RSS Feed for Kiến nghị “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách” | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 08:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”

 - Để cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo Khoa học “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức (tháng 12/2013). Sau khi cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến, ngày 17/2, VEA đã hoàn thành văn bản số 11/VBKN-VEA, về việc "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội để có các giải pháp hữu hiệu, giúp các dự án điện nói chung có thể tiếp cận được nguồn vốn, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tòa soạn Năng lượng Việt Nam/ Nangluongvietnam.vn trân trọng đăng tải nguyên văn nội dung bản kiến nghị tới độc giả:

>> Kiến nghị phát huy nội lực Việt Nam trong các dự án điện
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 1)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 2)
>> Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách (Kỳ 3)

Trước sự chậm trễ của các dự án nguồn và lưới điện hiện nay có nguyên nhân từ tình trạng thiếu vốn trầm trọng, thậm chí một số dự án còn chưa rõ nguồn vốn gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, ngày 13/12/2013 VEA đã tổ chức Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” để lấy ý kiến tham luận, phản biện, của các chủ đầu tư, các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế kỹ thuật liên quan đến chuyên ngành năng lượng.

Hội thảo đã được Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam truyền và giải đáp trực tuyến trên NangluongVietnam.vn với hàng trăm nghìn lượt bạn đọc ở trong nước và nước ngoài quan tâm theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến.

Tại hội diễn đàn này, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những khả năng, hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong các dự án điện hiện nay; đề xuất các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư thỏa đáng, hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các dự án nguồn và lưới điện trong thời gian tới. Đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của đất nước.

Sau khi kết thúc hội thảo, VEA đã cùng với các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học - VEA để họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến và đưa ra một số phân tích, nhận định tình hình và kiến nghị tới các Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội như sau:

I. Thực trạng nguồn vốn cho các dự án điện hiện nay

1. Nguồn vốn cho ngành điện theo Quy hoạch Điện VII

Theo QHĐ VII (trong giai đoạn 2011-2020) thì chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than phải xây dựng 52 nhà máy, (cập nhật đến thời điểm này còn có thêm dự án nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân IV (2x600MW) do EVN làm chủ đầu tư và dự án NMNĐ Dung Quất 2x600MW là dự án BOT Chính phủ đã giao cho Sembcorp của Singapore làm Chủ đầu tư, dự án Long Phú 2 (2x600MW) do Tập đoàn Tata Ấn Độ đầu tư). Như vậy tổng số dự án NMNĐ than của QHĐVII là 52 + 3=55 dự án. Ngoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân, các nhà máy điện gió. Mặt khác đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải, phân phối điện trên toàn quốc.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD. Theo đánh giá chung, nhu cầu vốn đầu tư cần huy động giai đoạn 2010-2025 cho các dự án điện, trung bình hàng năm sẽ không dưới 5-6 tỷ USD/ năm.

Về vốn đầu tư của EVN: từ trước đến nay và lâu dài đều tập trung đầu tư phát triển nguồn, xây dựng mới nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện đồng bộ, điện phục vụ nông thôn, đưa về vùng sâu vùng xa và đưa ra các hải đảo. Nguồn vốn đó chỉ đáp ứng được một phần làm đối ứng còn chủ yếu là nguồn vốn vay từ nguồn ODA do Chính phủ cho vay lại và các nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn ODA song phương (JICA, AFD, KFW), huy động từ các quỹ tín dụng người bán, tín dụng người mua và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; hàng năm EVN cần lượng vốn từ 4-5 tỷ đô la cho việc đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, việc thiếu vốn tự tích luỹ làm cho EVN không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25%, có nghĩa là EVN không đủ vốn đối ứng để vay cho nhiều dự án theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như: WB, ADB và nhiều tổ chức tín dụng khác trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khi bị hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất điều chỉnh theo thực tế thị trường nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn trên. Thậm chí có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay, dẫn đến tiến độ thi công của một số dự án nguồn và lưới điện bị chậm trễ. Mặt khác, thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết cho đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Do đó, EVN phải ứng trước vốn sản xuất để thực hiện trong giai đoạn ban đầu.

