RSS Feed for Việt Nam có thể giảm 30% phát thải KNK so với tiến trình thông thường? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 18:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam có thể giảm 30% phát thải KNK so với tiến trình thông thường?

 - Ngày 1/8/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tư vấn quốc tế về Báo cáo nghiên cứu của WB, phối hợp với Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, mang tên: "Đưa Việt Nam vào con đường năng lượng cac bon thấp để đạt được mục tiêu Quốc gia Đóng góp Tự nguyện - NDC" [1]. Tham gia hội thảo, ngoài đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, WB, có hiện diện nhiều tổ chức, cơ quan và cá nhân quan tâm đến vấn đề giảm thiểu tác động môi trường trong phát triển năng lượng của Việt Nam. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin nêu một vài nội dung chính của Báo cáo này để bạn đọc cùng tham khảo.

Hệ thống khí thải của Nhiệt điện Cẩm Phả được kiểm soát chặt chẽ



Năm 2015, tại Hội nghị Quốc tế Paris COP21 [2] về chống biến đổi khí hậu, với trên 190 quốc gia tham gia, Việt Nam đã cam kết quốc gia tự nguyện đóng góp cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính (KNK) vô điều kiện và giảm tới 25% KNK khi có trợ giúp quốc tế so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2030, được gọi tắt là NDC1. 

Sau đó, gần đây, đã có nhiều chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và sử dụng năng lượng hiệu quả như: Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh Quy hoạch điện VII" ngày 18/3/2016; và Quyết định số 280/ QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030" - VNEEP3. 

Trong Báo cáo của WB nói trên, có 3 kịch bản giảm nhẹ trung bình được tính toán so với kịch bản thông thường BAU, bao gồm: Kịch bản NDC-8% (giảm 8% KNK) như đã nêu; Kịch bản NDC-15% và Kịch bản EE&RE với các chính sách năng lượng hiện thời. Đồng thời, có thêm 3 kịch bản với tham vọng cắt giảm KNK với mức cao hơn, đó là Kịch bản NDC-20%, NDC-25% và NDC-30%.

Nghiên cứu này sử dụng mô hình TIMES, là một chương trình mô phỏng tính toán tối ưu hệ thống năng lượng - môi trường được phát triển từ MAKAL- EFORM, và IEA-ETSAP đã phổ biến cho trên 300 tổ chức và trên 70 quốc gia sử dụng hiện nay. TIMES cũng đã được điều chỉnh thành TIMES-Vietnam cho phù hợp với điều kiện về số liệu thống kê của nước ta.

Theo kết quả Báo cáo nghiên cứu và trình bày trong hội thảo, với các chính sách năng lượng hiện thời (EE&RE), Việt Nam không khó để đạt được mức cắt giảm gần 17,8% KNK ở năm 2030 so với kịch bản thông thường với việc tăng tỷ lệ NLTT lên 26,6% trong cơ cấu nguồn điện và giảm được 9,3% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng.

Báo cáo cũng nêu kết quả tính toán của các kịch bản tham vọng NDC-25% và NDC-30%, trong đó năm 2030 tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 12,2% và 13,8% so với BAU (cao hơn mục tiêu tiết kiệm 8 - 10% của VNEEP3 nêu trên); tỷ lệ NLTT trong tổng sản lượng điện lên tới 30,4% và 33,5% so với BAU; Công suất điện mặt trời được tăng lên tới 19,5 GW và 20,1 GW, với công suất điện gió đạt ở mức 8 GW và 8,9 GW tương ứng. Tổng chi phí lũy kế (gồm cả đầu tư và vận hành) của các kịch bản tham vọng này lại giảm so với BAU khoảng gần 14 tỷ USD, được lý giải do tăng tỷ lệ NLTT, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm mạnh chi phí nhập khẩu nhiên liệu. Chủ yếu tiềm năng cắt giảm KNK đến từ ngành điện, ngành công nghiệp, sau đó là giao thông vận tải.

Theo 2 kịch bản NDC-25% và NDC-30%, ngành điện có thể cắt giảm từ 24% và 31% KNK chủ yếu nhờ chuyển từ nhiệt điện than sang NLTT, còn ngành công nghiệp cắt giảm từ 40% và 44% KNK chủ yếu nhờ chuyển đổi từ than sang sử dụng khí đốt và tăng sử dụng điện năng so với BAU.

Tuy tổng chi phí của cả hệ thống năng lượng giảm trong các kịch bản NDC-25% và NDC-30%, nhưng tổng chi phí lũy kế trong ngành điện sẽ tăng lên từ 15,9 đến 16,2 tỷ USD tương ứng.

Từ nay đến năm 2030, nhu cầu đầu tư của Kịch bản EE&RE tăng thêm khoảng 1,5 tỷ USD/ năm so với trường hợp BAU, còn với kịch bản NDC-25% sẽ cần cộng thêm từ EE&RE khoảng 625 triệu USD/năm; với NDC-30% cần cộng thêm 975 triệu USD/năm. 

Báo cáo nghiên cứu đã nhận định: Các kịch bản tham vọng NDC-25% và NDC-30% là rất khả thi với điều kiện có trợ giúp từ quốc tế. Còn theo chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, có thể nói, với ngân sách nhà nước hạn hẹp và nhu cầu chi phí trên nhiều lĩnh vực còn rất lớn, với mọi kịch bản năng lượng từ mức cắt giảm 17,8% KNK như EE&RE đến 25% và 30% đều cần những hỗ trợ hiệu quả từ quốc tế.

Một số kết luận chính của Báo cáo:

1/ Ngay cả với các kịch bản NDC-25% và NDC-30%, than nhập khẩu vẫn tăng nhanh. Nhập khẩu năng lượng tăng khoảng  534%, dẫn đầu là tăng trưởng mạnh mẽ trong nhập khẩu than (39,4 triệu TOE) cũng như dầu thô và các sản phẩm dầu lọc (24,1 triệu TOE). Đến năm 2030, năng lượng nhập khẩu vượt quá sản xuất trong nước khoảng 7,2 triệu TOE.

2/ Giảm nhập khẩu than và tăng cường tỷ lệ NLTT là những thành tố chính trong lộ trình giảm KNK theo mục tiêu NDC.

3/ Áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh các dự án NLTT để thay thế cơ chế FIT là giải pháp hiệu quả hơn nhằm giảm chi phí khuyến khích NLTT.

4/ Công cụ hữu hiệu cho cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp là thị trường các công nghệ và giải pháp.

5/ Cải thiện hiệu quả năng lượng máy điều hòa không khí trong lĩnh vực dân dụng và ngành thương mại cần được ưu tiên hàng đầu.

6/ Chính phủ cần xác định các mục tiêu hiệu quả - tiết kiệm năng lượng của VNEEP3 tới mỗi tỉnh, thành phố; ưu tiên giữ trách nhiệm hiệu quả tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng để đạt được mục tiêu VNEEP3.

Hội thảo đã có nhiều góp ý hữu ích cho Báo cáo để Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với WB sẽ hoàn chỉnh và công bố chính thức Báo cáo vào Quý III năm 2019./.

NGUYỄN ANH TUẤN

Tài liệu tham khảo:

[1] Getting Vietnam on a low-carbon Energy Path to achieve NDC Target (NDC - Nationally Determined Contributions)

[2]  COP - Annual Conference of Parties  

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động