RSS Feed for NGC và bí quyết tạo phong trào sáng kiến hợp lý hóa sản xuất | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 20:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

NGC và bí quyết tạo phong trào sáng kiến hợp lý hóa sản xuất

 - Xuất phát từ yêu cầu công việc, từ các phương án kỹ thuật đơn thuần, đến nay Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) đã phát triển được cả một phong trào sáng kiến tại đơn vị. Không chỉ đem lại hiệu quả kỹ thuật mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho ngành điện trong công tác quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp hiện nay. Việc thương mại hóa đem lại nguồn thu từ các sáng kiến này là điều được tính đến. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Tòa soạn NangluongVietnam.vn với ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc NGC sẽ cho độc giả hiểu thêm về bí quyết khơi dậy được tính sáng tạo trong mỗi cá nhân người lao động tại NGC. Điều mà không phải một đơn vị nào trong ngành điện cũng có thể làm được.

>> EVN NPC thực hiện "Tối ưu hóa chi phí" trong quản lý vận hành
>> EVN NPC thực hiện “Năm văn hóa an toàn và kỷ luật lao động”

PV: Khi nói về những thành công của (NGC), ngoài những thành công trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp cấp điện áp 110 kV… mọi người không thể không nhắc đến các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Vậy bí quyết nào để NGC có thể phát động được cả một phong trào phát huy tính sáng tạo trong toàn thể cán bộ công nhân viên, thưa ông?

Ông Lê Minh Tuấn: Nói về bí quyết, thực tế chúng tôi cũng không có bí quyết gì. Việc tạo ra được cả một phong trào phát huy tính sáng tạo trong toàn thể cán bộ công nhân viên NGC xuất phát từ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ cũng như tăng năng suất lao động, tiến tới hiện đại hóa lưới điện. Do vậy, ngay từ những ngày mới thành lập Công ty, chúng tôi đã khuyến khích các giải pháp, sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất trong toàn thể cán bộ công nhân viên.

Bên cạnh đó, địa bàn quản lý lưới điện 110 kV của NGC có địa hình phức tạp, qua đồng bằng, trung du, đồi núi, khu vực nhiễm mặn, hóa chất, bụi bẩn. Chủng loại thiết bị đa dạng, chất lượng không đồng đều, nhiều thiết bị được đưa vào vận hành từ trước những năm 70 của thế kỷ trước… nhiều đường dây và trạm 110 kV đã xuống cấp, lạc hậu, nhiều đường dây tiết diện nhỏ hơn 150mm2. Lưới điện 110 kV nói chung và khu vực mua điện Trung Quốc tại Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái nói riêng có tính liên kết yếu, không linh hoạt, trong khi đó khu vực này có nhiều nhà máy thủy điện phát lên lưới, gây bất cập trong công tác quản lý vận hành. Khối lượng lớn các thiết bị cũ lạc hậu, nguồn vốn có hạn nên mất nhiều thời gian đầu tư, cải tạo. Kết cấu lưới điện 110 kV chưa hoàn thiện nên công tác vận hành cũng khó khăn.

Đặc thù nguồn nhân lực của NGC cũng như ngành điện phần lớn đều được đào tạo cơ bản, các cán bộ, kỹ thuật đã hoạt động lâu năm trong ngành nên đều có trình độ lý thuyết lẫn kinh nghiệm. Để khai thác được khối trí tuệ này, việc phát động các giải pháp, sáng kiến kỹ thuật lúc đầu chỉ nhằm mục đích làm sao để người lao động bớt phải lao động chân tay, nhưng vẫn đảm bảo năng suất lao động, rút ngắn thời gian mất điện của khách hàng.

Hiện nay, NGC có khoảng 6.500 km đường dây, trong khi đó có 149 trạm, mỗi trạm chỉ có từ 7-10 người đảm nhiệm. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho từng bấy nhiêu người là hết sức nặng nề. Vì vậy, các anh em, cán bộ đã có sáng kiến để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian nhanh nhất mà cũng ít vất vả nhất.

Sau khi phát động phong trào, các phòng ban, bộ phận đều tập trung nghiên cứu, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi đơn vị mà đề xuất các giải pháp, sáng kiến. Các phương án trình lên Hội động xét duyệt sáng kiến của Công ty để xem xét đánh giá. Phương án nào vừa đảm bảo tính kỹ thuật vừa an toàn sẽ phổ biến rộng rãi trong toàn Công ty. Thông qua website của NGC, các phương án đều được cập nhật chi tiết, đầy đủ, không chỉ giúp đội ngũ cán bộ, công nhân viên học tập, mà từ đó có nhiều sáng kiến mới được ra đời nhờ cải tiến, phát triển các phương án ban đầu.