Năm 2013, doanh thu của EVN ước đạt 172.000 tỷ đồng, sau khi khấu trừ chi phí, bù một phần lỗ lũy kế nhiều năm và lỗ tỷ giá của các năm trước đây để lại... EVN chỉ có lãi khoảng 120 tỷ đồng. Với tình hình tài chính của EVN hiện tại thì các chỉ số tài chính sẽ không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ, các tổ chức tín dụng... nên sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm các hợp đồng vay vốn.

Một số dự án nguồn nhiệt điện đưa vào vận hành chậm đã phải hiệu chỉnh lại tiến độ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn, hoặc giải ngân chậm như các dự án: Uông Bí MR1, Uông Bí MR2, Quảng Ninh II, Hải Phòng II, Duyên Hải I, Duyên Hải III....

Năm 2013, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) được giao nhiệm vụ khởi công mới 50 dự án, trong đó nhiều dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho khu vực phía Nam như: Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Bắc - Nam; đặc biệt là nâng cấp tụ bù dọc các đường dây Đắc Nông - Phú Lâm, Pleiku - Di Linh từ 1000 A lên 2000 A; Đường dây 500 kV PleiKu - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây và trạm 500 kV Lai Châu - Sơn La; các đường dây và trạm biến áp 220 kV, 500 kV đồng bộ với các nhà máy phát điện đã và đang xây như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhiệt điện Nghi Sơn, Thuỷ điện Trung Sơn, Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và nhiều nhà máy khác.

Mặc dù các dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và giao cho các ngân hàng thương mại trong nước thu xếp vốn (có bảo lãnh Chính phủ), nhưng do nhu cầu vốn quá lớn nên các ngân hàng chưa thể thu xếp đủ vốn theo yêu cầu. Trong số 50 dự án đó, đến nay NPT mới thu xếp được vốn cho 20 dự án, 30 dự án còn lại NPT đang tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như: ADB, KFW, NEXI và các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn vẫn đang trong quá trình thẩm định dự án, trình duyệt nội bộ các tổ chức tín dụng, một số dự án vay vốn trong nước đang chờ ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cấp vượt giới hạn tín dụng đối với NPT, nên chưa ký được hợp đồng tín dụng chính thức; hàng năm NPT cần hàng tỷ USD cho việc đầu tư phát triển nhưng việc thu xếp vốn đang hết sức khó khăn.

2. Dự án ngoài EVN đầu tư

Những năm qua, một số các dự án đầu tư nguồn điện lớn đã được các doanh nghiệp trong nước tham gia như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Công Thanh, Thăng Long, Tập đoàn Tân Tạo… theo các hình thức: IPP (dự án nhà máy điện độc lập), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh)… Nguồn vốn của các doanh nghiệp này bao gồm vốn tự có và vốn vay. Trong đó, PVN, TKV được giao xây dựng nhiều nhà máy phát điện cũng đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện theo hình thức BOT, IPP. Trong quy hoạch điện VII (QHĐ VII) được bố trí hàng chục dự án nhưng đến nay rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, lý do là giá điện của Việt Nam không hấp dẫn.

II. Nguyên nhân cản trở việc tiếp cận vốn tại các dự án điện

1. Các dự án điện do EVN đầu tư:

(1) Đối với vốn vay trong nước, các dự án nguồn điện có tổng mức đầu tư rất lớn, nên phải thực hiện theo hình thức đồng tài trợ. Do hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng, vì vậy mỗi khi các ngân hàng muốn cho vay thêm phải trình lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết.      

(2) Đối với vốn vay ưu đãi thì tổng nguồn vốn không lớn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình, dự án quan trọng khác, do đó khả năng bố trí nguồn vốn cho các dự án điện của EVN bị hạn chế.

(3) Đối với vốn vay nước ngoài, giá trị khoản vay ODA bị hạn chế theo chương trình của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Mỗi nhà tài trợ chỉ phân bổ cho quốc gia, ngành một số tiền nhất định trong năm. Dựa vào số tiền được phân bổ mà chủ đầu tư tìm các dự án phù hợp. Số lượng nguồn vốn này đầu tư cho ngành điện cũng không được nhiều.

(4) Việc chuẩn bị và giải ngân dự án thường kéo dài, do liên quan đến nhiều cơ quan chủ trì xem xét phê duyệt.

