sơn và Cao Bằng (tính đến năm 1969) được 36,4 triệu tấn (chiếm 10,2% tổng trữ lượng và tài nguyên) và đã đưa ra nhận định "Bauxit đang trở thành một khoáng sản lớn ở nước ta" [2; tr. 39].

Quặng bauxite ở miền Bắc Việt Nam chủ yếu là loại bauxite trầm tích có tuổi Permi muộn nằm trên mặt bào mòn của đá vôi Carbon-Permi, rất ít mỏ nằm trên mặt bào mòn đá vôi tuổi Devon. Thành phần khoáng vật quặng bauxite trầm tích chủ yếu là diaspo, bomit. Ở miền Bắc Việt Nam cũng có một số ít quặng bauxite laterit trong vỏ phong hóa các đá bazan tuổi Pliocen-Pleistocen nhưng tài nguyên nhỏ, không có giá trị công nghiệp.

Từ năm 1975 đến nay, công tác điều tra, thăm dò bauxit ở Việt Nam đã đưa lại những kết quả mới với những dự báo đến "chóng mặt", chủ yếu liên quan đến loại bauxit laterit trong các vỏ phong hóa các đá bazan tuổi Neogen và Pliocen- Pleistocen (N2 - Q1) ở miền Nam Việt Nam:

  • 1995: 5,4 tỷ tấn quặng nguyên khai [3],
  • 2000 - 2005: 6,75 tỷ tấn quặng nguyên khai [4],
  • 2007: 5,4 tỷ tấn quặng nguyên khai (2,298 tỷ tấn quặng tinh) [9],
  • 2009: 6,75 tỷ tấn quặng nguyên khai (1,62 tỷ tấn quặng tinh ) [5],
  • 2010: 6,91 tỷ tấn quặng nguyên khai (3,088 tỷ tấn quặng tinh) [6],
  • Và 2010: 11 tỷ tấn quặng nguyên khai [8].

 Bảng 1. Thống kê các mỏ Bauxit laterit chính ở miền Nam Việt Nam

 

Nguồn: [6]

Những số liệu nêu trong bảng 1 có tính "dự kiến" và cho thấy triển vọng tiềm năng của bauxit laterit ở miền Nam Việt Nam thuộc loại lớn theo thang phân loại triển vọng của ngành địa chất Việt Nam đang dùng. Quặng bauxit laterit ở miền Nam Việt Nam tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên.

Gần đây (năm 2010) một kết quả thống kê chuyển đổi trữ lượng và tài nguyên bauxit laterit về một "mặt bằng cấp trữ lượng và tài nguyên" theo quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên bauxit cho thấy, tổng trữ lượng và tài nguyên bauxit laterit của 23 mỏ ở Tây Nguyên được 2.522 tỷ tấn quặng tinh (+1mm), giảm 566 triệu tấn quặng tinh (18, 3%) so với dự kiến trong bảng 1.

Trữ lượng quặng tinh có thể huy động vào nghiên cứu khả thi khai thác đạt 314,159 triệu tấn (15,64% so với tổng tài nguyên tinh quặng). Trữ lượng đã được cấp phép khai thác 50,739 triệu tấn chiếm 16,15% trong tổng trữ lượng quặng tinh và chỉ đạt 2,01% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng tinh nêu trên.

Cho đến nay (tháng 2/2012), kết quả thăm dò 4 mỏ bauxite laterit ở Đăk Nông và Bình Phước đạt tổng trữ lượng (cấp 121+122) và tài nguyên (cấp 333) là 1.346,129 triệu tấn quặng nguyên khai, tương đương 520,901 triệu tấn tinh quặng (+1mm), giảm so với số dự kiến ở 4 mỏ tương ứng trong bảng 1 là 548,6 triệu tấn quặng nguyên khai (giảm 28,95% so với dự kiến), tương đương giảm 329,3 triệu tấn tinh quặng (giảm 38,73%). Kết quả này cho thấy nhận định chung rằng "thường khi thăm dò tỉ mỉ đều cho trữ lượng và chất lượng tăng" [8, tr.64] không phải hoàn toàn đúng.

Như vậy, về tổng thể tiềm năng tài nguyên bauxit nói chung và bauxit laterit ở Việt Nam là lớn, nhưng với những dẫn liệu nêu trên có thể thấy những số liệu về tài nguyên bauxit ở Việt Nam rất cần được tổng hợp lại, cập nhật kịp thời và cần đồng bộ hóa dữ liệu, đưa về một mặt bằng tin cậy để sử dụng cho nhiều mục đích phát triển kinh tế - xã hội. 

II- Tài nguyên Bauxit và sự phát triển bền vững

"Phát triển bền vững" đã được Việt Nam xác định như là mục tiêu chiến lược phát triển trong nhiều văn kiện và được thể chế hóa trong "Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) ban hành kèm theo quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ với khái niệm " phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau" [1].

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống [1].

Mối quan hệ giữa tài nguyên bauxit với phát triển bền vững ở Việt Nam đã được xem xét, trình bày trong nhiều văn liệu, tại nhiều hội thảo với nhiều cách nhìn nhận, đôi khi trái chiều. Sự phát triển của công nghiệp nhôm trên thế giới cho thấy để phát triển công nghiệp nhôm không nhất thiết quốc gia phải có giàu quặng nhôm (quặng bauxit).

