RSS Feed for Nhiên liệu sinh học và hiện trạng sản xuất, sử dụng ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 13:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiên liệu sinh học và hiện trạng sản xuất, sử dụng ở Việt Nam

 - Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay (năng lượng gió, mặt trời, hạt nhân…), năng lượng sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, nhất là ở các nước nông nghiệp và nhập khẩu nhiên liệu, do các lợi ích của nó như: công nghệ sản xuất không qúa phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu…

(Nguồn ảnh: Corbis)

Như chúng ta đều biết, nền kinh tế thế giới cho đến nay và có thể còn kéo dài trong phần lớn thời gian của thế kỷ 21, phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, mặc dù nguồn tài nguyên này, trong đó có dầu thô, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất lớn và được báo động đang đi vào giai đoạn chuẩn bị cạn kiệt như số phận tất yếu của mọi loại tài nguyên tự nhiên hữu hạn khi bị khai thác tối đa.

Bên cạnh đó, nhu cầu bảo vệ môi trường sống trên trái đất được trong sạch dài lâu cũng như cần phát triển  kinh tế  với một tốc độ cao và trên quy mô rộng làm cho an ninh năng lượng toàn cầu ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, nhiệm vụ tìm kiếm nguồn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch đã được đặt ra trong gần nửa thế kỷ qua và ngày càng trở nên cấp thiết.

Một trong những hướng đi để giải quyết nhiệm vụ này là sử dụng sinh khối, tức là các vật liệu có nguồn gốc hữu cơ để đốt trực tiếp, nhằm tạo ra nhiệt năng hoặc điện năng, hoặc chuyển hóa sang các chất mang năng lượng dạng khí hoặc nhiên liệu lỏng.

Ethanol và Butanol sinh học

Ethanol C2H5OH là một chất lỏng không màu, sôi ở 78,30C và là một dung môi hữu cơ đa dụng, có thể sản xuất từ dầu khí thông qua phản ứng hydrat hóa ethylene (ethanol tổng hợp, không sử dụng vào mục đích năng lượng) hoặc từ nguyên liệu sinh học (ethanol sinh học, sử dụng chủ yếu vào mục đích năng lượng).

 Ethanol sinh học có khả năng thay thế hoàn toàn xăng sản xuất từ dầu mỏ, hoặc có thể pha trộn với xăng để tạo ra xăng sinh học. Xăng sinh học được ghi danh bằng ký tự “E” kèm theo một con số chỉ số phần trăm của ethanol sinh học được pha trộn trong xăng đó. Trên thị trường ta thường gặp các loại xăng sinh học như E5, E20, E95… tức là xăng sinh học chứa 5%, 20%, 95% ethanol.

Các loại xăng thấp hơn E25 được dùng trực tiếp cho động cơ chạy xăng thông thường, không phải chỉnh sửa, cải tạo máy. Dùng loại xăng này vừa giảm sự phụ thuộc nhập khẩu xăng sản xuất từ dầu mỏ, vừa nâng cao chỉ số octan của xăng, giảm lượng khí phát thải độc hại nhưng phải tiêu thụ lượng nhiên liệu nhiều hơn trên cùng một khoảng đường đi.

Với các loại xăng cao hơn E25 thì xe phải cải hoán kết cấu động cơ. Trên thị trường đã có loại xe FFV, gọi là xe dùng nhiên liệu linh hoạt (flexible fuel vehicles) đáp ứng yêu cầu cho mọi loại xăng sinh học.

Butanol có công thức C4H9OH, tức là có cùng nhóm chức OH như ethanol, nhưng số nhóm CH2 nhiều hơn gấp 3 lần nên  thuộc loại rượu mạnh .Tuy có cùng nhóm chức OH nhưng chứa cấu trúc mạch cacbon dài hơn và có nhiều nhánh nên butanol ít hoặc khó hòa vào nước so với ethanol.

