RSS Feed for Tăng trưởng kinh tế và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tăng trưởng kinh tế và vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

 - An ninh năng lượng được coi là “chìa khóa” để các quốc gia tránh được nguy cơ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào vấn đề năng lượng và đáp ứng được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng ngày càng nhiều đã tác động tiêu cực đến sự phát triển, làm cho trái đất nóng lên, tăng phát thải khí nhà kính...

>> Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực châu Á
>> An ninh năng lượng một số khu vực trên thế giới trong chiến lược toàn cầu

PGS, TS. PHẠM THỊ THANH BÌNH
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Tăng trưởng kinh tế với an ninh năng lượng

Tăng trưởng kinh tế gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tăng trưởng kinh tế càng nhanh đòi hỏi nguồn năng lượng sử dụng càng lớn. Với tốc độ phát triển của kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ năng lượng, nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần. Sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nguyên nhiên liệu có thể làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội. Vì lẽ đó, an ninh năng lượng được xem là có quan hệ mật thiết tới sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị - xã hội.

Trong 3 thập kỷ (1976 - 2006), tổng nguồn năng lượng sơ cấp tiêu thụ trên thế giới đã tăng từ 6 tỷ tấn quy dầu (TOE) một năm lên tới 12 tỷ tấn quy dầu (TOE)(1). Trong đó, năng lượng hóa thạch chiếm 80% tổng năng lượng. Từ năm 2000, tình trạng tiêu thụ năng lượng hóa thạch có tốc độ tăng trưởng ngày càng cao cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của các nền kinh tế mới nổi.

Sự phát triển kinh tế “nóng” của các quốc gia châu Á đi kèm với nhu cầu về năng lượng tăng cao. Nhu cầu năng lượng của châu Á tăng khoảng 40% (so với mức tăng chưa đến 5% của Bắc Mỹ). Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), châu Á cần khoản đầu tư hơn 10.000 tỷ USD vào ngành năng lượng trong giai đoạn (2012-2022)(2). 

Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ) xét về tiêu thụ năng lượng. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số và đô thị hoá không ngừng khiến mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người đang gia tăng. Theo IEA, lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ tiêu dùng trong nước.

Trong khu vực châu Á, ASEAN có mức tăng trưởng nhanh nhất nên luôn đòi hỏi nguồn cung ứng năng lượng nhiều để tiếp thêm nhiên liệu cho sự tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giá dầu mỏ tăng hiện nay không gây ảnh hưởng mạnh tới sự tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN, nhưng nếu giá dầu tiếp tục tăng trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra những tác động bất lợi đối với các nền kinh tế ASEAN. Chi phí cung ứng năng lượng cao hơn sẽ gây ra những áp lực lạm phát mạnh hơn, đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao và làm đảo ngược các hành vi tiêu dùng và đầu tư. Chi tiêu nhập khẩu năng lượng tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của ASEAN, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ, tỷ giá ngoại hối mất ổn định và cán cân thanh toán suy yếu. Theo đánh giá của Hãng Oxford Economic Forecasting Ltd, giá dầu mỏ tăng thêm 10 USD/thùng sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát ở châu Á tăng lên 1%, làm giảm cán cân thương mại mất 0,3% và kiềm chế tăng trưởng GDP 0,6%. Giá dầu mỏ đẩy lên 20 USD/thùng sẽ làm cho kịch bản xấu đi và đẩy các nền kinh tế ASEAN mất 1,2% tăng trưởng GDP, giảm 0,7% trong cán cân thương mại và chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 1,9%. Thái Lan đã phải giảm bớt mục tiêu tăng trưởng từ 6% xuống 4,6% (năm 2013) do giá nhiên liệu tăng cao. Xu hướng giá dầu mỏ tăng đang gây nên một gánh nặng tài chính cho chính phủ các nước ASEAN.

Tiêu hao năng lượng cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5 - 1,7 lần. So với các nước phát triển, tỷ lệ giữa nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam cao gấp gần 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỉ lệ này là dưới 1.

Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân: 

Thứ nhất, do rào cản kỹ thuật. Công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải; sự thiếu hiểu biết về tiết kiệm năng lượng, thiếu công cụ đo, thiếu thông tin về công nghệ tiết kiệm năng lượng, ý thức của cán bộ quản lý, cán bộ vận hành thiết bị năng lượng kém... là những lý do chủ yếu. 

Thứ hai, do rào cản kinh tế. Đó là việc phân tích tài chính không phù hợp, thiếu vốn đầu tư, thiếu vốn phát triển công nghệ trong ngành năng lượng trong khi phần lớn công nghệ trong ngành năng lượng đều lạc hậu, cũ kỹ. 

Thứ ba, do rào cản về thể chế, chính sách. Thiếu các chính sách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. 

Trong bối cảnh hiện nay, việc cung cấp năng lượng hiện đang gặp một số khó khăn: 

Một là, tình trạng giá nhiên liệu tăng, đặc biệt giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao, trong khi năng lượng hóa thạch (đặc biệt là dầu mỏ) vẫn đang được coi là nguồn năng lượng quan trọng nhất chưa có dạng năng lượng nào thay thế được.

Hai là, biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến vấn đề năng lượng. Hành tinh đang nóng dần lên và chưa có các giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Ba là, yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng về lâu dài. Chỉ có an ninh năng lượng mới có thể bảo đảm tăng trưởng kinh tế của các nước nghèo, cũng như bảo đảm để tất cả mọi người đều được tiếp cận với năng lượng.

