RSS Feed for Thứ ba 23/04/2024 18:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Tuyên truyền điện hạt nhân phải đi trước một bước"

 - Lợi ích phát triển điện hạt nhân có thể được nhìn thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở nước ta, nhưng để đạt được sự chấp nhận, đồng thuận của công chúng, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.

Khai mạc Hội thảo-Trưng bày Phát triển Điện hạt nhân
Điện hạt nhân: Thành công phải đạt được đồng thuận từ cộng đồng
Việt Nam có cơ hội đón đầu thành tựu trong xây dựng ĐHN

Khó khăn nhất định

Tỉnh Ninh Thuận, từ nhiều năm qua đã xây dựng nội dung, tiến hành điều tra dư luận xã hội về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hai huyện Ninh Hải và Thuận Nam, địa điểm triển khai hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. 

Ông Nguyễn Phi Long - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho hay, toàn tỉnh đã nâng cao một bước nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, một bộ phận dân cư về vai trò của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Andrey Stankevich cho rằng, sự chấp nhận của công chúng là một trong ba yếu tố quan trọng, tác động đến tốc độ thực hiện dự án điện hạt nhân. Ảnh: Hải Vân

Đến nay, đại bộ phận người dân ở Ninh Thuận cũng đã thể hiện sự đồng thuận với Nhà nước trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng hai Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho hay, tâm lý người dân tại vùng dự án đang bị ảnh hưởng do tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận 1 bị lùi lại, hiện vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng, nên đã có những khó khăn nhất định đến công tác thông tin tuyên truyền đến người dân.

Cạnh đó, chức năng quản lý về hoạt động thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay chưa thống nhất, chưa hình thành được một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất, trong khi công tác đào tạo cán bộ về lĩnh vực thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân chưa được quan tâm.

Phát triển điện hạt nhân, một lĩnh vực còn nhiều mới tại Việt Nam. Bởi vậy, Hội thảo quốc tế “Sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân: Chia sẻ kinh nghiệm của các nước châu Á” tại tỉnh Ninh Thuận, ngày 13-11, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuyên truyền.

Ấn Độ tính đến nay đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng và vận hành trong 20 năm tới.

Các khu vực lân cận cơ sở hạt nhân, từ 1,5 km đến khoảng 25 km được coi là nguy cơ cao nhất từ chất thải phóng xạ từ các cơ sở hạt nhân, được Ấn Độ đặc biệt quan tâm. 

Thông qua các cuộc thảo luận cởi mở tại các khu dân cư này, thông tin liên lạc kịp thời, nhanh chóng về các hoạt động và phát triển kinh tế dân sự như xây  dựng trạm xá, bệnh viện, trường học, đường giao thông, thậm chí cả ngành công nghiệp địa phương.

Ấn Độ quan tâm hơn với người trẻ. Với nhóm đặc biệt, thường là các nhóm phản đối điện hạt nhân, mối quan tâm của họ là tác động môi trường của điện hạt nhân, Ấn Độ giải quyết bằng các cuộc tranh luận, đàm phán.

Ông Srisht Pall Singh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Hiệp hội Hạt nhân Ấn Độ cho rằng, tất cả những kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có “tiến trình chinh phục” sự đồng thuận của công chúng.

Kinh nghiệm phát triển năng lượng hạt nhân của Ấn Độ, theo ông Srisht Pall Singh, có thể là một “ví dụ tốt” cho Việt Nam.

Tuyên truyền có tính chất quyết định 

Chiến lược ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 3/1/2006, đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân.

Theo đó, phát triển công nghiệp hạt nhân được xem là nhiệm vụ quan trọng để đưa điện hạt nhân trở thành một trong những nguồn cung cấp điện năng chính trong tương lai. 

Các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi kinh nghiệm của Nga trong xây dựng điện hạt nhân tại nước ngoài. Ảnh Hải Vân

Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, nên tất cả các nội dung, phần việc cần được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng và tích cực, tuân thủ những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng an toàn và môi trường của nhà máy.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEA) cho biết, thông tin và tuyên truyền là 1/19 vấn đề phát triển cơ sơ sở hạ tầng điện hạt nhân.

Công tác tuyên truyền có tính chất quyết định làm cho dân hiểu được giá trị của việc sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân, độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Công tác thông tin tuyên truyền được ông Hoàng Anh Tuấn cho là phải “đi trước một bước” và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt vòng đời của nhà máy.

Kinh nghiệm của Liên bang Nga trong xây dựng điện hạt nhân tại nước ngoài cho thấy các dự án trong lĩnh vực này ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là các ngành xây dựng, kỹ thuật cơ khí, khoa học vật liệu, giáo dục…

Điện hạt nhân cũng thu hút các ngành công nghiệp nội địa tham gia vào xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa với việc gia tăng các đơn vị đặt hàng cho xây dựng, khảo sát đất đai, kỹ thuật và các công việc khác liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong mọi giai đoạn, sản xuất các thiết bị công nghệ cho nhà máy này.

Ông Andrey Stankevich, đại diện Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) nhận định: Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á và các nước ASEAN khi có quyết định ở mức cao về phát triển năng lượng hạt nhân vào năm 2009.

Ông Andrey Stankevich khẳng định, có ba yếu tố quan trọng, không tách rời, tác động đến tốc độ thực hiện dự án điện hạt nhân, đặc biệt là giai đoạn tiền đầu tư.

Thứ nhất, nhu cầu điện và cơ cấu ngành điện được thực hiện trong thời gian dài trong tương lai.

Thứ hai, sự quyết tâm của lãnh đạo các bộ ngành và các chính trị gia.

Thứ ba, sự chấp thuận và đồng thuận của công chúng cho các ngành năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân.

ROSATOM thời gian qua đã hỗ trợ toàn diện Việt Nam trong các chương trình thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng hạt nhân.

Trung tâm Thông tin Năng lượng Hạt nhân (ICONE) tại Hà Nội, do ROSATOM hỗ trợ, từ tháng 12/2012 đến nay đã đón tiếp hơn 45,000 lượt khách tham quan.

Cùng với đó, tháng 2/2015, ROSATOM và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác hỗ trợ thông tin tuyên truyền đối với các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân giai đoạn 2015 - 2020.

Thời gian tới, ông Andrey  Stankevich cho biết: "ROSATOM sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm mọi mặt trong lĩnh vực điện hạt nhân, kể cả công nghệ, hay sự chấp thuận của công chúng".

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động