Cũng giống như ethanol, butanol thu được thông qua tổng hợp hóa học gọi là butanol tổng hợp, được dùng chủ yếu như một dung môi trong công nghiệp, còn nếu thu được bằng con đường sinh học thì gọi là butanol sinh học, được dùng như nhiên liệu. Butanol sinh học có nhiều ưu điểm hơn ethanol sinh học, như dễ tan lẫn vào xăng, máy móc ít nguy cơ bị ăn mòn do tính không hút nước; không tan lẫn vào nước nên dễ chưng cất đạt độ tinh khiết tuyệt đối; mật độ năng lượng cao hơn ethanol sinh học 25%, gần bằng mật độ năng lượng của xăng chế từ dầu mỏ; chỉ số octan cao xấp xỉ chỉ số octan của xăng trung bình (RON96) nên khi sử dụng không phải hoán cải động cơ chạy xăng thông thường; có áp suất hơi thấp hơn nhiều so với xăng cũng như ethanol sinh học nên ít bị hao hụt do bay hơi trong quá trình tàng trữ, vận chuyển, phân phối và an toàn khi sử dụng…

Do những ưu việt nói trên nên hiện nay, butanol sinh học được coi là chọn lựa ưu tiên làm nhiên liệu thay thế xăng sản xuất từ dầu mỏ. Ngoài ra, ethanol sinh học và butanol sinh học còn được chọn làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu (fuel cell) dùng trong giao thông vận tải thay cho hydrogen, tuy nhiên phải dùng bộ tái tạo ra hydrogen (hydrogen reformer) ngay trong xe để có hydrogen trước khi cung cấp cho pin nhiên liệu. Lượng khí CO2 do pin thải ra trong trường hợp này chính là lượng CO2 trong khí quyển được thực vật hấp thụ trong quá trình quang hợp trước đó, nên có thể xem như cân bằng về CO2 trong môi trường, không có phát thải thêm.

Diesel truyền thống và diesel sinh học

Dầu diesel truyền thống còn được biết dưới tên gọi là dầu DO, chứa các hydrocacbon nằm trong phân đoạn kerosen và phân đoạn trung bình trong quá trình lọc dầu, tức là ở khoảng nhiệt độ sôi từ 2000C đến 3500C. Công dụng chính của diesel là làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong với tính chất cháy được đặc trưng bằng khả năng tự cháy, biểu thị bằng trị số cetan. Hydrocacbon có mạch n-parafin càng dài thì trị số cetan càng cao, ngược lại, các hydrocacbon thơm, nhiều vòng có trị số cetan thấp. Hexadecan n-C16H34có trị số cetan  bằng 100 và alpha-methylnapthalen C11H10 có trị số cetan bằng 0.

Xu thế diesel hóa các động cơ đốt trong dựa trên các ưu điểm của diesel so với xăng như công suất lớn hơn khi sử dụng cùng một lượng nhiên liệu, động cơ diesel tăng tốc nhanh hơn, giá diesel có thể rẻ hơn khi giá dầu thô quá cao và có thể giảm hàm lượng các chất độc hại trong khí thải.

Diesel sinh học là nhiên liệu diesel được sản xuất từ nguyên liệu sinh học, với thành phần hóa học chủ yếu là methyl ester của các axit béo. So với diesel truyền thống, sản xuất từ dầu mỏ, thì diesel sinh học có nhiều ưu điểm về mặt bảo vệ môi trường như, chứa ít lưu huỳnh (2-11ppmS), dễ phân hủy bằng vi sinh, giảm ô nhiễm không khí (bảng 1).

Bảng 1. So sánh khí thải của diesel sinh học/diesel dầu mỏ

Ngoài ra, chúng có tính bôi trơn cao hơn diesel dầu mỏ nên tuổi thọ của động cơ sẽ dài hơn và nguồn nguyên liệu lấy từ sản phẩm hoặc phế thải nông nghiệp, thủy sản nên có thể tái sinh nhanh, góp phần tăng giá trị nông nghiệp, sử dụng được lao động dôi dư, đất cằn cỗi, giảm nhập khẩu tốn kém ngoại tệ. 

