RSS Feed for Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chủ lực | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 10:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chủ lực

 - "Tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới", khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức, sáng 5/11, tại Hà Nội.

Tiếp tục kiểm tra hoạt động của các trung tâm nhiệt điện than
Thắt chặt các nhà máy điện than về môi trường
Tìm đầu ra cho tro xỉ tại các NM nhiệt điện than
Vì sao năng lượng tái tạo không thể thay thế điện hạt nhân?

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Trong những năm qua, ngành Điện Việt Nam đã có những phát triển hết sức ấn tượng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng cao, từ 10-13%.

Hệ thống điện Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong các nước ASEAN. Công suất hệ thống đạt 40.000 MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ kWh. Trong đó, về công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại là năng lượng tái tạo. Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Dự báo từ nay đến năm 2030 nhu cầu điện Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), tốc độ tăng trưởng cho các giai đoạn 2016-2020; 2021-2025; 2025-2030, tương ứng là 10,6%; 8,5% và 7,5%. Công suất cực đại hệ thống cho các năm 2020; 2025 và 2030 tương ứng là: 42.000 MW; 63.500 MW và 90.500 MW.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên, Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển hệ thống điện Việt Nam là: năm 2020 công suất đạt 63.000 MW, 2025 là 87.000 MW, 2030 là 130.000 MW.

Tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), đến năm 2020, nhiệt điện than đạt 26.000 MW; đến năm 2025 đạt 47.600 MW; 2030 đạt 53.300 MW.

Trước thực trạng một số nhà máy nhiệt điện than chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy, đã có những quan ngại về vấn đề phát triển nhiệt điện than… Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra các nhà máy điện nhằm đảm bảo các dự án này khi xây dựng và vận hành phải theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan nhà nước thẩm định và phê duyệt.

Rút kinh nghiệm từ các vụ việc xả thải ra môi trường vừa qua, Thứ trưởng ​đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát và có biện pháp nghiêm minh với các chủ đầu tư không tuân thủ các quy định khi thực hiện dự án.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến (nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng) cho biết, nếu năm 2010, tổng công suất nhiệt điện than là 17,6% thì đến cuối năm 2015 đã là 13.000 MW, chiếm 38,4%. Tốc độ tăng trưởng của nhiệt điện than từ năm 2000-2015 là 17%, sản xuất tới 80 tỷ kWh/năm. Nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao, từ gần 41% đến hơn 55% về công suất và từ hơn 49% - 55% về sản lượng.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế, trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025.

Nhiệt điện than có thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống và đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như ở Việt Nam.

Nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường của các nhà máy nhiệt điện than, theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, các nhà máy nên sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại cho các dự án mới. Đồng thời cải tiến, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường. Trong quá trình khai thác, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành, từng bước đầu tư, xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp cũng như tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng.

PGS, TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, theo xu hướng chung, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện (giá thành nhiệt điện than rẻ hơn thủy điện trung bình 7 cent/kWh).

Trong khi đó, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh về kinh tế, cho nên nhu cầu điện năng rất cao. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như năng lượng tái tạo, bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than.

Theo PGS, TS. Trương Duy Nghĩa, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than đều cần phải sử dụng các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, theo các chỉ số đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được phê duyệt, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, có mức đầu tư lớn.

Nếu chỉ số đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý các chất thải độc hại tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ không tác động đến môi trường. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện vẫn cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý. Hơn nữa, do số lượng chất thải lớn nên hệ thống quan trắc cần được ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động