RSS Feed for Hoa Kỳ đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 08:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hoa Kỳ đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng

 - Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc General Electric (Hoa Kỳ) tại Việt Nam nhận xét: Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng trong vòng 10 năm tới. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng hỗ trợ các phương án tài chính bao gồm việc hình thành nguồn vốn giai đoạn đầu và tiếp cận vốn của bên thứ ba từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu, các tổ chức tài trợ phát triển và các tổ chức khác...

Tám xu hướng phát triển năng lượng Việt Nam
Điện than: "Việt Nam cần phát triển đúng hướng"
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết) 
Định hình tương lai "an ninh năng lượng Việt Nam"

General Electric (GE), Tập đoàn toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, với kinh nghiệm hàng đầu thế giới về hệ sinh thái năng lượng, đang thực hiện những bước đầu tiên trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được hệ sinh thái năng lượng bền vững.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng cao. Bộ Công Thương dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình 10,5% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 8% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030. Điện năng tiêu thụ dự kiến đạt 234,6 TWh tới năm 2020 và 506 TWh tới năm 2030 - tăng gấp bốn lần so với năm 2014.

Ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, cho rằng, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang trải qua sự biến đổi mạnh mẽ, việc điều hướng ngành công nghiệp này đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng trên toàn bộ hệ sinh thái năng lượng. Do đó, các mục tiêu trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh) được đặt ra nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thu hút đầu tư mới và đảm bảo thực hiện các quy chuẩn về môi trường.

Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu này, theo ông Kim "nước ta rất cần sự hỗ trợ và chuyên môn từ các đối tác".

Chọn Việt Nam để ra mắt khái niệm "hệ sinh thái" các giải pháp năng lượng, GE một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1993, muốn cung cấp danh mục các giải pháp cho hệ sinh thái năng lượng, kết hợp hệ thống liên kết kỹ thuật công nghiệp - kỹ thuật số với chương trình năng lượng quốc gia nhằm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện ổn định, bền vững với chi phí hợp lí hơn.

Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GE khu vực ASEAN cho biết, một số giải pháp sáng tạo nhất hiện nay đã được GE giới thiệu trong "hệ sinh thái", nhiều giải pháp trong đó đã được GE phát triển cùng với các khách hàng thuộc tất cả các ngành kinh doanh thuộc lĩnh vực năng lượng. Đây là một thế mạnh mà GE đang phát triển trên toàn cầu.

"Chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ nhiều khách hàng ở Việt Nam, cũng như các thị trường khác, đạt được mục tiêu về năng lượng trong tương lai", ông Wouter Van Wersch nói.

Hệ sinh thái năng lượng toàn cầu đang thay đổi. Thế giới chi khoảng 6.000 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho hệ sinh thái đó, tương đương khoảng 6% GDP toàn cầu. Theo GE, hệ sinh thái năng lượng bao gồm 9 yếu tố cơ bản sau.

Nhu cầu hiệu quả

Nhu cầu năng lượng tăng theo sự tăng trưởng của các nền kinh tế. Trong một thế giới có khách hàng ngày càng thông thái, các công nghệ giám sát điện năng và đang phải chiến đấu với biến đổi khí hậu, nhu cầu về năng lượng hiệu quả ngày càng rõ ràng.

Tại Đông Nam Á, các nền kinh tế liên tục tăng trưởng làm nhu cầu năng lượng và nhu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả tăng cao. Các tiêu chuẩn về năng lượng tối thiểu và các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng của khu vực này đã có những tác động không nhỏ ở khu vực này. Trong tương lai, vấn đề hiệu quả sẽ còn được quan tâm nhiều hơn. Các công ty năng lượng truyền thống sẽ buộc phải thích nghi với cường độ năng lượng giảm, nhưng vấn đề lớn hơn cần giải quyết là xây dựng cơ sở vật chất để sẵn sàng thích nghi với môi trường mới này.