Ngày nay, tùy theo nguồn nguyên liệu khác nhau mà mỗi nước sản xuất nhiều loại diesel sinh học khác nhau rồi đem trộn với diesel truyền thống theo tỷ lệ quy định trong các tiêu chuẩn sản phẩm như B5 (5% diesel sinh học, 95% diesel dầu mỏ), B10 (10% diesel sinh học, 90% diesel dầu mỏ), B20( 20% diesel sinh học, 80% diesel dầu mỏ) ...

Nhược điểm của diesel sinh học so với diesel dầu mỏ là, nhiệt năng thấp hơn, điểm đông cao hơn nên khó sử dụng ở vùng lạnh hoặc trong mùa đông, không phải là giải pháp thay thế dầu mỏ trọn vẹn vì nguồn nguyên liệu cung cấp khó khăn,dồi dào nhưng không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu; giá thành cao nên cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước, thiết bị sản xuất và hạ tầng cơ sở trong phân phối phải xây dựng mới, hệ thống pháp lý để sử dụng xăng pha nhiên liệu sinh học chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học

Trên thế giới, nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất nhiên liệu sinh học là sản phẩm nông nghiệp, các loại hạt có dầu, rong tảo, xenlulô và một phần nhỏ từ các loại mỡ cá, mỡ động vật nói chung.

Ở Nam Phi và ở Mỹ, nhiên liệu sinh học được sản xuất từ ngô. Ở các nước Tây Âu và ở Mỹ, sản lượng diesel sản xuất từ đậu tương tăng cao vào thời điểm giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm đậu tương chưa lên men, bị đặt dấu hỏi cùng với nhiều loại cây đậu tương biến đổi gien có thể cho sản lượng cao nhưng chưa cho phép dùng làm thức ăn cho người và cho gia súc.

Ở Thái Lan, Philippine… nhiên liệu sinh học lại sản xuất từ sắn, hạt cọ, cơm dừa, còn ở Brazil sản xuất từ mía và ở Canada thì từ gỗ phế thải, mùn cưa và sản phẩm phụ từ gỗ. Cây nho Kudzu phát triển nhanh được nhập khẩu từ Nhật, cách đây một vài thập niên đã mọc tràn lan trên đất Mỹ. Nhiều khu vực đầm lầy ở Canada và Mỹ đã trở thành quê hương mới của một loại cây sinh sản nhanh của châu Âu có tên gọi là Purple Loosestrife.

Những loại cây này có chi phí trồng trọt gần như bằng không, nhưng sản lượng rất lớn. Cùng với các nguồn sinh khối từ rong tảo, dầu của hạt cây cọc rào (bã đậu; Jatropha) cùng các loại hạt khác không phải là lương thực thực phẩm, việc trồng trọt không phải cạnh tranh với đất đai sản xuất lương thực, cũng như các loại rác thải từ các trang trại chăn nuôi, rác thải nông nghiệp và công nghiệp sợi, rác thải từ rau quả… đều là nguồn nguyên liệu rất phong phú, đầy triển vọng cho nhiên liệu sinh học.

Trở ngại lớn nhất là các nguồn này rất tản mạn, thu gom có nhiều khó khăn nếu không có một tổ chức hậu cần thích hợp. Nếu giá dầu tiếp tục ở mức cao dài hạn thì nhiên liệu sinh học có thể thay thế được một phần nhiên liệu dầu mỏ, mà không phải có sự trợ giá của nhà nước và có thể cạnh tranh được với các loại nhiên liệu khác để đi vào thị trường một cách bền vững.

Những lưu ý  khi sử dụng dầu diesel sinh học

Theo KS. Bì Văn Tứ, một chuyên gia về lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng diesel sinh học, cần lưu ý các điểm sau đây:

- Diesel sinh học là Alkyl ester axit béo, có thể làm hư ống mềm, ống nối, đệm…và một số chất dẻo. Các loại cao su tự nhiên, cao su nitril, PP, PVC, Tygol có thể bị tổn thương. Các vật liệu đồng thau, đồng, chì, kẽm, thiếc dễ bị oxy hóa trong môi trường diesel sinh học. Nên dùng các loại diesel có hàm lượng pha trộn diesel sinh học thấp để giảm thiểu tác động bất lợi đối với kim loại thông dụng và có thẻ chuyển sang thay thế chúng bằng nhôm, thép hợp kim, thép cacbon.