Xuất phát từ các điều kiện khách quan và chủ quan nói trên mà mỗi năm Công ty có từ 30 - 35 sáng kiến và hợp lý hóa sản xuất. Trong hai năm 2012 và 2013, mỗi năm có 35 sáng kiến cấp Công ty và 4 sáng kiến cấp Tổng công ty.

''NGC đang tính đến việc thương mại hóa các sáng kiến. Một khi các đơn vị trong ngành có nhu cầu ứng dụng, NGC có thể bán bản quyền hoặc cho thuê dịch vụ...''

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những sáng kiến của NGC thời gian qua và những sáng kiến đó đã phát huy hiệu quả về kỹ thuật cũng như kinh tế tại NGC như thế nào?

Ông Lê Minh Tuấn: Rất khó để có thể kể hết các sáng kiến hợp lý hóa sản xuất của NGC ở đây. Tôi xin nêu ra đây hai sáng kiến đã và đang được ứng dụng rất hiệu quả, đó là sáng kiến “Hệ thống thu thập thông số và sơ đồ trạng thái từ các trạm biến áp 110 kV” và “Chế tạo và dựng cột thép di động phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện 110 kV”.

Về ‘Hệ thống thu thập thông số và sơ đồ trạng thái từ các trạm biến áp 110 kV”, trước đây, khi chưa có sáng kiến, công nhân phải ghi thông số vận hành vào sổ hàng ngày hàng tháng, cách từ 1-2 tiếng ghi một lần. Sau đó, gọi điện báo cho đơn vị cấp trên như trực ban Công ty, điều độ A1, điều độ điện lực. Khi phần mềm này được đưa vào ứng dụng, thay vì những thao tác thủ công, gọi điện thông báo cho các trạm, thì nay các thông số được lấy tự động từ thiết bị. Ngoài ra các tín hiệu sự cố, sự kiện, trạng thái thiết bị cũng được cập nhật tự động về máy tính tại các trạm và trung tâm NGC. Từ sáng kiến trên đã áp dụng giải pháp để triển khai dự án tại các trạm 110kV, đến nay chúng tôi đang hoàn thiện các bước nghiệm thu.

Sáng kiến “Chế tạo và sử dụng cột thép di động phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện 110 kV” (gọi tắt là sáng kiến cột ERS) xuất phát từ nhiệm vụ của NGC là luôn cung cấp điện an toàn, ổn định đảm bảo đời sống văn hóa, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Bắc. Thời gian mất điện ít nhất luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, vận hành lưới điện 110 kV của Công ty. Trước đây, đối với các phụ tải có nhu cầu cấp điện liên tục, trong khi tiến hành sửa chữa đường dây 110 kV cần phải tiến hành cắt điện dài ngày, để hạn chế thời gian cắt điện đảm bảo sản xuất cho khách hàng, NGC đã sử dụng các cột bê tông ly tâm làm tuyến cấp điện tạm cho phụ tải. Việc sử dụng cột bê tông ly tâm làm tuyến tạm đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện cho các phụ tải liên tục trong thời gian thi công tuyến đường dây chính. Tuy nhiên, phương án này lại có một số nhược điểm như: phải có thời gian trong việc đào, đúc móng cho cột; sau khi sửa chữa xong gần như không thu hồi được; nhiều vị trí có địa hình khó khăn không thể vận chuyển cột vào tuyến do cột có chiều dài cố định, rất cồng kềnh…

Chính vì vậy, sáng kiến cột ERS mạ kẽm nhúng nóng ra đời đáp ứng được các yêu cầu trong việc cung cấp điện ổn định cho các phụ tải khi tiến hành thi công sửa chữa lưới điện 110kV của Công ty. Đồng thời, khắc phục được các hạn chế khi sử dụng cột bê tông ly tâm làm tuyến tạm vận hành.

Hiện tại, NGC đã ứng dụng thành công sáng kiến trong thi công dự án nâng cao khả năng truyền tải đường dây Phố Nối - Sài Đồng, đoạn từ TBA 220 kV Phố Nối tới cột số 12. Đây là khu vực có nhiều phụ tải công nghiệp quan trọng, vì vậy việc cắt điện dài ngày sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để hạn chế thời gian cắt điện, Công ty đã sử dụng cột thép di động ERS để dựng tuyến cấp điện tạm trong thời gian thi công tuyến chính. Theo đó, nếu không sử dụng cột ERS thì thời gian cắt điện để thi công sửa chữa mất khoảng 20 ngày, tương đương 480 tiếng. Nhưng khi sử dụng cột ERS để làm tuyến tạm thời gian cắt điện hoàn toàn để đấu nối từ tuyến chính sang tuyến tạm và ngược lại là 28 giờ. Như vậy, thời gian mang điện của tuyến tạm là 452 tiếng, với khả năng mang dòng tải giới hạn khoảng 70 MVA thì việc cung cấp điện cho các phụ tải là tương đối lớn, đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện liên tục cho các phụ tải khu công nghiệp Phố Nối.