Quản lý nhu cầu

Vấn đề sắp xếp quản lý nhu cầu (DSM) giữa các công ty sản xuất điện năng và những khách hàng sử dụng nhiều điện năng để giảm lượng nhu cầu vào giờ cao điểm đã tồn tại hàng thế kỷ. Ngày nay, sự ra đời của các thiết bị thông minh, DSM cho thấy tiềm năng có thể được thực hiện ở quy mô lớn hơn, kể cả với từng khu dân cư riêng lẻ. Mảnh đất màu mỡ này hứa hẹn cơ hội cho DSM.

Một danh mục năng lượng đa dạng và vai trò ngày càng quan trọng của năng lượng tái tạo đồng nghĩa với việc quản lý nhu cầu vào giờ cao điểm sản xuất năng lượng tái tạo có thể quan trọng hơn giờ cao điểm tiêu dùng điện năng. Với cam kết sử dụng năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, khả năng quản lý nhu cầu có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt. Cộng đồng kinh tế ASEAN và những chính sách năng lượng của khu vực sẽ tạo đà cho khả năng này phát triển ở quy mô lớn hơn.

Điện hóa vạn vật

Với ô tô điện, tàu hỏa chạy điện và thiết bị công nghiệp chạy điện, thị trường tiệu thụ năng lượng thế giới đang ngày càng chuyển dịch từ động cơ đốt trong sang động cơ chạy điện.

Vận chuyển người và hàng hóa chiếm 25% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu năm 2016. Các quy định về phát thải các bon ngày càng nghiêm ngặt và chi phí phương tiện giao thông chạy điện ngày một giảm là những yếu tố củng cố vị trí của phương tiện giao thông điện trong lĩnh vực điện hóa vạn vật.

Trên bản đồ thế giới điện hóa vạn vật, Đông Nam Á đã "rớt" lại phía sau, nhưng những cam kết của chính phủ Malaysia trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các phương tiện giao thông chạy điện hứa hẹn một bước chuyển mình trong tương lai của khu vực này.

Sản xuất điện phân tán

Xu hướng chuyển đổi từ "sản xuất điện tập trung" sang "sản xuất điện khi cần" sẽ là sự chuyển đổi quan trọng của những năm tới. Các yếu tố như giá thành phải chăng của điện mặt trời và các công nghệ khác, việc ứng dụng sản xuất điện phân tán và mức độ tin cậy của nguồn điện từ các nhà máy phân tán, hệ thống giám sát cung - cầu điện năng từ xa sẽ là những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi này.

Mô hình này đã được ứng dụng thành công ở tỉnh Gorontalo (Indonesia) năm 2015 và đã phân phối 100MW điện năng sản xuất tại chỗ để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của lưới điện địa phương. Dự án này đã trở thành một hình mẫu công nghệ có sức lan tỏa mạnh trong quá trình chuyển đổi về năng lượng ở Đông Nam Á.

Giảm lượng phát thải các bon

Giảm phát thải các bon là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng. Sự dịch chuyển theo hướng giảm lượng khí thải CO2 sẽ được thực hiện bằng hai cách: giảm phát thải CO2 nhờ tăng hiệu suất phát điện từ nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải CO2 bằng cách đa dạng hóa nguồn điện năng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo một cách rộng khắp, than đá sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất điện ở Đông Nam Á. Do đó, nâng hiệu suất của các nhà máy điện chạy than lên mức cao nhất có thể là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới lượng phát thải khí CO2. Chỉ cần hiệu suất của các nhà máy điện than toàn cầu nâng lên mức 40% thì lượng khí thải CO2 giảm đi đã tương đương với lượng phát thải của toàn Đông Nam Á.

Tiếp cận toàn cầu

Khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới chưa có điện. Bên cạnh đó, nhu cầu điện toàn cầu được dự báo sẽ tăng 50% trong vòng 20 năm tới. Những con số này đặt ra bài toán khó cho ngành công nghiệp năng lượng là vừa phải tăng số lượng hộ dân được dùng điện, vừa đồng thời duy trì được nguồn điện bền vững ở mức chi phí phải chăng.