- Các bồn chứa diesel dầu mỏ có thể chứa B100, nhưng thời gian tàng trữ không nên quá 6 tháng và không để quá nóng để tránh biến chất nhanh và tự cháy.

- Các vật liệu có thể dùng cho diesel sinh học là nhôm, thép, PE florinated, PP florinated, Teflon, sợi thủy tinh.

- Đối với xe sử dụng diesel sinh học lần đầu nên kiểm tra bộ lọc và hệ thống nhiên liệu.

- Diesel sinh học có thể hòa tan một số loại sơn  nên cần kiểm tra bề mặt sơn có tiếp xúc với nhiên liệu.

- Trước khi pha chế nên kiểm tra chắc chắn chất lượng loại diesel sinh học B100.

- Diesel sinh học dùng trong mùa đông cần kiểm tra điểm đông để chọn loại phù hợp hoặc dùng giải pháp hâm nóng.

Nhiên liệu sinh học đã được các nhà khoa học nước ta chú ý đến từ những năm cuối của thế kỷ 20, cho đến nay, đã có một số nghiên cứu điều chế diesel sinh học theo phương pháp este hóa với nguyên liệu là đậu tương, dầu dừa, dầu phế thải, các loại hạt có dầu… cũng như nghiên cứu phản ứng transeste hóa bằng siêu âm, nhiệt phân hay hydro hóa nhưng chỉ là việc làm tự phát và kết quả chỉ mang tính định hướng hoặc học thuật.

Từ sau năm 2000, đã có một số xí nghiệp, công ty, đơn vị nghiên cứu tổ chức sản xuất nhiên liệu sinh học dưới dạng pilot như, Công ty Minh Tú (Cần Thơ), ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Viện Hóa Công nghiệp Hà Nội, Viện khoa học Vật liệu Ứng dụng TP. HCM… được dư luận quan tâm.

Ở đồng bằng sông Cửu Long đã dùng diesel sản xuất từ mỡ cá basa và cá tra để chạy máy tàu, thậm chí còn xuất khẩu với giá 0,6USD/lít, nhưng cũng gặp một số trục trặc vì chưa có quy trình công nghệ phù hợp, chưa có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cũng như quy định tỷ lệ pha trộn diesel sinh học tương ứng với các loại động cơ chạy diesel dầu mỏ.

Công ty SaigonPetro, Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty rượu Bình Tây cũng đã sản xuất thử nghiệm xăng E5 cho xe ô tô, nhưng chưa đưa vào được thị trường. Tháng 9/2008, Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí( PVB) cung cấp xăng E5, sản xuất từ ethanol sinh học, nhập khẩu từ Brazil cho 50 taxi ở Hà Nội, nhưng sau đó bị đình chỉ vì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xăng sinh học.Việc tổ chức trồng nguyên liệu không có sự tham gia chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước nên cũng chưa mang lại kết quả.

Ngày 20/11/2007, Thủ Tướng Chính Phủ  đã chính thức phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó đưa ra mục tiêu đến 2010, sản xuất 100.000 tấn xăng E5/năm và 50.000 tấn B5/năm, đảm bảo 0,4%  nhu cầu nhiên liệu cả nước và đến năm 2025, sẽ có sản lượng  hai loại sản phẩm này đủ đáp ứng 5% nhu cầu thị trường nội địa. Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp quan trọng  nhằm phát triển năng lượng sinh học và kiến lập thị trường để đưa ngành này từng bước hội nhập với thế giới.

