RSS Feed for Các tập đoàn Than, Điện, Dầu khí khó cổ phần hoá | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các tập đoàn Than, Điện, Dầu khí khó cổ phần hoá

 - Năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp, trong ngành năng lượng sẽ tập trung vào các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Than Khoáng sản.

Thách thức đặt ra trong CPH ngành năng lượng
Năm 2014, EVN thu 1.000 tỷ đồng từ thoái vốn ngoài ngành

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định tại Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch 2016 - 2020, ngày 24/12.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, về cơ bản Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng như EVN, PVN, TKV đang gặp khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp. Ảnh: TKV

Tính đến năm 2015, đã có 287 trên tổng số 299 DNNN của ngành Công Thương được cổ phần hóa xong. Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành công tác xắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, DN còn nhiều khó khăn, vướng mắc tài chính và công nợ, tài sản nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp, nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo xin ý kiến chủ sở hữu và các cấp có thẩm quyền xem xét, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Theo ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), hiện PVN đã thoái vốn thành công trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, đối với lĩnh vực ngân hàng thì đang trong quá trình chờ chỉ đạo thoái vốn.

Hiện nay, về cơ bản đã thực hiện xong việc thoái vốn Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) do đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Hiện PVN đang chiếm tỷ lệ sở hữu là 52% vốn điều lệ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank), nhưng việc chuyển giao phần vốn của PVN tại PVcomBank vẫn chưa được thực hiện trong 2015.

Ông Ninh Văn Quỳnh cho rằng, do tổng vốn điều lệ của ngân hàng này tương đối cao, tới 9.000 tỷ đồng (tương đương PVN nắm giữ 4.680 tỷ đồng), nên việc thoái vốn phải chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển giao phần vốn của Tập đoàn về Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù đã bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2006 đến nay, với những đơn vị cổ phần hoá có số vốn và tổng tài sản khá lớn, đang nắm các khâu phân phối điện, tư vấn xây dựng điện, cơ khí điện lực…, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp nhiều khó khăn.

Ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho rằng, Tập đoàn đang chịu “gánh nặng”, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Cái khó nhất trong cổ phần hoá của EVN là việc phải sa thải hàng ngàn lao động. Do đó, nếu thực hiện cổ phần hoá không khéo thì ngay sau cổ phần hóa có thể bị ảnh hưởng, cả về tâm tư tình cảm và thu nhập của người lao động.

Cạnh đó, thực hiện các quy định để bảo toàn vốn nhà nước, doanh nghiệp phải đánh giá lại tài sản. Tuy nhiên, cách định giá này chưa chắc đã mang lại nhiều tiền hơn cho Nhà nước, mà có thể tạo thêm gánh nặng cho công ty cổ phần sau khi đi vào hoạt động.

Một vướng mắc nữa trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, được ông An chỉ ra là quá trình xử lý văn bản của các bộ, ngành liên quan, dù nghị định hướng dẫn thông thoáng song thời gian xử lý nhiều trường hợp rất lâu, tập trung vào việc thoái vốn ở lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…

Có thời điểm 3 tháng mới ra được một văn bản, lại yêu cầu bổ sung văn bản liên quan. Trong khi Chính phủ rất sốt ruột, đề xuất phải làm nhanh. Việc Bảo hiểm Toàn cầu phải chờ văn bản xét duyệt đến 6 tháng là một ví dụ.

Đồng tình về việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, khuôn khổ pháp lý không thể phủ hết tất cả các lĩnh vực trên thực tế, nên việc hi vọng có khuôn khổ pháp lý đầy đủ hết là điều không tưởng.

Ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, thành công trong cổ phần hoá phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu, bởi thời gian qua vẫn cơ chế đó xong có bộ, doanh nghiệp làm tốt.

Thứ trưởng Vượng đề xuất: Thời gian tới, khi Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt, Bộ Công thương cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả cổ phần hoá của doanh nghiệp.

Tiếp thu những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn và cổ phần hóa, Bộ trưởng Hoàng khẳng định: Sẽ có phương hướng cụ thể, tìm ra những giải pháp thực hiện kế hoạch của năm 2015 cũng như giai đoạn 2016-2020.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động