RSS Feed for ECC - Nơi hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 08:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

ECC - Nơi hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm

 - Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC) thuộc sở Công Thương Hà Nội góp phần không nhỏ hoạt động tiết kiệm năng lượng của ngành Công Thương Hà Nội. Không chỉ hoạt động ngành của Thủ đô, trong những năm qua, ECC Hà Nội đã không ngừng nghiên cứu, triển khai các hoạt động nhằm phục vụ cho dự án tiết kiệm năng lượng của các tổ chức, công ty trong nước và xuyên quốc gia.

Xây dựng chiến lược phát triển

Tuy chỉ mới thành lập trong một thời gian ngắn, với nguồn nhân lực trẻ nhưng bằng khả năng của mình cũng như sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thành viên nên trong thời gian qua trung tâm luôn là tổ chức dẫn đầu về các thành tích về tiết kiệm năng lượng.

Sở Công thương Hà Nội

Để hiểu rõ hơn về phương thức hoạt động và những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình thực hiện chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với chuyên viên lĩnh vực tiết kiệm năng lượng anh Đỗ Văn Sáng; qua đó cho thấy trong quá trình hoạt động thì bên cạnh những thuận lợi thì trung tâm cũng gặp không ít khó khăn để có thể truyền tải được thông điệp tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả nhất đến mọi người.

Đứng trước sự lãng phí nguồn năng lượng điện ngày càng cao ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, việc nghiên cứu về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng điện nói riêng được cụ thể hóa bằng đề tài  "Nghiên cứu đề xuất giải pháp và xây dựng mô hình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng điện", do Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ làm đơn vị chủ trì, và trung tâm tiết kiệm năng lượng phối hợp thực hiện. Qua đề tài nghiên cứu đã có 4 nhóm giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng được đưa ra, bao gồm:

Nhóm 1, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện năng: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, nó gửi đến nhà quản lý, các doanh nghiệp, người dân, người lao động các thông điệp tiếp kiệm năng lượng một các thường xuyên và liên tục để hiểu hơn về các giải pháp, ý nghĩa của việc tiết kiệm năng lượng,... từ đó mọi người sẽ xây dựng cho mình một thói quen sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất, quản lý tốt nhất và hưởng các cơ chế chính sách nhanh nhất.

Nhóm 2, nhóm  giải pháp về kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện năng: Xác định những tiến bộ kỹ thuật, những công nghệ mới và các thiết bị cần sử dụng để tiết kiệm điện năng. Khuyến cáo sử dụng hết công suất đã lắp đặt, tránh sử dụng non tải khi chưa có điều kiện thay thế. Sử dụng nghiên cứu ứng dụng phần mềm tính toán tổn thất điện năng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc của các tổ chức KH&CN nghiên cứu hoạt động về điện để lựa chọn các giải pháp kỹ thuật. Hệ thống chiếu sáng và sinh hoạt là loại hình tiêu hao năng lượng điện rất lớn và tổn thất cũng rất lớn. Do đó cần có các giải pháp kỹ thuật bằng phương pháp sử dụng các loại thiết bị (bóng đèn,...) tiết kiệm năng lượng cho nhóm này.

Nhóm 3, nhóm giải pháp về quản lý nhằm tiết kiệm điện năng: Đưa ra những giải pháp chống thất thoát trong tiêu thụ điện năng, sử dụng hợp lý; cải tiến công tác quản lý hành chính trong sử dụng điện năng. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình về việc thực hiện tiết kiệm năng lượng của đơn vị, để từ đó giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhóm 4, nhóm  giải pháp về chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm điện năng. Trong đó tập trung vào hai giai đoạn: Giải pháp trước mắt: Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, kỹ thuật cũng như về vốn để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích các đề tài nghiên cứu giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt là hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp đã được lựa chọn áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, để từ đó nhân rộng mô hình tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh.  Giải pháp lâu dài: Đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng điện trên địa bàn và xây dựng chương trình tiết kiệm điện riêng cho tỉnh, trong đó cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm điện năng. Thành lập Trung tâm tiết kiệm năng lượng Nghệ An để hỗ trợ các doanh nghiệp về kiểm toán và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ theo cơ chế tự chủ về tài chính; thành lập quỹ cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay cho các dự án Tiết kiệm điện hiệu quả (phụ thuộc vào  ngân sách).