Để thực hiện chiến lược này, PetroVietNam dự kiến từ năm 2011 đến năm 2015, sẽ đưa 3 nhà máy ethanol sinh học ở Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước vào hoạt động, với tổng công suất 230.000 tấn/năm, từ sản phẩm này sẽ pha thành nhiên liệu E5-E10, đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu tiêu thụ xăng sinh học cả nước.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã có 4 dự án sản xuất ethanol sinh học từ sắn lát hoặc rỉ đường để trộn với xăng thành gasohol. Mẻ cồn đầu tiên của Công ty cổ phần Đồng Xanh (Quảng Nam) đạt 120.000 lít/ngày đã ra lò vào tháng 10/2009, góp phần đưa tổng sản lượng cồn của Việt Nam trong năm 2009 đạt 50 triệu lít/năm. Tuy nhiên, giá cồn trên thị trường trong nước đã tăng từ 5.000 đồng/lít, năm 2001 lên 13.000 đồng/lít, năm 2010, trở thành cao hơn giá bán trong khu vực. Sở dĩ có tình trạng này vì quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác rẻ hơn, chưa tận dụng các phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm.

Bảng 2. Tóm tắt các dự án xây dựng Nhà máy ethanol nhiên liệu tại Việt Nam

Nguồn: orientbiofuels.com.vn

Sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng được nhiều đối tác nước ngoài rất quan tâm. Đáng chú ý trong số này là các Dự án JICA - Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu sản xuất nhiên liệu sinh học sử dụng các loại phế phẩm bã mía, rơm rạ; dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ sử dụng trấu, vỏ cà phê, trái điều, vỏ điều, rong biển; chương trình tổng thể về nghiên cứu và phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam của Hàn Quốc sản xuất diesel sinh học và các hóa chất tinh khiết thân thiện với môi trường từ dầu thực vật …

Thuận lợi và khó khăn trong sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam

Để có thể sản xuất nhiên liệu sinh học quy mô lớn, đề xuất được các giải pháp cụ thể đem lại hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải sau chưng cất, chúng ta cần thấy hết những khó khăn, thuận lợi trong lĩnh vực này.

Trong hội thảo về chiến lược tăng tốc trong lĩnh vực hạ nguồn do Hội Dầu Khí Việt Nam tổ chức, ngày 11/9/2010 tại Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này nhưng tập trung nhất là trong tham luận của TS. Võ Thị Hạnh, Phòng Vi sinh, Viện sinh Học Nhiệt đới. Theo TS. Hạnh, đối với nguồn nguyên liệu thì nước ta là một nước nông nghiệp nên có rất nhiều thuận lợi.

Nước ta đã có quy hoạch phát triển ngành mía đường, năm 2010 diện tích trồng mía đạt khoảng 300.000 ha, năng suất 65 tấn/ ha. Phụ phẩm của mía đường rất dồi dào, chất lượng cao, thích hợp cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích trồng mía chỉ đạt 265.000 ha, năng suất và chữ đường đều thấp hơn kế hoạch. Tổng sản lượng đường chỉ đạt dưới 1 triệu tấn/năm, do đó sản lượng rỉ đường cũng chỉ đạt 1,8 triệu tấn/năm và giá thành lên khá cao, dùng cho sản xuất nhiên liệu lỏng sẽ khó có lãi.

Đối với sắn, diện tích trồng năm 2008 đạt 555,7 nghìn ha, năng suất bình quân 16,9 tấn/ha, đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 7 trên thế giới về sản lượng sắn. Triển vọng về diện tích và năng suất sắn còn có thể được nâng cao hơn nữa nếu có quy hoạch vùng chuyên canh và có giải pháp bảo đảm giá đầu ra cho sản phẩm một cách hợp lý và ổn định lâu dài. Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF), đơn vị thành viên của PV OIL đã ký văn bản thỏa thuận với sở Nông nghiệp tỉnh Bình Phước, hợp tác trồng sắn trên địa bàn tỉnh này là một ví dụ về giải pháp theo hướng nói trên.

Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh các vùng nguyên liệu có thể gây ra những hậu qủa môi sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, cân bằng sinh thái cho địa phương. Từ năm 2010 đến nay, 1/3 tổng sản lượng sắn ở nước ta bị nấm bệnh vì đất xấu, lạm dụng phân vô cơ, giống bị thoái hóa, thời tiết không thuận.