Trong lịch sử nhân loại, cuộc chiến năng lượng luôn ở vị trí trung tâm. Hiện nay cuộc chiến này đang ở mức khốc liệt hơn (3). Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để tăng trưởng kinh tế không kéo theo mức tăng tiêu hao năng lượng cần có chiến lược táo bạo thay đổi năng lượng dựa theo 3 hướng chính sau: Sử dụng năng lượng hợp lý; Nâng cao hiệu quả năng lượng và Phát triển năng lượng tái sinh. 

Vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020). 

Do đã đạt tới vị trí của một quốc gia có thu nhập trung bình (1300 USD/người/năm 2012), Việt Nam cần có chính sách cho một nền kinh tế có lượng khí thải CO2 thấp và bảo đảm an ninh năng lượng với biến đổi khí hậu. 

Việt Nam là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng, gió, mưa nhiều, có điều kiện tự nhiên, đặc biệt tốt để phát triển năng lượng tái tạo, với nguồn sinh khối ở mức khoảng 2.500 MW, thủy điện nhỏ ở mức 7.000 MW, điện gió ở mức 3.000 MW… Tuy nhiên, khả năng khai thác nguồn năng lượng này còn khiêm tốn với khoảng 150 MW sinh khối, 1.100 MW thủy điện nhỏ, 55 MW điện gió đã được khai thác (4). Nguyên nhân của tình trạng khai thác không hiệu quả này là do kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn lực hạn hẹp (đặc biệt là nguồn lực về tài chính) trong khi lĩnh vực năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn đầu tư tài chính và nhân lực rất lớn.

Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo đã khẳng định rằng, các dự án năng lượng tái tạo mang lại số lượng việc làm đáng kể cho địa phương đặt dự án. Đây là điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển có nguồn nhân lực dồi dào như Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ đặc biệt cho các dự án năng lượng tái tạo như miễn giảm thuế; miễn giảm tiền thuê đất…

Nhu cầu năng lượng cần cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là rất lớn. Và để khai thác các nguồn năng lượng an toàn, công nghệ đơn giản, không đắt tiền, bảo vệ môi trường thì Việt Nam cần ưu tiên khai thác nguồn năng lượng gió.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), tiềm năng điện gió của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, với tổng công suất ước tính khoảng 513.360 MW (gấp 10 lần tổng công suất về nhu cầu điện năm 2020). Năng lượng gió là nguồn phát điện quan trọng nhất, sẽ được phát triển lên khoảng 1.000 MW (năm 2020) và 6.200 MW (năm 2030). Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% (năm 2020) lên 2,4% (năm 2030). Tiếp theo là các nguồn năng lượng tái tạo khác như nhiệt điện từ mặt trời (là nguồn điện bổ sung tốt nhất, sạch nhất, chủ động nhất và rẻ nhất so với điện khí, diesel, hạt nhân), quang điện, thủy triều, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học kết hợp với điện khí, điện than, thủy điện. 

Năng lượng mặt trời với độ bức xạ từ 4-6 kW/h đang được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất phục vụ cho miền núi, hải đảo, (những nơi chưa có điện), cho ngư dân. Năng lượng thủy triều, sóng biển với tiềm năng rất lớn cho sản xuất điện phục vụ trực tiếp cho hàng triệu hộ dân lưu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải. Nhiên liệu sinh học với tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất như sắn hơn 10 triệu tấn/năm (đứng thứ 5 thế giới), các phế phẩm nông nghiệp như bã mía, vỏ các loại hạt cà phê, cao su… với công suất sử dụng nhiên liệu sinh học lên đến 2 triệu tấn ethanol, biodiesel E5-E10 vào năm 2025.

Năm 2011, Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh (2011-2030) và tầm nhìn 2050. Chiến lược này là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự báo Việt Nam cần khoảng 130 tỷ USD giai đoạn (2010-2030) để đầu tư vào ngành năng lượng, trong đó 65,5% sẽ được chi cho phát triển điện. Cùng với điện, dầu khí cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, Việt Nam cần tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thăm dò và khai thác dầu.

Tóm lại, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời (đặc biệt sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản). Đây là hướng đi cần được quan tâm đầu tư, phát triển.

Tài liệu tham khảo

(1) Theo Chính sách sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế về chính sách hiệu quả năng lượng, ngày 9 đến ngày 10-4-2008. Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan quản lý môi trường và Năng lượng (ADEME).

(2) Châu Á trước những thách thức an ninh năng lượng. Theo PetroTimes ngày 11-12-2012.

(3) Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất (năm 1973), do các nước OPEC chủ động ngưng sản xuất dầu và thực hành cấm vận, không cung cấp dầu cho Mỹ và những nước phương Tây; Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai (năm 1979), do các cơ sở sản xuất, khai thác dầu ở Iran bị phá hủy trong cuộc cách mạng Hồi giáo, tiếp sau là cuộc chiến Iraq - Iran năm 1980 đã làm việc sản xuất dầu ở cả Iran và Iraq bị hoàn toàn đình trệ, không có dầu để cung cấp cho thế giới; Nguy cơ Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba, do nhu cầu tăng quá cao ở những nền kinh tế mới đang phát triển, sự tăng trưởng kinh tế mạnh và liên tục trong nhiều năm liền, trong đó 2/3 mức tăng lên là do nhu cầu của hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, 1/3 còn lại là do nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.

(4) Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nguồn gốc của "căn bệnh Thái Lan"
Chuyện "bầu" Kiên đánh vàng thành… bài giảng
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của người "vú em"
Tay chơi nghiệp dư trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động