(5) Với các khoản vay song phương, thủ tục thẩm định không thống nhất giữa các nhà tài trợ, thường bị ràng buộc về nguồn gốc thiết bị (ví dụ JICA yêu cầu dự án phải có tư vấn Nhật Bản, tỷ lệ hàng hoá xuất xứ Nhật Bản, tổng thầu EPC...).

(6) Với khoản vay thương mại nước ngoài phải tuân theo tất cả các điều kiện của thị trường về lãi suất, thời gian, các loại phí, hồ sơ thủ tục. Đồng thời, một ngân hàng đơn phương cũng không thể cung cấp vốn cho toàn bộ dự án nguồn điện  mà phải kêu gọi sự tham gia của nhiều ngân hàng khác.

(7) Việc đánh giá mức độ tín dụng (credit rating) đối với EVN chưa được thực hiện, nên EVN thường phải vay qua Chính phủ, hoặc có bảo lãnh của Chính phủ. Quy định của Chính phủ về vay thương mại cũng rất chặt chẽ và khó khăn.

(8) Việc sử dụng vốn tự tích luỹ của EVN hàng năm là rất ít, vì lợi nhuân không được nhiều, lại thường xuyên bị lỗ nên EVN không đủ vốn để làm đối ứng (25%-30%) theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như: WB, ADB và nhiều tổ chức tín dụng khác do đó việc thực hiện vay vốn gặp nhiều khó khăn.

2. Các dự án điện do các doanh nghiệp trong nước (ngoài EVN) đầu tư

(1) Đối với các tập đoàn nhà nước, như: PVN, TKV đã có những đóng góp đáng kể trong đầu tư các nhà máy điện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những đầu tư này là do Chính phủ giao trách nhiệm tham gia cung ứng nguồn điện, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

(2) Đối với các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần, các dự án đầu tư vào ngành điện, các chủ đầu tư có nguồn vốn tự có rất hạn chế, nguồn vốn vay nước ngoài đòi hỏi phải có bảo lãnh của Chính phủ nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài. Một số dự án đang gặp khó khăn, có thể bị đổ vỡ như: Trung tâm Điện lực Kiên Lương (chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Tạo) không giải quyết được nguồn vốn.

III. Kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

1. Kiến nghị với Chính phủ:

(1) Chính phủ hỗ trợ cho EVN và một số nhà đầu tư khác được vay vốn ODA với lãi suất thấp và bảo lãnh vay vốn các ngân hàng quốc tế như: WB, ADB và các tổ chức tín dụng khác... Chính phủ hỗ trợ huy động các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Đặc biệt ưu tiên đủ vốn cho các dự án cấp bách về nguồn và lưới điện để EVN, PVN, TKV có đủ vốn đảm bảo tiến độ các dự án đã và đang triển khai xây dựng cũng như xây dựng các dự án mới từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020.           

(2) Chính phủ tiếp tục có những chính sách đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho các dự án điện như: được phép cho vay vượt mức hạn chế theo quy định.

(3) Hiện tại để xây dựng một dự án nhiệt điện: 1.200 MW cần tới 1,8 - 2 tỷ USD, theo đó vốn đối ứng từ 25%-30% thì EVN cần phải có 500-600 triệu USD làm đối ứng, và rất nhiều dự án như vậy kể cả nguồn, lưới điện thì EVN cần nhiều tỷ USD vốn đối ứng để phục vụ cho việc vay đủ vốn thực hiện các dự án như đã trình bày trên thì bức tranh tài chính của EVN hết sức khó khăn. Bởi vì với giá điện như hiện tại thì số lợi nhuận hàng năm của EVN là rất ít, lý do là cường độ tiêu thụ điện của Việt Nam hiện nay rất lớn, thể hiện ở hệ số đàn hồi (tăng trưởng điện năng/tăng trưởng GDP) đang là 2, trong đó các nước trên thế giới đều dưới 1 làm cho áp lực đầu tư, quy mô đầu tư phát triển điện tăng cao so với GDP hàng năm đất nước đạt được.