Tuy nhiên, khi đã có và có giàu quặng nhôm như ở Việt Nam thì việc phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên có sẵn cho hiện nay và mai sau là bài toán kinh tế - xã hội cần được cân nhắc, trong đó có việc phải làm rõ cơ sở tài nguyên như một cơ sở quan trọng để phát triển bền vững. Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025"  theo quyết định số 167/2006/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ khi xác định mục tiêu và định hướng phát triển: " Đẩy mạnh công tác thăm dò và nâng cấp trữ lượng tài nguyên bauxit để đảm bảo độ tin cậy cho việc khai thác; đảm bảo trữ lượng tin cậy cho phát triển bền vững công nghiệp khai thác và chế biến bauxit toàn quốc" [9].

Trong báo cáo này nêu vấn đề phát triển bền vững ở góc độ "tài nguyên bauxit và mức độ sẵn sàng của tài nguyên phục vụ sự phát triển bền vững" theo quan điểm định hướng nêu trên.

Bảng 2. Các nước có tài nguyên quặng bauxit hàng đầu thế giới

Các nước Sản xuất (nghìn tấn) Trữ lượng chắc chắn
(Tr. tấn)
Tài nguyên dự báo
(Tr. tấn)
Năm 2007 Năm 2008
Úc 62.400 63.000 (67.000) 5.800 (6.200) 7.900
Brasil 24.800 25.000 (31.000) 1.900 (3.600) 2.500 (không có số liệu)
Trung Quốc 30.000 32.000 (46.000) 700 (830) 23.000
Hy Lạp 2.220 2.200 600 650
Ghi nê 18.000 18.000 7.400 8.600
Guyana 1.600 1.600 700 900
Ấn độ 19.200 20.000 770 1.400
Jamaika 14.600 15.000 2.000 2.500
Kazastan 4.800 4.800 360 450
Nga 6.400 6.400 200 250
Suriname 4.900 4.500 580 600
Venezuela 5.900 5.900 320 350
Việt Nam 30(80) 30 (80) 2.100 5.400
Các nước khác 7.150 6.800 3.200 3.800
Tổng thế giới 202.000 205.000 27.000 (29.000) 38.000

Nguồn: [7] (số liệu 2012)

Theo số liệu trong bảng 2 có thể thấy tỷ lệ giữa trữ lượng và tài nguyên của quặng bauxit ở Việt Nam đạt 38,88% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở một số nước có tài nguyên và sản lượng ngành công nghiệp bauxit - alumin - nhôm cao  trên thế giới như  Ghine (86,0%), Jamaica (80%), Brasil (76% và tăng gấp đôi trữ lượng vào năm 2012), Úc (73,41% và 78,48% năm 2012), Ấn độ (55%) nhưng cao hơn nhiều so với Trung Quốc (3,04% và 3,60% năm 2012). Xu hướng chung là tăng tỷ lệ trữ lượng/tài nguyên trong quá trình phát triển. Theo số liệu trong Quy hoạch (2007) thì tỷ lệ này ở các vùng của Việt Nam như sau:

- Tỷ lệ trung bình (quặng tinh) ở miền Bắc Việt Nam: 32,9%

- Tỷ lệ trung bình (quặng tinh) ở miền Nam Việt Nam: 12,5%,

trong đó: Vùng Konplong-Kanak: 3,04%; Vùng Đăk Nông: 7,03%; Vùng Di Linh-Bảo Lộc: 37,9%; Vùng Phước Long: 0%

Những số liệu này cho thấy tỷ lệ trung bình ở miền Bắc, miền Nam và các vùng quặng bauxit tập trung ở Tây Nguyên còn thấp xa so với các nước nêu trên nhưng vẫn bằng (vùng Konplong-Kanak) và cao hơn so với tỷ lệ ở Trung Quốc. Nếu coi tỷ lệ nêu trên là một chỉ số về mức độ sẵn sàng để huy động trữ lượng vào khai thác thì những vấn đề đặt ra ở đây là:

- Tỷ lệ nào là thích hợp đối với mỗi vùng quặng bauxit để đảm bảo trữ lượng tin cậy cho phát triển bền vững công nghiệp nhôm ở Việt Nam?

- Tỷ lệ thích hợp phụ thuộc vào số liệu tài nguyên và trữ lượng đã được xác định với mức tin cậy hợp lý. Tổng tài nguyên bauxit thực có và có thể huy động vào quy hoạch phát triển bền vững nên là bao nhiêu?

- Liệu có thể rút ra kinh nghiệm gì về chính sách phát triển công nghiệp nhôm từ mức độ sẵn sàng với tỷ lệ còn thấp như số liệu tham khảo nêu trên của Trung Quốc? Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch đã có từ năm 2007, hy vọng rằng những vấn dề nêu trên sẽ được giải quyết thỏa đáng để góp phần làm cho tài nguyên bauxit ở Việt Nam thực sự là nguồn tài nguyên có giá trị trong quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo:

1- Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), ban hành theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2- Lê Văn Cự (chủ biên) và nnk, 1982- Khoáng sản miền Bắc Việt Nam, Tập    IV, Tổng Cục Địa chất xuất bản, Hà Nội.

3- Lê Văn Trảo, Phạm Văn Mẫn, 1995- Bauxit Việt Nam. Trong "Báo cáo Hội nghị Khoa học địa chất Việt Nam", Hà Nội.

4- Trần Văn Trị (chủ biên) và nnk, 2005- Tài nguyên khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

5- Trần Văn Trị, Vũ Khúc (đồng chủ biên) và nnk, 2009- Địa chất và Tài nguyên Việt Nam. NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

6- Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản, 2011 - Đề án "Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam", Hà Nội.

7- U.S. Geological Survey. Mineral Commodity Summaries, 2007-2008 và  2011-2012.

8- Viện CODE, 2010 - Khai thác bauxit và phát triển bền vững Tây Nguyên. NXB Tri thức, Hà Nội.

9- Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025, ban hành theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nguồn: tonghoidiachat.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động