RSS Feed for Chuẩn bị nguồn khí cho các dự án điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 00:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuẩn bị nguồn khí cho các dự án điện

 - Trong những năm qua, sản lượng khí khai thác trong nước liên tục tăng với tỷ lệ khoảng 22%/ năm. Những năm tới, sản lượng khí khai thác trong nước sẽ tiếp tục được duy trì và gia tăng, dự kiến đạt trên 13 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn 2015-2020.

Dầu mỏ và khí thiên nhiên luôn là nguồn tài nguyên qúy hiếm, là nguồn nhiên liệu chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong các nguồn năng lượng trên thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, tỷ trọng khí chiếm 23,9% và tỷ trọng này đang gia tăng nhanh chóng với mức tăng trung bình khoảng 3,1%/năm. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

 

(Nguồn ảnh: PVN)

 

Tại Việt Nam, theo dự báo của Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương), tổng nhu cầu năng lượng sẽ đạt khoảng 65-72 triệu tấn dầu quy đổi (MTOE) vào năm 2015 và 97-123 MTOE vào năm 2025. Cơ cấu sử dụng năng lượng sẽ chuyển dịch nhanh chóng theo hướng sử dụng các năng lượng sạch nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường như khí thiên nhiên, LNG, LPG… trong đó, việc sử dụng khí để sản xuất điện sẽ chiếm 70-80% tổng nhu cầu khí.

Với các ưu điểm vượt trội của các nhà máy điện chạy khí so với các loại hình nhà máy điện khác, như sử dụng nhiên liệu sạch, diện tích mặt bằng không lớn, thời gian xây dựng nhanh…trong tương lai, khả năng cung cấp khí cho các nhà máy điện vẫn luôn là mối quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện trạng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với trọng trách tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển, phân phối khí (khí đồng hành và khí tự nhiên) đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác tại các mỏ thuộc thềm lục địa Việt Nam để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Tại các khu vực Ðông Nam Bộ đã phát hiện và khai thác các mỏ khí tự nhiên như Lan Tây, Lan Ðỏ, Rồng Ðôi…và khí đồng hành từ các mỏ Bạch Hổ, Rạng Ðông, Sư Tử Vàng, Sư Tử Ðen…khu vực này hiện nay có hai hệ thống đường ống dẫn khí là Hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ và Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Hệ thống dẫn khí Bạch Hổ - Dinh Cố - Bà Rịa đưa khí đồng hành mỏ Bạch Hổ từ bể Cửu Long về bờ được hoàn thành năm 1995, hình thành dòng khí công nghiệp lớn đầu tiên của Việt Nam lưu lượng 1 triệu m3  khí/ ngày đêm. Ðây là bước ngoặt đánh dấu kỷ nguyên của ngành công nghiệp khí và sự ra đời của nhà máy nhiệt điện chạy khí tại Việt Nam. Trong những năm tiếp theo, hệ thống dẫn khí Bạch Hổ liên tục được mở rộng nhằm thu gom khí đồng hành từ các mỏ khác thuộc bể Cửu Long như Rạng Ðông, Sư Tủ Vàng, Sư Tử Ðen, Ca Ngừ Vàng, Phương Ðông, Rồng, Ðồi Mồi… Hiện nay, công suất tối đa của hệ thống này đạt mức 2,2 tỷ m3 khí /năm.

Tiếp nối thành công của dự án khí Bạch Hổ, dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn cũng được triển khai xây dựng và hoàn thành vào năm 2002. Ðây là đường ống dẫn khí hai pha dài nhất thế giới với tổng chiều dài 400km, công suất tối đa 7 tỷ m3 khí/ năm, dẫn khí từ bể Nam Côn Sơn về bờ và cung cấp cho các hộ tiêu thụ khí trên bờ tại khu vực Phú Mỹ. Nguồn khí Nam Côn Sơn hiện tại bao gồm các mỏ khí tự nhiên Lan Tây, Rồng Ðôi và Rồng Ðôi Tây, cung cấp ổn định với lưu lượng cao. Dự án này được mở rộng vào cuối năm 2008, hiện đang cung cấp cho các hộ tiêu thụ trên 20 triệu m3 khí mỗi ngày, góp phần tạo ra  sản lượng điện sản xuất từ khí Nam Côn Sơn chiếm xấp xỉ 30% sản lượng điện toàn hệ thống.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, hệ thống đường ống PM3- Cà Mau, công suất tối đa 2 tỷ m3 khí/ năm, dẫn khí từ mỏ PM3- CAA/46-Cái Nước (Khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia) về Cà Mau đã được hoàn thành vào năm 2007 cung cấp khí cho hai nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 với sản lượng thực tế đạt khoảng 1,6 tỷ m3  vào năm 2011. Hệ thống này đã giúp hình thành hạ tầng công nghiệp khí đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ, gia tăng đáng kể sản lượng điện sản xuất từ khí.

Tương lai

Với mục tiêu tăng lượng khí cung cấp cho thị trường trong nước lên mức 10-17 tỷ m3 khí/ năm trong những năm tới, 4 khu vực công nghiệp sử dụng khí sẽ được tiếp tục triển khai xây dựng.

Tại khu vực Ðông Nam Bộ, PVN đang đẩy nhanh quá trình phát triển và dự kiến đưa các mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh (bể Nam Côn Sơn) vào khai thác từ cuối năm 2013.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thuộc PVN đang triển khai nâng cấp thiết bị, tăng công suất tiếp nhận của đường ống PM3 -CAA nhằm vận chuyển tối đa lượng khí hiện có về bờ để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Bên cạnh đó, PVN và Chevron cũng đã ký thỏa thuận khung (FEED HOA), để đưa nguồn khí Lô B, 48/95, 52/97 về bờ, dự kiến cho dòng khí đầu tiên (first gas) vào Qúy III/2014.

Song song với việc đưa các mỏ khí mới vào khai thác, các hệ thống đường ống cung cấp khí hiện có (Bạch Hổ - Phú Mỹ, Nam Côn Sơn - Phú Mỹ, PM3 - Cà Mau) cũng sẽ được mở rộng phát triển và tối ưu hóa việc sử dụng. Phù hợp với kế hoạch phát triển mỏ, các đường ống Nam Côn Sơn thứ hai về Phú Mỹ, đường ống Lô B - Ô Môn cũng đực triển khai xây dựng.

Bên cạnh việc duy trì và gia tăng sản lượng khí khai thác trong nước, với mục tiêu tăng cường hơn nữa khả năng cấp khí cho các hộ tiêu thụ, PVN đang tích cực triển khai phương án nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nhập khẩu khí bằng đường ống từ các nước trong khu vực, trước mắt khoảng 1 triệu tấn LNG/ năm từ năm 2014.

 

Nguyễn Quốc Khánh - Phó tổng giám đốc
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động