Thực tế các nước đang phát triển trên thế giới giống như nước ta như: Philippin, Malaysia, Mianma, Campuchia... quá trình này do kinh tế yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiết bị lạc hậu, sử dụng điện lãng phí... nên giá điện của họ đều từ 20-30 cen/kWh, Trong lúc đó hiện tại giá điện của nước ta mới trên 7 cen/kWh chưa phải là cao; do đó Hiệp hội kiến nghị với Chính phủ tiếp tục cho tăng giá điện. Mặt khác EVN cần giảm chi phí trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất kinh doanh, giảm tổn thất điện năng và quan tâm nhiều tới tiết kiệm điện để làm tăng lợi nhuận hàng năm đảm bảo đủ vốn đối ứng để thực hiện quá trình vay cho các dự án

2. Kiến nghị với các bộ, ngành:

(1) Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ tăng cường thu xếp nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức nước ngoài nhằm giảm áp lực thu xếp vốn của các tổ chức tín dụng, tài chính trong nước để thu xếp đủ vốn cho các dự án, đặc biệt là dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia.

(2) Trong điều kiện khó huy động vốn từ các nguồn ODA và FDI, các khoản vay hỗ trợ tín dụng xuất khẩu (ECA - Export Credit Assistance) đã trở thành một hướng đi có thể giải quyết nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn để triển khai các dự án có vốn đầu tư lớn; các bộ, ngành cần bổ sung những quy định liên quan nhằm đảm bảo tiến trình thu xếp vốn đầu tư.

(3) Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước về nguồn vốn qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý. Trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay… cho các dự án điện trọng điểm quốc gia. Đồng thời miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện lớn khi cho vay, vì các dự án nguồn điện đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ, hoặc các bộ liên quan phê duyệt.

4. Một số kiến nghị khác:

(1) Trước thực tế khu vực miền Nam thiếu điện một cách nghiêm trọng, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để 3 dự án cấp bách gồm: Long Phú 1, Duyên Hải 3 MR và Vĩnh Tân 4 và một số đường dây và trạm 220 kV, 500 kV đồng bộ thực hiện đúng tiến độ nhằm giảm căng thẳng nguồn cung điện khu vực này. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu hoàn thành việc hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VII, có một số ý kiến cho rằng, miền Bắc và miền Trung đang thừa điện là hoàn toàn không chuẩn xác. Bởi vào mùa khô, các nhà máy thủy điện của miền Bắc và miền Trung trong đó có các nhà máy thủy điện lớn như: Thác Bà, Sơn La, Lai Châu, Ialy... không có nước thì chắc chắn miền Bắc và miền Trung vẫn thiếu điện. Cần đánh giá lại năm 2013 là năm thừa điện bởi vì các nhà máy thuỷ điện có đủ nước, nền kinh tế suy thoái nên sản xuất công nghiệp bị giảm sút (điện thương phẩm cung cấp cho công nghiệp chiếm tới 70% tổng lượng điện quốc gia). Việc đề xuất loại bỏ, hoãn, giãn tiến độ một số dự án nguồn điện tại miền Bắc và miền Trung cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Điều quan trọng là để đến năm 2020, đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì ngành năng lượng nói chung và EVN nói riêng bằng mọi biện pháp tìm ra những khâu đột phá mới, có đủ nguồn vốn để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu của QHĐ VII, đạt được 75.000 MW điện, tương ứng với 360 tỷ kWh/năm. Đưa sản lượng điện đầu người từ 1.000 kWh như hiện nay lên khoảng 3.000 kWh vào năm 2020. Đó là một trong những tiêu chí hàng đầu của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

(2) Hiện nay, 3 dự án nhà máy nhiệt điện là: Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1 của QHĐ VII đã được Thủ tướng cho phép thực hiện chủ trương nội địa hóa theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012, nhưng triển khai rất chậm; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ khó khăn trước mắt là phải giải quyết được nguồn vốn và sớm chỉ định được các tổng thầu EPC để từ đó chọn ra được các nhà thầu trong nước thực hiện nội địa hóa.      

VEA tin tưởng Chính phủ sẽ có các giải pháp hữu hiệu để các dự án điện do EVN, PVN, TKV, cũng như các nhà đầu tư khác có thể tiếp cận được nguồn vốn, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Lúa gạo của bà Yingluck thành "quả đắng"
Tay chơi nghiệp dư trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương
Nga sẽ mở căn cứ quân sự ở Cam Ranh?
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động