Bên cạnh đó trung tâm cũng không ngừng cải tiến các loại thiết bị điện thông thường, phổ biến trong cuộc sống của nhân dân nhằm tạo thói quen sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức của con người trong việc sử dụng tiết kiêm năng lượng. Phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành cũng như các trung tâm về năng lượng khác, ECC Hà Nội cũng đã liên tục cập nhật với tình hình thế giới để có thể đưa ra những công trình phục vụ cho mục tiêu này. Tiêu biểu là việc trung tâm đã triển khai chương trình sử dụng đèn LED thay cho bóng đèn sợi đốt giúp giảm thiểu phần lớn điện năng; một mặt chất lượng ánh sáng tốt hơn bóng đèn sợ đốt, một mặt nó lại có tác dụng trong việc nâng cao sức khỏe con người, lại góp phần giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ không khí. Và hiện nay loại bóng đèn này đang được người dân tin tưởng và sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày.

ECC Hà Nội và ECC Bắc Ninh ký quy chế phối hợp hoạt động

Tồn tại song song với những thuận lợi mà trung tâm có được trong công tác tuyên truyền, sáng chế ra những thiết bị tiết kiệm điện thì Trung tâm cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức. Trước hết là điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta còn nghèo nàn, nguồn vốn chưa thật lớn; trang thiết bị kĩ thuật cũng chưa hiện đại để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các trung tâm TKNL như ECC để phục vụ cho mục tiêu TKNL chung của đất nước và một số tổ chức khác. Trình độ của nhân lực đã được cải thiện tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế để có thể tiếp cận những công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác TKNL. Ngoài ra, một nguyên nhân đặc biệt quan trọng dẫn đến hiệu quả thấp trong việc tuyên truyền và áp dụng chính sách tiết kiệm năng lượng đó là xuất phát từ chính người sử dụng. Khi mà người sử dụng nhận thức chưa sâu về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng và giá trị của việc chuyển đổi bóng đèn thì họ sẽ khó khăn cho việc tiếp nhận chuyển đổi; bởi giá thành của bóng đèn tiết kiệm điện thường có chi phí cao hơn bóng đèn sợi đốt. Vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động.

Những kinh nghiệm, bài học thực tiễn

Từ những trải nghiệm trong thực tế khắc phục những khó khăn và phát huy những thuận lợi, Kỹ sư Đỗ Văn Sáng cho biết: Từ kinh nghiệm đúc kết từ nhiều năm qua trong công tác TKNL, những biện pháp này vừa rất cụ thể vừa thiết thực là giá trị quý báu để áp dụng trong thực tiễn về sau.

Thứ nhất, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng. Áp dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm giảm tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm. Sử dụng vật liệu cách nhiệt phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài về mức hiệu suất năng lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, thừa nhận áp dụng nhằm hạn chế truyền nhiệt qua tường, mái nhà, cửa ra vào và cửa sổ.

Sử dụng và lắp đặt các phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao được thiết kế, sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài về mức hiệu suất năng lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, thừa nhận áp dụng. Sử dụng hệ thống quản lý, điều khiển tự động để vận hành phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phù hợp với quy mô công trình. Lắp đặt thiết bị đo lường điện, nhiệt, thiết bị khống chế nhiệt độ trong phòng và thiết bị kiểm soát hệ thống cung cấp điện, nhiệt tại các vị trí trong toà nhà phù hợp với điều kiện thời tiết và mục đích sử dụng.

Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng.Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với công trình xây dựng.

Thứ hai, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp lựa chọn các biện pháp sau đây để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ nhằm đạt hiệu suất năng lượng cao đối với thiết bị sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp; Sử dụng thiết bị, công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nghề. Loại bỏ theo lộ trình phương tiện, thiết bị, máy móc nông nghiệp, đánh bắt thủy sản có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thủy lợi. Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý, tối ưu hoá hệ thống hồ chứa, kênh mương, tận dụng dòng chảy tự nhiên. Vận hành, khai thác hợp lý công suất tổ máy bơm trong các trạm bơm cấp, thoát nước của hệ thống thủy lợi. Giảm tổn thất điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn điện, giảm tổn thất điện năng. Khuyến khích sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ bằng sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Phát triển hợp lý theo quy hoạch vùng cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Thứ tư, biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị Nhà nước áp dụng các biện pháp quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây đối với phương tiện, thiết bị: Xây dựng và công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; Công khai thông tin cần thiết về sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị;  Loại bỏ phương tiện, thiết bị dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Vấn đề tiết kiệm năng lượng không phải là đề tài mới nhưng nó lại luôn mang tính cấp thiết ở mọi thời đại, thế nhưng không phải bất kì ai cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề chính vì vậy theo anh mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện năng cũng như hiểu được tiết kiệm cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Bên cạnh đó cần nâng cao các giải pháp đồng bộ trong quản lí, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến đề tài này như thế mới có thể tạo ra được thế liên hợp để giải quyết tốt vấn đề.

Nguồn: anhsangonline.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động