RSS Feed for Hiệu quả từ Hệ thống mạng truyền dẫn phục vụ điều hành sản xuất của EVN SPC | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 05:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ Hệ thống mạng truyền dẫn phục vụ điều hành sản xuất của EVN SPC

 - Sau 6 tháng triển khai đề án mạng truyền dẫn, kể từ ngày 15/5/2013, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã chính thức đưa toàn bộ mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh có dung lượng 1 Gbps vào vận hành, phục vụ cho hoạt động điều hành sản xuất trong toàn EVN SPC, đi qua 36 node truyền dẫn, bao gồm Văn phòng EVN SPC, 21 Công ty Điện lực (CTĐL) và 14 node Repeater, đồng thời toàn bộ hệ thống mạng cáp quang nội tỉnh của các CTĐL cung cấp đường truyền nội bộ dung lượng từ 100Mbps đến 1Gbps cho 372 đơn vị trong toàn EVN SPC được kết nối vào mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh, hình thành hệ thống mạng truyền dẫn toàn EVN SPC hoạt động linh hoạt, ổn định và hiệu quả.

Sơ đồ hệ thống mạng truyền dẫn của EVN SPC.

Hệ thống mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh của CTĐL sử dụng công nghệ Ethernet với giao thức TCP/IP, định tuyến được sử dụng trong hệ thống là OSPF theo phương thức tìm đường tự động để cung cấp đường truyền giữa Tổng công ty và các CTĐL và giao thức LACP (Link Aggregation Control Protocol – IEEE 802.3ad ). Hệ thống sử dụng toàn bộ cáp quang trực tiếp đấu nối vào các thiết bị chính là Switch core- EX4200-Juniper theo dạng Switch to Switch liên kết nhau qua các module SFP single mode khoảng cách 40km, 80km, 120km dạng duplex. Tốc độ đường truyền kết nối điểm- điểm với giao diện tốc độ 1 Gbps.

Mục tiêu của đề án hệ thống mạng truyền dẫn đã đạt được là nâng cao dung lượng đường truyền giữa EVN SPC đến các CTĐL lên 250 lần, từ 4Mbps lên 1Gbps thay thế cho đường truyền nhận từ Viettel. Tổng công ty và các đơn vị có thể chủ động toàn bộ trong đường truyền dẫn phục vụ điều hành sản xuất

Hệ thống mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh sử dụng 3.580 km cáp quang đi qua 36 node truyền dẫn bằng thiết bị Switch kết nối Văn phòng EVN SPC đến các CTĐL các Điện lực và trạm biến áp 110kV trung gian. Toàn bộ hệ thống mạng truyền dẫn bao gồm các thiết bị và cáp quang được quản lý trực quan theo thời gian thực (Real-Time) bằng phần mềm giám sát hệ thống điều khiển trung tâm Solarwinds.

Việc quản lý toàn bộ hệ hệ thống truyền dẫn đường trục của EVN SPC một cách trực quan theo thời gian thực là sự đột phá về ứng dụng công nghệ trong quản lý của EVN SPC. Bằng phần mềm Solarwinds, EVN SPC có thể giám sát toàn bộ hệ thống mạng bao gồm tại trụ sở EVN SPC và 21 tỉnh, thành phố trực thuộc một cách trực quan và có thể nắm bắt chi tiết đến tình trạng các thiết bị cũng như các tuyến cáp quang đang bị sự cố để điều hành khắc phục sự cố kịp thời và có thể cấu hình điều khiển các thiết bị toàn mạng truyền dẫn đường trục từ trung tâm điều hành của EVN SPC.

Ngoài ra, EVN SPC có thể giám sát được toàn bộ lưu lượng của các thành phần ứng dụng đang hoạt động trên hệ thống mạng truyền dẫn. Đây là bước ngoặt quan trọng mà từ trước đến nay chưa thực hiện được. Các biểu đồ lưu lượng dạng hình bánh, dạng biểu đồ miền được mô tả tỉ lệ thành phần các ứng dụng được kết xuất theo thời gian thực. Các báo cáo tình hình diễn biến cũng như sự cố trong toàn mạng theo thời gian được kết xuất cho người quản lý điều hành giám sát, theo dõi.