Một dự án nữa cũng được Công ty sử dụng cột ERS đem lại không chỉ hiệu quả kỹ thuật mà còn hiệu quả kinh tế rõ nét là dự án nâng cao khả năng truyền tải đường dây Yên Bái - Nghĩa Lộ. Tháng 10/ 2013, để nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110 kV lộ 173 E12.3 Yên Bái - Nghĩa Lộ (đoạn từ TBA 220kV Yên Bái đến vị trí cột 157 NR Phù Yên), Công ty đã sử dụng tuyến tạm để hạn chế thời gian mất điện thi công cải tạo tuyến đường dây, đoạn tuyến tạm sử dụng cột ERS dài 3km, tương đương với việc sử dụng khoảng 18 vị trí cột tạm. Với chênh lệch chi phí xây dựng khoảng 50 triệu đồng/cột thì việc sử dụng cột ERS tiết kiệm được khoảng 900 triệu đồng/dự án so với việc sử dụng cột bê tông ly tâm.

Ngoài ra, Công ty còn ứng dụng cột ERS vào một số công trình di chuyển vị trí cột bị sạt lở đất nguy cơ gây sự cố; di chuyển tuyến để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, các dự án giao thông đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối QL1A với Thị Xã Thái Hòa - Nghệ An, mở rộng quốc lộ 1A, một số công trình đường dây nhánh rẽ mới chuẩn bị đóng điện có thiết kế cột điểm đấu nằm trùng tuyến với đường dây đang vận hành. Khi dựng cột điểm đấu thì cần cắt điện tuyến chính, với các công trình này thì tuyến tạm chỉ phải sử dụng khoảng 3 - 5 cột tạm, tương đương với việc tiết kiệm được từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng/công trình.

Sáng kiến này đã được hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc thưởng 5 triệu đồng; Tổng công ty Điện lực miền Bắc thưởng 20 triệu; Hội đồng xét duyệt sáng kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn, đạt giải A và thưởng 60 triệu đồng . Ngày 11/2 vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho các tác giả của sáng kiến này.

Hiện nay, NGC có 24 cột ERS có thể dùng trong vòng hàng chục năm. Vì vậy, không chỉ duy trì được sự ổn định cung cấp điện cho các phụ tải, đem lại lòng tin đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung mà có thể nói, sáng kiến này tiết kiệm chi phí cho Nhà nước nhiều tỷ đồng từ việc tăng sản lượng thương phẩm đến giảm tổn thất điện năng, duy trì sản xuất của khách hàng...

PV: Từ quá trình nghiên cứu đến việc đưa ra ứng dụng các sáng kiến trong thực tế, NGC có gặp phải những khó khăn gì hay không?

Ông Lê Minh Tuấn: Trước đây khi chưa thành lập NGC, các đơn vị trên địa bàn các tỉnh (phân xưởng) là một đơn vị sản xuất trực thuộc điện lực nên mọi thứ được bao cấp. Do vậy, tính chủ động, sáng tạo trong công việc của Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên cũng bị hạn chế.

Với ngành điện của chúng tôi, việc ứng dụng rộng rãi các sáng kiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là điều cần thiết. Tuy nhiên, NGC là một đơn vị hạch toán phụ thuộc nên để thực hiện một công việc gì cũng cần phải đúng quy trình và có kinh phí thực hiện. Vì vậy, nếu chúng tôi có sáng kiến nhưng không được cấp kinh phí thực hiện thì cũng rất khó áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất. Vì vậy, để các sáng kiến thực sự được phổ biến rộng rãi hơn nữa, rất cần sự quan tâm động viên kịp thời của Lãnh đạo cấp trên, để hiệu quả kỹ thuật cũng như kinh tế của các sáng kiến được phát huy hơn nữa.

Thực tế tại NGC cũng cho thấy, nhiều cán bộ công nhân viên có trình độ và tay nghề tốt nhưng khả năng diễn thuyết, đặc biệt là “ngại” viết, do đó nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được đưa vào ứng dụng rộng rãi.