Thông thường độ tinh bột trong sắn củ lớn hơn 25% nhưng ở nước ta hầu hết chỉ đạt ít hơn 20%, giá bán sắn củ lại cũng khá cao vì nhu cầu cho lương thực và chăn nuôi cũng ngày một tăng. Đến sau năm 2012, khi 3 nhà máy sản xuất cồn của PVN đi vào hoạt động thì cung sẽ không đủ cầu, giá sẽ còn tăng hơn nữa. Mặt khác cơ chế thị trường làm cho nông dân vốn quen với cách làm ăn cá thể, tiểu nông tự do, dễ dàng không tôn trọng tính ràng buộc pháp lý của hợp đồng làm cho khủng hoảng nguyên liệu xảy ra đột ngột và trầm trọng. Bên cạnh đó việc tổ chức thu mua trên một thị trường nhỏ lẻ, phân tán cũng không phải dễ dàng giải quyết.

Với nhà máy sản xuất tinh bột sắn công suất 200 tấn củ/ngày, sẽ thải ra 100 tấn bã/ngày, có thẻ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc chế biến chúng thành thức ăn gia súc có hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế - kỹ thuật và xã hội, việc dùng bã sắn để sản xuất cồn ở nước ta chưa nơi nào làm.

Về thiết bị, công nghệ, các nhà máy sản xuất cồn công suất 100.000 lít/ngày hiện đại nhập từ nước ngoài sẽ đưa lại hiệu suất tạo cồn cao (1 lít cồn chỉ cần dưới 3 kg rỉ đường hoặc dưới 2,5 kg sắn lát); hầu hết đều tận dụng phụ phế phẩm từ sản xuất cồn để sản xuất các sản phẩm phụ như CO2 lỏng, thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ, tận dụng nước thải sau chưng cất để sản xuất khí sinh học phục vụ sản xuất điện, nhiệt cho nhà máy, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao (khoảng 100 triệu USD/nhà máy), nhu cầu nguyên liệu khối lượng lớn trong lúc giá mua ngày càng tăng, chi phí xử lý nước thải  lớn…

Về tiêu thụ sản phẩm, nhu cầu xăng dầu trong tương lai gần sẽ rất lớn, nhiên liêu sản xuất từ dầu mỏ không đáp ứng đủ nên thị trường nhiên liệu sinh học rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu giá dầu mỏ không tăng quá cao như dự báo trong lúc giá thành sản xuất nhiên liệu sinh học lại cao và nhà nước giảm dần, tiến tới loại bỏ trợ cấp giá thì khâu phân phối cũng sẽ có nhiều vấn đề phải đối mặt.

Bên cạnh các giải pháp tổng thể do Chính phủ đã đưa ra, các nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với diễn biến thực tế trong tương lai. Trong các giải pháp này không nên chỉ tập trung vào việc yêu cầu nhà nước giảm thuế, tăng thêm các chính sách ưu đãi mặc dù điều đó là rất cần khi xây dựng một ngành sản xuất mới với vô số những khó khăn mà nên tìm các cách để tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với môi trường tự nhiên - kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Kết hợp tốt nhất giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý -  sản xuất - kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các kết quả nghiên cứu trong nước, bên cạnh việc tận dụng chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài cũng như nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức, quản lý cả của nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Tương lai ngành nhiên liệu sinh học cũng như năng lượng mới, năng lượng thay thế rất có tương lai, vì hiệu quả tổng hợp của ngành này rất lớn, nên chắc chắn chúng ta sẽ đạt nhiều thành tựu xuất sắc trong thời gian tới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đưa nước ta đi vào văn minh, hiện đại như cả nước đang kỳ vọng.

 

Tài liệu tham khảo:

- Hóa Học Ngày Nay, ORIENT BIO FUELS

- Cristopher A.Simon.  Alternative Energy. Rowman&Littlefield Publishers Inc. 2007

- Hồ sỹ Thoảng, Trần Mạnh Trí. Năng lượng cho thế kỷ 21. nhà XBKHKT,2009

- Các tham luận của nhiều tác giả trong hội thảo “Chiến lược tăng tốc phát triển  trong lĩnh vực hạ nguồn” do Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức ngày 11/9/2010.

 

Phó giáo sư TS. Trần Ngọc Toản

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động