Mặc dù số người chưa có điện ở Đông Nam Á đã giảm đi 2/3 so với số liệu năm 2000 nhưng vẫn còn tới 120 triệu người chưa được tiếp cận điện năng. Những sáng kiến như Bright Indonesia hay các chương trình điện khí hóa nông thôn cho thấy các chính phủ ngày càng tập trung nhiều hơn cho những người chưa có điện và đổi mới công nghệ đang hỗ trợ những nỗ lực này của họ.

Kỷ nguyên khí gas

Nhu cầu gia tăng hiệu suất hoạt động và giảm thiểu chi phí vận chuyển là lý do người ta chuyển sang sản xuất điện từ khí gas. Số nhà máy điện mới chạy gas ước tính sẽ tăng 28% trong 10 năm tới. Việc Mỹ tăng lượng cung khí đá phiến sẽ còn đẩy xu hướng này đi xa hơn.

Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng dư thừa trong ngắn hạn. Điều này tạo ra sức ép tồn trữ gas và khó khăn cho tiết kiệm chi phí nhờ sản xuất liên tục. Tuy nhiên, sự chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu sản xuất điện sạch hơn sẽ làm cầu khí gas toàn cầu tăng lên trong tương lai.

Nước và điện năng

Hiện có tới 650 triệu người đang thiếu nước sạch để sinh hoạt. Với ước tính dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 9 tỷ người vào năm 2040, ngành công nghiệp điện sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ để giải quyết nhu cầu nước sạch ngày càng tăng này.

Sử dụng nước để sản xuất điện năng ước tính tăng 20% vào năm 2035, trong đó lượng nước hao hụt trong hệ thống khép kín tăng 85%. Các công nghệ không sử dụng nước và sử dụng nước thải công nghiệp chính là chìa khóa giải quyết những con số này.

Trong các quốc gia ASEAN, từ các cơ sở trong thành phố tới các giàn khoan dầu khí, người ta đang tiết kiệm nước bằng cách tăng hiệu suất trong chuỗi cung ứng năng lượng. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng xu hướng chuyển đổi này sẽ tiếp tục gia tăng do việc quản lý mối quan hệ giữa nguồn nước và sản xuất điện năng sẽ ngày càng quan trọng hơn.

Số hóa năng lượng

Số hóa là chìa khóa giải quyết mọi thách thức trong quá trình chuyển đổi hệ sinh thái năng lượng toàn cầu. Số hóa mang lại hiểu biết sâu rộng hơn và tăng cường hiệu suất cho toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng. Năm 2017 sẽ là năm bản lề trong việc ứng dụng thiết bị số hóa vào sản xuất điện năng. Hiện mới chỉ có dưới 2% tổng số dữ liệu của ngành điện được ghi lại nên đây sẽ là cơ hội lớn để nhận biết những lợi ích to lớn từ số hóa. Một nhà máy điện số hóa tiêu biểu có thể tăng 3% hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm 5% thời gian chết.

Ngoài ra, số hóa còn cung cấp thông tin chính xác về mọi yếu tố liên quan tới thị trường điện, từ đó nâng cao hiệu suất cho toàn hệ sinh thái điện.

Xu hướng chuyển đổi công nghiệp kỹ thuật số đang diễn ra, việc tăng cường sử dụng các phần mềm, công cụ phân tích tiên tiến với chi phí hợp lý kết hợp với Internet ngành công nghiệp để khai phá năng lực tiềm ẩn của dữ liệu lớn trong việc kết nối hệ sinh thái đang là sự quan tâm của các chính phủ, các hộ sử dụng năng lượng.

Cạnh đó, những kết quả thực tiễn của nhà máy điện kỹ thuật số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện sự vận hành và thúc đẩy các quyết định kinh doanh năng lượng nhằm tạo ra các cơ hội tăng thêm doanh thu và giảm chi phí cũng đang là mối quan tâm của các khách hàng Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng trong vòng 10 năm tới.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các phương án tài chính bao gồm việc hình thành nguồn vốn giai đoạn đầu và tiếp cận vốn của bên thứ ba từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu, các tổ chức tài trợ phát triển và các tổ chức khác", ông Sơn nói.

THANH HUYỀN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động