RSS Feed for Phát triển nhiên liệu sinh học: Cần có những chính sách ưu tiên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 11:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển nhiên liệu sinh học: Cần có những chính sách ưu tiên

 - Hiện nay, các nhà máy nhiên liệu sinh học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang gặp khó khăn về thị trường và nguyên liệu để sản xuất. Vậy, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy này cả trước mắt lẫn lâu dài?

 


Thực hiện "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg, ngày 20-11-2007, Tâp đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có kế hoạch triển khai các dự án nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025, với nội dung chính, gồm phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối các loại nhiên liệu sinh học...

Hiện nay, PVN đã xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol từ sắn, công suất khoảng 100.000 m3/năm/nhà máy, gồm Nhà máy Ethanol Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi và Nhà máy Ethanol Bình Phước (huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Theo các nhà khoa học, việc sản xuất nhiên liệu sinh học là lĩnh vực còn rất mới ở nước ta, nhưng các kỹ sư và công nhân của PVN đã nỗ lực để làm chủ công nghệ tại các nhà máy.

Các nhà máy ethanol ở Dung Quất và Bình Phước đã có dòng sản phẩm đầu tiên. Sau khi vận hành thương mại, sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 300.000m3 ethanol/năm, để pha khoảng 6 triệu mét khối xăng E5 mỗi năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước, năm 2012 dự kiến sẽ pha được khoảng 5,6 triệu m3.

Tuy nhiên, cũng không ít nhà khoa học cũng băn khoăn làm sao để có những giải pháp trong việc cung cấp nguyên liệu, cũng như vận hành và tiêu thụ sản phẩm. Bởi nếu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy không ổn định, các nhà máy sẽ hoạt động không hiệu quả.

Hiện nay, sắn là nguyên liệu khá dồi dào để sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta, nhưng hiện nay ngành chức năng chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có định hướng giúp bà con nông dân phát triển vùng sắn nguyên liệu khiến nguồn cung cho các nhà máy gián đoạn, khó duy trì ổn định sản xuất.

Việc thiếu nguyên liệu sẽ là yếu tố khiến các nhà máy sẽ phải sản xuất với chi phí cao. Theo Nhà máy Ethanol Dung Quất thì chi phí sản xuất ở đây đang cao hơn nhà máy tương tự ở Thái Lan tới gần 30%.

Cùng quan điểm về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) chia sẻ, mặc dù đã mở rộng bán xăng E5 tại hơn 150 điểm tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng năm 2011 PV Oil chỉ bán được gần 20.000 m3 xăng E5, do người tiêu dùng chưa quen với xăng sinh học. Đặc biệt, ngay cả khi tất cả hệ thống của PV Oil và Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư PETEC (được chuyển từ Bộ Công Thương về là đơn vị thành viên của PVN - là nhà phân phối xăng dầu hàng đầu ở Việt Nam) dự tính đến năm 2013 việc tiêu thụ xăng E5 cũng chỉ đạt trên dưới 100.000 m3, chiếm hơn 30% sản lượng của các nhà máy nhiên liệu sinh học. Do đó, một lượng lớn nhiên liệu sinh học sẽ phải nghĩ đến việc xuất khẩu và nếu phải xuất khẩu nhiều sẽ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm/nhà máy...

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để việc sử dụng nhiên liệu sinh học đạt hiệu quả, dự thảo về lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học của liên bộ đã được trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định, đến ngày 1-7-2013, lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 mới được áp dụng ở 7 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. Đến ngày 1-1-2015 áp dụng toàn quốc.

Tương tự, xăng sinh học E10 sẽ được áp dụng tại 7 thành phố lớn từ ngày 1-1-2015 và áp dụng trên địa bàn cả nước từ ngày 1-1-2017.

Như vậy, nhằm đưa xăng sinh học vào phục vụ cho toàn xã hội, ngoài nỗ lực của các nhà máy, rất cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc hình thành lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học. Đây là cơ sở để triển khai và là yếu tố để tồn tại hoạt động sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học. Việc sớm ban hành chính sách ưu đãi bổ sung cho đơn vị pha chế, kinh doanh nhiên liệu sinh học và hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu là cần thiết. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để phát triển nhiên liệu sinh học ở nước ta.


 

Khánh Linh
(Nguồn: Hà Nội Mới)

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động