Việc điều hành, vận hành được phân quyền từ EVN SPC đến các DTĐL để giám sát, quản lý toàn hệ thống

EVN SPC (Ban Công nghệ thông tin (CNTT)) giữ quyền Admin, quản trị cơ sở dữ liệu, giám sát, cấu hình từ xa và điều hành chủ trì quản lý, giám sát điều hành toàn bộ hệ thống. Cán bộ trực tại Tổng công ty được phân quyền theo dõi giám sát điều hành, cấu hình toàn mạng 24/7, theo dõi quản lý trực quan trạng thái kết nối của toàn hệ thống thiết bị, mạng cáp quang đường trục để có các biện pháp, xử lý cấu hình thiết bị từ xa, cũng như điều hành xử lý các sự cố về cáp quang một cách nhanh chóng

Các CTĐL (Phòng CNTT) được phân quyền giám sát (acount view) theo dõi để xử lý thiết bị, cáp quang khi có sự cố. Bộ phận trực tại các CTĐL theo dõi trạng thái vận hành cuả thiết bị và cáp quang tại địa bàn và các tỉnh lân cận để kịp thời tổ chức xử lý các sự cố phát sinh

Song song đó, hệ thống mạng cáp quang và đường truyền nội tỉnh đã được xây dựng hoàn thành tại các CTĐL đưa 3.540km cáp quang vào sử dụng mạng nội tỉnh để thiết lập đường truyền đến 372 đơn vị cơ sở phục vụ điều hành sản xuất trong toàn Công ty, không còn phụ thuộc vào mạng cáp quang của Viettel với mô hình mạng tại các tỉnh cấu trúc kết nối điểm - điểm, giao thức TCP/IP, băng thông từ 10 Mbps, 100 Mbps đến 1 Gbps.

 

Hệ thống mạng truyền dẫn EVN SPC xây dựng thành công được đánh giá mang lại hiệu quả và là điểm sáng trong ứng dụng công nghệ trong quản lý. Hiện nay, EVN SPC đã giám sát một cách trực quan được các ứng dụng, các đường truyền, kể cả dung lượng băng thông đang hoạt động là bao nhiêu. Giải pháp mạng truyền dẫn Switch to Switch được ứng dụng thành công cho mạng truyền dẫn lõi.

Đề án thành công đã mang lại niềm tự hào cho EVN SPC vì đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã có thể làm chủ thiết bị, công nghệ và giám sát trực quan toàn mạng truyền dẫn. Hoàn toàn chủ động trong công tác quản lý điều hành, vận hành, tổ chức khai thác hệ thống đường truyền. Tốc độ đường truyền nâng cấp tăng 250 lần từ 4Mbps lên 1Gbps, hoạt động ổn định đáp ứng đồng thời các ứng dụng như Hội nghị truyền hình, cải thiện rõ chất lượng âm thanh, hình ảnh trong các phiền họp, truyền dữ liệu mạng nội bộ, ứng dụng các chương trình CNTT.

Các CTĐL chủ động hệ thống truyền dẫn nội tỉnh hoàn toàn trong việc qui hoạch thiết lập đường truyền nội tỉnh từ Công ty đến các đơn vị với băng thông được nâng cao từ 100 Mbps đến 1Gbps và không tốn chi phí thuê kênh luồng. Đáp ứng hạ tầng đường truyền lõi và nội hạt để triển khai đề án xây dựng Trung tâm chăm sóc khách hàng sử dụng điện (Contact center), các ứng dụng CNTT và các công nghệ mới của EVN SPC trong nhiều năm tới.

Hệ thống mạng truyền dẫn đường trục liên tỉnh của EVN SPC kết nối hệ thống mạng nội tỉnh của 21 CTĐL tạo thành một hệ thống mạng hoàn chỉnh toàn CTĐL hoàn hảo có Backup là hạ tầng của mọi hạ tầng, nền tảng đưa các ứng dụng công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác dịch vụ khách hàng mục tiêu trọng tâm của CTĐL năm 2013 và các năm sau này sẽ mang lại hiệu quả cao cho mọi ứng dụng CNTT của CTĐL cho các mặt quản lý.

Nguồn: EVN SPC 

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động