RSS Feed for Kinh nghiệm triển khai chương trình dán nhãn tại một số quốc gia trên thế giới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 06:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kinh nghiệm triển khai chương trình dán nhãn tại một số quốc gia trên thế giới

 - Qua nhiều thập kỷ, dán nhãn năng lượng đã chứng minh được hiệu quả tiết kiệm năng lượng qua số lượng quốc gia, nhóm sản phẩm và mức độ tăng dần các tiêu chuẩn và quy định.


Chương trình tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng trên thế giới


Australia

Nhãn năng lượng Australia.

Tại xứ sở chuột túi, chương trình nhãn năng lượng bắt buộc được triển khai từ năm 1999. Đặc điểm của nhãn năng lượng Australia là có một định mức hình ngôi sao thể hiện HSNL và dự báo mức tiêu hao năng lượng hàng năm của thiết bị. Thời gian, nhãn thay đổi thiết kế thể hiện rõ thang đo HSNL từ 1 đến 10 (một số dòng sản phẩm), hoặc từ 1 đến 6 (cho hầu hết các sản phẩm còn lại).

Các sản phẩm có trên 6 ngôi sao được coi là sản phẩm siêu hiệu quả. Dán nhãn năng lượng là yêu cầu bắt buộc tại Australia và New Zealand, áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm gồm: tủ lạnh, tủ cấp đông, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, điều hòa không khí, TV và màn hình máy tính. Việc thực hiện dán nhãn được căn cứ theo chứng nhận và đăng ký riêng của nhà sản xuất. Việc kiểm tra trên diện rộng bằng cách lựa chọn sản phẩm mục tiêu để thử nghiệm đã được sử dụng để hỗ trợ giám sát và cưỡng chế thực thi.

Mỹ

Nhãn năng lượng Mỹ.

Chương trình dán nhãn năng lượng của Mỹ do Ủy ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC) xây dựng vào năm 1980 theo lời kêu gọi hợp thức hóa chương trình dán nhãn để cải thiện hiệu quả năng lượng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong việc mua sắm. Qua quá trình cải tiến, nhãn sẽ hiển thị một cách đơn giản về chi phí hoạt động hàng năm dự kiến, phổ tiêu thụ năng lượng cao nhất và thấp nhất và mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị.

Hiện nhãn ENERGY STAR được áp dụng cho hơn 70 nhóm sản phẩm, bao gồm thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng, đèn chiếu sáng, thiết bị trung tâm dữ liệu và đồ điện tử (US EPA, 2017).

Năm 2011, chương trình ENERGY STAR triển khai hợp phần Nhãn năng lượng Hiệu quả nhất dành cho khoảng 5% sản phẩm có hiệu suất năng lượng vượt trội nhằm hướng đến một thị phần nhỏ siêu hiệu suất. Hợp phần này vinh danh các sản phẩm, nhà sản xuất có những sáng chế, công nghệ vượt trội dẫn đầu thị trường, nhưng cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các sản phẩm cùng chủng loại có hiệu suất thấp hơn.

EU

 
Nhãn năng lượng châu Âu.

Tại châu Âu, nhãn thông tin năng lượng so sánh bắt buộc cho các sản phẩm tủ lạnh gia dụng, máy giặt và máy sấy quần áo, máy rửa bát, lò nướng, thiết bị đun nước nóng và bình chứa nước nóng, đèn chiếu sáng, điều hòa không khí và 16 nhóm sản phẩm khác theo quy định. Chương trình xếp loại hiệu quả năng lượng hàng năm của một sản phẩm so với các sản phẩm tương tự. Sản phẩm được xếp theo mức từ A (hiệu quả nhất) đến G (ít hiệu quả nhất). Theo quy định này, nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu kỹ thuật về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm. Các nước thành viên phải đảm bảo nhà cung cấp tuân thủ các nghĩa vụ dán nhãn, không sử dụng các loại nhãn của các vùng lãnh thổ có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; đồng thời truyền thông, quảng bá cho các loại nhãn.

Nhật Bản

 
Nhãn năng lượng Nhật Bản.

Để tuân thủ Luật bảo toàn năng lượng quốc gia, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng tự nguyện của Nhật Bản được liên kết với Chương trình Top Runner, trong đó quy định rõ hiệu suất cao nhất hiện có trên thị trường cùng với quy định cải thiện hiệu quả tiềm năng bằng công nghệ giữa thời điểm xác định giá trị và năm mục tiêu. Ngay khi đến năm mục tiêu và áp dụng tiêu chuẩn, các nhà sản xuất sẽ được xem xét mức độ tuân thủ tiêu chuẩn mục tiêu trung bình của tất cả các loại sản phẩm bán ra (chứ không phải của từng sản phẩm đã bán). Đối với từng dòng sản phẩm, nhãn dán cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về năm mục tiêu áp dụng chương trình Top Runner, tỷ lệ hoàn thành tương ứng với mục tiêu và mức tiêu thụ năng lượng hàng năm.

Những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn Top Runner sẽ được dán nhãn chứng nhận trên tất cả các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tại điểm bán, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn. Nhãn có đặc điểm là ký hiệu chữ “e” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “e” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu. Luật sửa đổi năm 2006 liên quan đến việc sử dụng năng lượng phù hợp quy định về dán nhãn năng lượng, trong đó bao gồm thông tin về nhãn năng lượng tự nguyện nhưng cũng cung cấp một hệ thống đánh giá 5 sao cho hiệu quả năng lượng và hóa đơn tiền điện dự kiến.

Chương trình đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Nhật Bản, nhằm chiếm ưu thế về công nghệ và mở rộng thị phần trong thị trường mà hiệu suất là ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên không doanh nghiệp nào muốn bị đứng ngoài cuộc chơi, nên sau hơn hai thập kỷ từ lúc được giới thiệu, Top Runner đã trở thành tiêu chuẩn mà cả hệ thống sản xuất đều vươn theo.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chương trình đã nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của các phương tiện giao thông hơn 48%, điều hòa không khí 32.3%, tủ lạnh khoảng 43%, màn hình TV và máy tính khoảng 29.6%. Tính đến báo cáo cập nhật gần đây nhất, hệ thống Top Runner đã đặt tiêu chuẩn cho 28 nhóm ngành hàng, bao gồm cả những vật liệu cách nhiệt và xây dựng./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động