RSS Feed for Cần sớm sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 07:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần sớm sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử

 - Ngay thời điểm Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực, thay vì phải có một nghiên cứu bài bản để đề xuất danh mục các văn bản cần phải ban hành để thi hành Luật một cách hệ thống, khoa học thì việc xé lẻ một nội dung thành nhiều văn bản đã đi ngược lại xu thế nhất thể hóa. Đó là một trong những tồn tại của thực trạng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Tầm chiến lược quốc gia của điện hạt nhân Việt Nam

ThS. ĐINH NGỌC QUANG (Trưởng phòng Pháp chế và Thông tin - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân)

Để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng NLNT vào mục đích hòa bình và bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân cho các hoạt động đó, nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật (VBPL) NLNT theo chuẩn mực quốc tế và hài hòa với tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam có ý nghĩa sống còn.

Hệ thống VBPL (văn bản quy phạm pháp luật) bao gồm: Luật, Nghị quyết của Quốc hội (Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội), Nghị định của Chính phủ, Quyết định (quy phạm) của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư (Thông tư liên tịch) của Bộ trưởng (các Bộ trưởng).

Có thể chia thành hai loại hình ứng dụng NLNT: năng lượng (VD: hoạt động của nhà máy điện hạt nhân (NM.ĐHN)…) và phi năng lượng (VD: ứng dụng nguồn/ thiết bị bức xạ trong y tế, công nghiệp, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, nghiên cứu, đào tạo…).

Đối với các ứng dụng phi năng lượng, hệ thống VBPL đã có quá trình nhiều thập niên phát triển và hoàn thiện, nhất là từ khi Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ được ban hành năm 1996 và được tăng cường mạnh mẽ sau khi Luật năng lượng nguyên tử được Quốc hội thông qua năm 2008. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành các Thông tư cần thiết cho công tác quản lý về an toàn bức xạ (trong đó có các Thông tư thay thế cho các Thông tư cũ) phù hợp với quy định của Luật NLNT và các khuyến cáo mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Ngược lại, đối với việc quản lý nhà nước về ĐHN, hoạt động xây dựng pháp luật mới chỉ thực sự được triển khai khoảng 5 năm trở lại đây, sau thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận và Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2010/NĐ-CP ngày 22/6/2010, quy định việc thi hành Luật NLNT về NM ĐHN (Nghị định 70). Hoạt động này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận và đồng thời đang đặt ra một số vấn đề cần phải tháo gỡ, giải quyết. Sau khi Luật NLNT được thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 1543/TTg-PL ngày 17/9/2008 về việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NLNT. Triển khai thi hành Nghị định 70, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận cho triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các văn bản QPPL phục vụ dự án ĐHN Ninh Thuận (Công văn số 8957/VPCP-KTN ngày 9/12/2010 của Văn phòng Chính phủ).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn 248/TTg-KTN ngày 19/02/2013 phê duyệt kế hoạch soạn thảo văn bản QPPL về ĐHN cho giai đoạn 2013-2020. Số lượng các văn bản bao gồm việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NLNT, 1 nghị định của Chính phủ, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 29 thông tư (Trong đó, Bộ KH&CN chủ trì 17 thông tư, Bộ Công Thương chủ trì 6 thông tư).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT. Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực NLNT.

Trong hai năm 2013-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định quan trọng: Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28/8/2013 về việc ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án ĐHN Ninh Thuận; Quyết định số 09/2014/QĐ-TTg ngày 23/01/2014 quy định nghĩa vụ tài chính của tổ chức có NM ĐHN, phương thức quản lý nguồn tài chính bảo đảm chấm dứt hoạt động và tháo dỡ NM ĐHN; Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định chế độ ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực NLNT của Bộ KH&CN; Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020.

Cùng thời gian trên, Bộ KH&CN đã ban hành được 9 thông tư, Bộ Công Thương đã ban hành 2 thông tư phục vụ cho chương trình ĐHN, đặc biệt đối với giai đoạn chuẩn bị phê duyệt địa điểm và phê duyệt báo cáo đầu tư (FS) NM ĐHN. (Có thể tải nội dung của các văn bản từ trang Web của Cục ATBXHN: http://varans.vn/ Văn bản pháp luật).

Trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 08/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 quy định nội dung Báo cáo phân tích an toàn trong hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng NM ĐHN; Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25/8/2014 hướng dẫn quản lý chất thải, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; và Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 08/10/2014 quy định về chuẩn bị thực hiện ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Trong năm 2015 này, các bộ, ngành đang tiếp tục thực hiện kế hoạch 248 và triển khai thực hiện Quyết định 2241 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&CN đang tổ chức soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt: Chính sách và chiến lược quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; Chính sách ưu đãi, thu hút chuyên gia có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực NLNT và Đề án tăng cường năng lực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng NLNT và an toàn bức xạ, hạt nhân.   

Nhìn chung, các bộ, ngành đã có những nỗ lực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển ứng dụng NLNT nói chung và chương trình ĐHN nói riêng. Nhờ vậy mà hệ thống văn bản QPPL về NLNT đã dần dần được hình thành. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận hiện trạng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có thể nhận thấy còn một số tồn tại. Ngay thời điểm Luật năng lượng nguyên tử có hiệu lực, lẽ ra phải có một nghiên cứu bài bản để đề xuất danh mục các văn bản cần phải ban hành để thi hành Luật một cách hệ thống, khoa học; tránh việc chỉ liệt kê các nhiệm vụ được giao tại các điều khoản của Luật, việc xé lẻ một nội dung thành nhiều văn bản, đi ngược lại xu thế nhất thể hóa.

Luật năng lượng nguyên tử còn có quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của một bộ luật hạt nhân tổng hợp. Mặt khác, Luật chịu sự ảnh hưởng của một số hệ thống luật khác như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật điện lực, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường... Hiện nay, một số luật đã được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy cần sớm sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử, tạo sự hài hòa với các luật liên quan khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Các chuyên gia thuộc Đoàn đánh giá pháp quy tích hợp (IRRS) và Đoàn đánh giá cơ sở hạ tầng ĐHN (INIR) của IAEA cũng đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sớm sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử.

NLNT nói chung và ĐHN là lĩnh vực công nghệ cao đa ngành phức tạp và rất mới đối với Việt Nam; chúng ta lại bị sức ép tiến độ, trong lúc đó còn thiếu nhân lực có đủ chuyên môn và kinh nghiệm, thiếu thời gian nghiên cứu sâu và thiếu kinh phí. Đây là một thách thức lớn để bảo đảm hoàn thiện khung pháp lý cho sự phát triển của các ứng dụng NLNT. Yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của một số văn bản được ban hành trong thời gian qua.

5 giải pháp xây dựng văn bản pháp luật

- Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các văn bản, các yêu cầu của quốc tế (nhất là IAEA và các nước đối tác) và xây dựng một cách tiếp cận thống nhất trong việc xây dựng văn bản. Dựa trên kết quả nghiên cứu để đề xuất một kế hoạch khoa học, khả thi và ổn định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tránh sự thường xuyên điều chỉnh, đảo lộn.

- Hình thành, tập hợp và phát triển một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, có kỹ thuật lập pháp để nâng cao chất lượng văn bản, giảm sự phụ thuộc vào chuyên gia bên ngoài. Tăng cường đào tạo ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này; tăng cường khả năng phối hợp, làm việc nhóm.

- Có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản QPPL về NLNT, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận, hài hòa giữa Luật năng lượng nguyên tử với các luật chuyên ngành khác có liên quan.

- Sớm sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử để làm căn cứ hoàn thiện hệ thống QPPL về NLNT. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì việc hoàn thiện dự thảo Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và hồ sơ trình; gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trình Chính phủ để xem xét, quyết định trước khi trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Nhiệm kỳ XIV.

- Có cơ chế tài chính đặc thù cho việc xây dựng văn bản QPPL, tiêu chuẩn về ĐHN vì hầu hết đều phải tham khảo tài liệu nước ngoài, tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước về nội dung văn bản. Cụ thể, cho phép các bộ, ngành được giao soạn thảo các văn bản QPPL được phép thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn (hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận về chi phí) trong việc xây dựng văn bản  pháp luật dưới hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của quốc tế về chuyên gia và tài chính trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật.

NangluongVietnam.vn

Lưu ý: Nghiêm cấm sao chép nội dung bài viết này dưới mọi hình thức nếu chưa có sự đồng ý của Tòa soạn Năng lượng Việt Nam bằng văn bản

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động