Đối với những đề tài nghiên cứu có tính chất chuyên sâu, phải mất thời gian dài đầu tư sức người, sức của và tập trung trí tuệ cao cần phải có chính sách ưu đãi và linh hoạt kết hợp các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài như các Trường Đại học, các kỹ sư đầu ngành, chuyên gia nhiều kinh nghiệm.

Công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn điện cũng được NGC quan tâm chú trọng

PV: Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm nay, cũng như tiếp tục phát huy tính sáng tạo trong mỗi cá nhân thì NGC đã và đang có định hướng cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Tuấn: Định hướng của chúng tôi trong thời gian tới là thực hiện chương trình lưới điện thông minh. Yêu cầu chủ trương này đòi hỏi tự động hóa rất cao, vì vậy, ngoài việc nâng cao năng suất lao động, giảm sự cố, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh phát động phong trào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để tiến tới đưa vào vận hành các trạm không người trực. Thực tế, thì NGC đang thực hiện đầu tư thí điểm trạm không người trực. Áp dụng đề tài Hệ thống thu thập thông số và sơ đồ trạng thái từ các trạm biến áp 110 kV, bổ sung dự án thu thập thông số và sơ đồ trạng thái các trạm 110 kV còn lại.

Tiêu chí bất biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi là: Vận hành lưới điện tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị. Vì vậy, hưởng ứng năm “Văn hóa An toàn lao động và kỷ luật lao động”, NGC đang ứng dụng sáng kến tạo sân chơi tạm gọi là “An toàn và bạn” tại các Chi nhánh để giáo dục an toàn thông qua các hình thức đố vui, thơ văn, hò vè… với mục đích làm cho công nhân tự cảm nhận và ý thức cao để bảo vệ chính mình và đồng đội. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét tiến tới sử dụng sáng kiến của Công ty Truyền tải điện 2, vệ sinh thiết bị cách điện khi lưới điện vẫn đang vận hành, nhằm giảm thời gian mất điện cho khách hàng, hạn chế ít nhất số lần cắt điện.

Chúng tôi cũng tiếp tục duy trì các chương trình cải tạo lưới điện, chống quá tải đường dây và trạm, đảm bảo cấp điện cho phụ tải và truyền tải công suất của các nhà máy điện. Hoán đổi máy biến áp để vận hành tối ưu. Năm 2014, NGC đưa ra mục tiêu là năm “Hoàn thiện sơ đồ” để vận hành linh hoạt, giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố và tăng độ tin cậy cung cấp điện. NGC đang tiến hành lắp đặt tụ bù tại các trạm 110 kV để giảm tổn thất điện năng và cải tạo điện áp nút.

Công ty cũng sẽ đảm bảo cấp điện khu vực Điện Biên, phục vụ đại lễ Quốc gia kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển khai đồng bộ các dự án cấp điện cho khu công nghiệp Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh. Nghiên cứu thành công hệ thống đo xa công tơ điện tử từ các trạm biến áp và triển khai ứng dụng tại các trạm, kể cả lấy thông số vận hành của các ngăn lộ xuất tuyến trung áp, nhằm loại bỏ lao động thủ công ghi chỉ số bằng tay và ứng dụng trong tự động in hóa đơn nội bộ của Tổng công ty.

Xin lưu ý thêm, sáng kiến “Hệ thống thu nhập thông số và sơ đồ trạng thái từ các trạm biến áp 110 kV” của chúng tôi cũng đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, chúng tôi cũng đang tính đến việc thương mại hóa sáng kiến này. Một khi các đơn vị trong ngành có nhu cầu ứng dụng, chúng tôi có thể bán bản quyền hoặc cho thuê dịch vụ.

Sáng kiến của cá nhân tôi và của các cán bộ công nhân viên là kết quả của một loạt các hoạt động trong toàn Công ty. Nhân đây, tôi gửi lời cảm ơn tới toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn Công ty đã đoàn kết, tích cực lao động góp phần vào thành công của Công ty trong thời gian qua. Thay mặt Công ty, tôi cũng xin cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện của Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tôi cũng mong muốn các cấp có thêm các chính sách ưu đãi và linh hoạt đối với hoạt động sáng kiến và nghiên cứu khoa học để ngày càng đẩy mạnh lĩnh vực này, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và kinh doanh điện.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUYỄN TÂM (thực hiện)

SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
"Canh bạc" toàn cầu của Hoa Kỳ đang thu nhỏ
Người Nga đang nghĩ gì về Tổng thống Putin?
Nguồn gốc của "căn bệnh Thái Lan"
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của người "vú em"
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động